Chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt (Bài 2)

VIẾT TRỌNG 03:36, 21/07/2023

Bài 2: Để thúc đẩy các hợp tác xã chuyển đổi số 

Nhiều HTX đang đối mặt với khó khăn trong quá trình chuyển đổi và đang cần hỗ trợ để chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt hiện nay.

Thiết bị nuôi men vi sinh theo công nghệ Hàn Quốc trị giá trên 2 tỷ đồng được HTX Sunfood Đà Lạt nhập về từ đầu năm 2023 để giúp cải tạo đất
Thiết bị nuôi men vi sinh theo công nghệ Hàn Quốc trị giá trên 2 tỷ đồng được HTX Sunfood Đà Lạt nhập về từ đầu năm 2023 để giúp cải tạo đất

CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN TRONG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO 

Thống kê của UBND TP Đà Lạt cho biết, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn thành phố đến nay là 7.050 ha, tăng 100 ha so với năm 2021 và hiện đang chiếm trên 65% diện tích đất canh tác nông nghiệp hiện nay của thành phố. Trong đó, diện tích rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao là 5.009 ha.

Ngành chức năng Đà Lạt cho biết, việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân luôn được thành phố chú trọng, trong đó tập trung các đề tài nghiên cứu, đề án ứng dụng về sản xuất giống cây trồng, chuyển giao quy trình canh tác theo tiêu chuẩn.

Chỉ tính trong năm 2022, Đà Lạt đã xây dựng và chuyển giao cho nông dân 3 mô hình trồng dâu tây công nghệ cao, 1 mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể, 7 mô hình cải tạo chất lượng cây giống khoai lang mật; thành phố cũng hỗ trợ 3 mô hình trồng cây trà hoa vàng; 5 mô hình nông nghiệp thông minh; hỗ trợ 15 mô hình sử dụng máy hút ẩm. Tổng kinh phí thực hiện chuyển giao, hỗ trợ các mô hình trên 2,1 tỷ đồng.

Theo UBND TP Đà Lạt đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 lâu nay đã có tác động lớn đến sản xuất tại Đà Lạt. Hầu hết các công nghệ sản xuất hiện đại đều đã được ứng dụng trong sản xuất tại thành phố này với các mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện canh tác vùng. Bên cạnh các công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, tưới tự động lâu nay, đến nay các công nghệ mới đã từng bước được các doanh nghiệp, HTX, nông dân ứng dụng trong sản xuất như canh tác thủy canh, khí canh (đạt khoảng 30 ha), công nghệ IoT (trên 300 ha), nông nghiệp hữu cơ. Những doanh nghiệp nước ngoài từ Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đã giới thiệu cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất tại Đà Lạt các ứng dụng mới như công nghệ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng trong canh tác rau, hoa, cây đặc sản. 

Đến nay, đã có trên 60 ha tại Đà Lạt ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển qua hệ thống máy tính hay điện thoại thông minh.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, đinh hướng đến năm 2030, ngành chức năng Đà Lạt cho biết trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường, từng bước nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. 

Cụ thể, với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, Đà Lạt chủ trương thực hiện các giải pháp để chuyển đổi số một cách toàn diện, đồng bộ từ khâu sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện hiệu quả các chính sách về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; tạo nền tảng cơ sở dữ liệu, số hóa, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Thành phố từng bước thực hiện việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng vào quản lý, giám sát tài nguyên rừng; quản lý hồ đập, phòng, chống và cảnh báo thiên tai.

Đà Lạt cũng chủ trương gắn chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với thực hiện Đề án Xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025; phát huy vai trò của nhà nước trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ số đến các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân; thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức đào tạo tập huấn kỹ năng cho doanh nghiệp, nông dân về công nghệ số; tổ chức hội thảo chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ số, khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại trong canh tác, quản lý sản xuất.

Thành phố trong lâu dài cũng định hướng xây dựng chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ số từ khâu quản lý đến quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua các ứng dụng dữ liệu (blockchain, bigdata); phối hợp xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản phẩm công nghệ cao cũng như xây dựng quy trình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để đánh giá kết quả và nhân rộng mô hình.

THÚC ĐẨY CÁC HTX CHUYỂN ĐỔI SỐ 

Toàn thành phố Đà Lạt hiện có 64 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 5 HTX được đánh giá hoạt động tốt, 14 HTX hoạt động khá và 23 HTX còn lại hoạt động ở mức độ trung bình. 

Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt, để chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, các HTX tại Đà Lạt cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. 

Trước nhất, do khả năng vốn hạn hẹp, HTX chỉ có thể làm mô hình mẫu trên khu vực sản xuất tập trung, việc triển khai đại trà tới các vườn trồng phụ thuộc phần lớn vào năng lực cũng như nhận thức của các hộ thành viên liên kết, từ đó dẫn đến quá trình chuyển đổi số không đồng bộ, hạn chế hiệu quả đầu tư.

Cùng đó, nguồn nhân lực về công nghệ tin học của HTX rất hạn chế, hầu hết nhân viên, người làm việc xuất thân từ các ngành nghề khác nhau, nên kiến thức tin học chủ yếu là tự học, vì vậy việc hướng dẫn của đơn vị tư vấn gặp khó khăn, mất nhiều thời gian. Hệ thống kho bãi, dịch vụ giao hàng của HTX cũng chưa tương thích, chưa đáp ứng với môi trường thương mại điện tử, vì vậy việc giao hàng cho khách hàng tiêu dùng trực tiếp còn hạn chế.

Chính vì vậy, theo ông Thạch, để có thể đẩy mạnh và phát huy chuyển đổi số cho các HTX trong thời gian đến Đà Lạt cần có giải pháp về nguồn nhân lực trong đó nên hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức quản lý điều hành, quản lý sản xuất, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý các HTX bên cạnh việc tiếp tục mở các lớp tập huấn hướng dẫn về sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho nông dân.

Cùng đó theo ông Thạch, cần có giải pháp tháo gỡ rào cản, quy định còn bất cập nhằm nâng cao khả năng huy động vốn và tiếp cận nguồn lực của HTX; tập trung ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, HTX, cải thiện tiềm lực tài chính và quy mô cho HTX; hỗ trợ các hộ nông dân tham gia chuyển đổi số đồng bộ với HTX; hỗ trợ HTX tham gia các sàn giao dịch điện tử sẵn có hoặc tạo lập các sàn mới phù hợp với các HTX trên cơ sở liên kết mạng lưới và dịch vụ chuyển phát của ngành bưu chính với các sàn thương mại điện tử để tăng cường phạm vi, hiệu quả và uy tín trong giao dịch.

Ông Thạch cũng đề nghị các cấp cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ HTX trang bị công cụ, phương tiện phục vụ chuyển đổi số; thực hiện xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực cùng tham gia hỗ trợ HTX xây dựng hạ tầng số; tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng một số mô hình HTX chuyển đổi số phù hợp với lĩnh vực hoạt động của HTX với bước đi, lộ trình thích hợp, ưu tiên lựa chọn các HTX sản xuất sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng.

Ông Thạch cũng cho rằng, theo Luật Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê các giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ tối đa 50% chi phí giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, đối với HTX thì không có nội dung hỗ trợ này, do vậy ông đề nghị trong thời gian đến khi sửa đổi Luật HTX mới nên có thêm phần hỗ trợ HTX để thúc đẩy việc chuyển đổi số hiện nay.