THƯƠNG MẠI ÐIỆN TỬ:
Hạ tầng, ứng dụng và công nghệ mới quyết định sự phát triển

KHẢI NHIÊN   06:24, 15/11/2023

Để phục vụ và phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, điều quan trọng là phải tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng cũng như phát triển ứng dụng các công nghệ mới.  

Sở Công thương tổ chức tập huấn TMĐT. Ảnh: Ánh Nguyệt
Sở Công thương tổ chức tập huấn TMĐT. Ảnh: Ánh Nguyệt

Theo Sở Công thương tỉnh, đến thời điểm này, hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT. Cụ thể, tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính và có người phục vụ đạt 100%; đồng thời 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng mạng lưới cáp quang băng rộng, mạng di động 3G, 4G, đạt độ phủ 100% khu dân cư. Đáng kể hơn, hiện có đơn vị viễn thông đã triển khai thí điểm 6 điểm phát sóng 5G. 

Đi cùng với hệ thống hạ tầng, các nền tảng số đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn sự phát triển TMĐT - một xu hướng tất yếu của nền thương mại trong kỷ nguyên số. Theo đó, các nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công như nền tảng hóa đơn điện tử (ngành Thuế), nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản... được phát triển đưa vào hoạt động. Ngoài ra, còn các nền tảng số do doanh nghiệp cung cấp như nền tảng sàn TMĐT và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT trong việc tham gia các sàn TMĐT lớn như lazada, shopee, tiki, posmart… Hiện tại, Lâm Đồng có 8 website và 2 ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT đã được xác nhận, bên cạnh 8 đơn vị đang thực hiện chuyển phát hàng hóa; trong đó, riêng hệ thống bưu cục của VNPost và hệ thống bưu cục của Viettel Post với 12 bưu cục đóng tại 12 huyện, thành phố thực hiện hoạt động chuyển phát hàng hóa.

Mặt khác, hệ thống thanh toán, hoá đơn điện tử và chữ ký số ở tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều đã cung cấp dịch vụ ngân hàng số. Việc đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử đã triển khai đối với 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân hiện là 1,69%.

Đáng nói hơn, theo Sở Công thương, cần phải đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hoá nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương. Bởi hiện tại nền tảng số phục vụ xuất khẩu được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia nhiều nhất là alibaba với khoảng 80 gian hàng, trong đó, năm 2022 và 2023, Sở Công thương đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp thuộc các ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh tham gia sàn này. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, số lượng tham gia các gin hàng trên các sàn TMĐT còn hạn chế trong khi tiềm năng của Lâm Đồng còn nhiều.

Điểm mới khác là ứng dụng các phương thức TMĐT vào quảng cáo và tiếp thị xuyên biên giới, tiếp cận với khách hàng nước ngoài cũng được doanh nghiệp chú trọng, như: email marketing, quảng cáo trên google, website công ty, quảng cáo thông qua mạng xã hội (facebook, tiktok, youtube, whatsapp,…). Ngoài ra, Sở Công thương cũng tạo fanpage Dalat export và kênh youtube Dalatproducts - dacsandalat để hỗ trợ quảng cáo hình ảnh sản phẩm chủ lực của địa phương. Năm 2022, Sở Công thương đã thực hiện chương trình quảng cáo trực tuyến trên nền tảng facebook và youtube cho 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh đó là cà phê, hoa, hạt mắc ca, chuối Laba, và sầu riêng.

Điều đáng ghi nhận trong những năm qua đó là việc Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông... cùng các đoàn thể, hội và hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp của tỉnh thường xuyên thông tin đến doanh nghiệp về xu hướng bán hàng trực tuyến, kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả, những nền tảng bán hàng trực tuyến uy tín trong và ngoài nước để doanh nghiệp định hướng ứng dụng vào kinh doanh. Theo số liệu của metric.vn, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh số trên shopee của các gian hàng tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 6 về cà phê, đứng thứ 3 về trà Ôlong và đứng số 1 về hạt mắc ca - nếu so sánh với doanh số của các gian hàng các tỉnh.

Lâm Đồng cũng đang duy trì và hình thành mới một số trang TMĐT của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và xúc tiến thương mại bao gồm: dalat-info.gov.vn, dalatproducts.com, dalatkettinhkydieutudatlanh.vn, nongsandalatlamdong.vn. Và theo như đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, các website và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT của tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 8 cả nước về tỷ lệ người bán và thứ 10 cả nước về tỷ lệ số lượng đơn hàng thành công trong năm 2023. 

Tương tự, hỗ trợ ứng dụng TMĐT vào xuất khẩu các mặt hàng chủ lực và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với sàn TMĐT trong nước (lazada, tiktok shop, ecvn,…) để phát triển bán hàng. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp e-marketing để tăng khả năng tiếp cận khách hàng trên môi trường trực tuyến. Đồng thời xây dựng các video về một số nông sản có tiềm năng xuất khẩu (hoa, cà phê, mắc ca, chuối laba, sầu riêng, bơ) để quảng bá và xúc tiến thương mại; xây dựng các fanpage Dalatproducts - Đặc sản Đà Lạt và Dalat export để quảng bá sản phẩm của Đà Lạt trong và ngoài nước; trang Hello Đà Lạt để quảng bá du lịch; trang Đà Lạt Em và Tôi để thông tin về tình hình của tỉnh… và mời những người nổi tiếng trên Tiktok đến Đà Lạt để thực hiện quảng bá và bán sản phẩm OCOP trực tiếp…

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng tạo các nhóm zalo OA, zalo chat… để kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ, thông tin thị trường, cơ hội kết nối giao thương…

Với các bước phát triển tương đối đồng bộ, từ hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, đẩy mạnh việc ứng dụng đến phát triển ứng dụng các công nghệ mới vào TMĐT nêu trên đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong lĩnh vực TMĐT của Lâm Đồng.