Đạ Rsal chú trọng đa dạng hóa cây trồng

LAM PHƯƠNG 06:35, 28/11/2023

Là một trong những xã thuộc tiểu vùng I của huyện Đam Rông, Đạ Rsal có điều kiện khí hậu, tiềm năng đất đai thuận lợi, rất phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái. Đây chính là lợi thế để người dân trên địa bàn xã tập trung phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất rau và ươm giống rau trong nhà kính của gia đình chị Long Thị Khén ở thôn Phi Có
Mô hình sản xuất rau và ươm giống rau trong nhà kính của gia đình chị Long Thị Khén ở thôn Phi Có

Theo thống kê, toàn xã Đạ Rsal hiện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 3.570 ha, trong đó diện tích cây hàng năm 711,8 ha, cây lâu năm trên 2.858 ha với tổng sản lượng lương thực đạt 2.602,8 tấn. Bên cạnh những cây trồng chủ lực, những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã biết phát huy lợi thế về đất đai sẵn có để phát triển cây ăn quả và một số cây trồng khác. Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn xã đã lên đến 315 ha, chủ yếu là sầu riêng, mít, bưởi, chôm chôm, bơ, chuối, vải...; diện tích đất trồng dâu, nuôi tằm tăng và đạt 140 ha, các diện tích cây trồng khác như: hồ tiêu, điều, cao su được duy trì ổn định. 

Gia đình chị Long Thị Khén, ở thôn Phi Có hiện canh tác hơn 1 ha cà phê, 3 sào cây dâu tằm và ươm giống rau cung cấp cho người dân tại địa phương. Theo chia sẻ của chị Khén, từ khi thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng đã giúp gia đình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và không còn lo được mùa, mất giá do chỉ độc canh cây cà phê. Với hiệu quả từ việc chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng mang lại nên khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia đình chị Long Thị Khén đã mạnh dạn đối ứng cùng nguồn vốn của Nhà nước có tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng để thực hiện mô hình sản xuất rau và ươm giống rau trong nhà kính với diện tích trên 600 m2 phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con trong vùng. 

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Nghĩa Dũng ở thôn Pang Pế Nâm hiện có trên 11,4 ha đất sản xuất, trong đó có 7 ha sầu riêng, 4 ha cà phê trồng xen mít Thái, 0,4 ha cây cam, quýt, bưởi; 1.000 m2 ao nuôi cá tầm… Theo ông Dũng, với mô hình đa dạng các loại cây trồng đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định. “Có vốn tôi mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất phát triển cây sầu riêng, cam, quýt, bưởi. Đồng thời, cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân trong vùng”.

Sản xuất tại nơi có  điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp các loại cây trồng và cho năng suất, chất lượng cao, nên những năm qua, ông Nguyễn Nghĩa Dũng tích cực trong việc cung cấp cây giống, hướng dẫn cho một nhóm hộ có sở thích cũng như người dân chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng cây ăn trái ở địa phương. Hiện, gia đình ông Dũng và một số hộ dân trồng sầu riêng đã được Hội Nông dân xã và Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ tập huấn, cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP và hướng tới đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương. 

Ông Phùng Văn Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal cho biết: Việc  phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương được thực hiện theo phương châm đa dạng hóa cây trồng. Thời gian qua, xã đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn như cây sầu riêng. Nhờ đó, đã tạo nhiều lợi thế trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời, tạo động lực cho người dân địa phương tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, không chỉ chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, mà còn hướng tới sản xuất theo quy mô hàng hóa, góp phần kết nối nhu cầu thị trường trong việc tiêu thụ nông sản sạch của địa phương…

 Do đó, trong thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Chú trọng triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, trọng tâm là Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; khuyến khích việc đa dạng hóa cây trồng; tăng cường công tác khuyến nông, gắn kết phát triển chăn nuôi với sản xuất nông nghiệp và thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tăng cường hỗ trợ sản xuất, tăng diện tích cấp mã vùng trồng nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng, phát triển các sản phẩm nông sản sạch (như OCOP, VietGAP); xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững như làng nghề dâu tằm tơ xã Đạ Rsal…; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Qua đó mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững, ngày càng nâng cao đời sống cho Nhân dân, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.