Chuyện cây dâu, con tằm

THÀNH NAM 06:07, 07/09/2023

Tôi về Đà Loan vào ngày nắng nhạt. Trong câu chuyện với những nhà nông ở vùng xa này, nhiều bà con nông dân không còn lo lắng nhiều quá đến việc trồng cây gì, trồng như thế nào, mà trong suy nghĩ của họ đã có sẵn kế hoạch để phát triển kinh tế gia đình bằng cây trồng, vật nuôi quen thuộc: cây dâu, con tằm.

 Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã “hồi sinh” tại Đà Loan
Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã “hồi sinh” tại Đà Loan

“Con tằm dệt kén cho ta/ Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời”. Đó là câu ca dao mà nhiều người dân xã Đà Loan, Đức Trọng thuộc nằm lòng để nói về cái nghề một thời "ăn cơm đứng" với bao vất vả, âu lo. Vậy nhưng, nghề nuôi tằm, hái dâu với những tháng ngày vắt cạn sức lực của người dân đã qua lâu rồi. Thay thế cho sự vất vả, khổ cực ấy là niềm phấn khởi, cơn bĩ cực đã được xóa tên thay cho niềm vui khi giá kén tằm trong thời gian gần đây luôn được giữ vững ở mức cao. 

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Đà Loan, chúng tôi đến thăm gia đình anh chị Vũ Mạnh Hồng, Đỗ Thị Kim Phượng tại thôn Đà Giang. Trong câu chuyện đứt quãng của mình, anh Hồng cho biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn bó với gia đình anh từ năm 1985. Là người Đà Lạt về Đà Loan định cư, ngày đó, nghề tằm tang như một chiếc phao cứu sinh đối với gia đình anh: “Ngày xưa, từ Đà Lạt xuống đây, gia đình tôi đã gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, để sống được với nghề này là cả một vấn đề. Kỹ thuật chưa cao, giống tằm chất lượng thấp. Nuôi tằm vất vả lắm”. Đó là ngày xưa, còn hôm nay, trồng dâu, nuôi tằm đối với gia đình anh khác hẳn. Vừa ươm giống cà phê để bán, vừa kinh doanh phân bón nhưng anh Hồng, chị Phượng vẫn theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. Hiện, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm đã được vợ chồng anh, chị nắm rất kỹ. “Nuôi tằm phải chú ý đến khâu vệ sinh, nhà tằm phải thoáng, không nên làm nhà tôn. Nhiệt độ thích hợp nhất là khoảng 27 độ. Điều quan trọng nữa là đừng để tằm bị ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật”. Là người có kinh nghiệm trong nghề trồng dâu, nuôi tằm nên gia đình anh Hồng, chị Phượng hiện nay đang “sống được” với nghề này. Trên diện tích 2 sào dâu, trong vòng 40 ngày, chị Phượng nuôi được 2 hộp tằm. Với giá kén 200 ngàn đồng như hiện nay thì mỗi lứa tằm, gia đình chị Phượng thu được 40 triệu đồng từ nghề nuôi tằm.

Cây dâu, con tằm không còn là câu chuyện của ngày xưa, của quá khứ mà hiện nay, giống cây trồng, vật nuôi này đã có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân vùng xa Đà Loan. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quyến, thôn Đà Thuận cho rằng, nếu giá kén ở mức như hiện nay thì trồng dâu, nuôi tằm giúp cho người nông dân vượt qua khó khăn, thu nhập ổn định và là nghề chính để phát triển kinh tế cho gia đình. Linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Quyến đã mở rộng diện tích, trồng 6 sào dâu để nuôi tằm. Do chủ động trong nguồn thức ăn cho tằm nên mỗi tháng, gia đình ông nuôi được 3 hộp tằm. Có thời điểm giá kén đạt mức 250 ngàn đồng/kg, đây là lúc người trồng dâu, nuôi tằm như ông rất phấn khởi. "Mong muốn nhất của người trồng dâu, nuôi tằm là giá kén ổn định. Để nuôi được 1 tháng 3 hộp tằm, nhà tôi phải chăm sóc vườn dâu thật tốt. Ngày xưa chưa có kinh nghiệm, trồng dâu không đạt nhưng bây giờ thì khác rồi. Muốn tằm khỏe thì nguồn thức ăn là quan trọng, vườn dâu phải cách xa vườn la ghim để tránh nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, phải có thời gian cách ly ít nhất là 15 ngày sau khi xịt thuốc”, ông Quyến kể cho chúng tôi nghe về kỹ thuật áp dụng cho cây dâu, con tằm như thế.

Chỉ một, hai mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn xã Đà Loan, huyện Đức Trọng chưa thể nói hết về hiệu quả mà giống cây trồng, vật nuôi này mang lại cho người nông dân ở vùng xa này. Tuy nhiên, cùng với nông nghiệp công nghệ cao thì những năm trở lại đây, nghề nuôi tằm đã được người nông dân chú trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Quý - Chủ tịch UBND xã Đà Loan cho biết: Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Đà Loan có từ khá lâu, một số gia đình từ Đà Lạt về đây lập nghiệp đã gắn bó với nghề này. Tuy nhiên, có giai đoạn giá kén giảm sâu, nghề trồng dâu, nuôi tằm cần nhiều nhân công nên người dân không theo nghề này nữa. Những năm qua, khi giá kén ổn định, trên địa bàn xã có nhiều người trồng dâu, nuôi tằm. Hiện nay, xã Đà Loan có 48 ha trồng dâu, so với năm 2022 tăng 13 ha.

Như vậy, câu chuyện cây dâu, con tằm ở Đà Loan, Đức Trọng không còn là chuyện của ngày xưa, chuyện “ăn cơm đứng” nữa mà trở thành câu chuyện thường nhật của bà con nông dân. Giá kén tằm đang ổn định - đây là tín hiệu vui cho người nông dân, là tiền đề quyết định để nhà nông gắn bó với nghề. Tuy nhiên, để duy trì ổn định nghề này đòi hỏi nhiều yếu tố như nguồn giống, thị trường, đầu ra sản phẩm... Với nhiều hộ dân thì họ vẫn mong muốn chấm dứt tình trạng tự cung tự cấp, nhiều hộ dân liên kết để thành lập hợp tác xã, cùng chia sẻ khó khăn, khắc phục hạn chế, cùng nhau giữ nghề và làm giàu một cách bền vững từ nghề trồng dâu, nuôi tằm đã có từ khá lâu tại địa phương.