Chuyện về bộ Linga - Yoni bằng đá thạch anh trong suốt tại Thánh địa Cát Tiên

06:12, 26/12/2022
Trong các đền thờ ảnh hưởng Ấn Độ giáo, sinh thực khí người đàn ông (Linga) mang biểu trưng cho quyền lực tối thượng, sinh thực khí người phụ nữ (Yoni) lại biểu tượng cho sự sáng tạo, sinh sôi nảy nở.
 
2 phần của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni bằng thạch anh nguyên khối, sau khi ghép lại với nhau
2 phần của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni bằng thạch anh nguyên khối, sau khi ghép lại với nhau
 
Thánh địa Cát Tiên (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) được người dân địa phương và 2 cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng phát hiện năm 1985. Qua quá trình khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận thấy đây là một quần thể liên lập các phế tích kiến trúc đền tháp và mộ tháp mang nhiều yếu tố văn hóa Ấn Độ giáo. Ngoài ra, qua khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hơn 1.000 hiện vật, gồm những chất liệu: vàng, bạc, đồng, sắt, đá quý, gốm, đá... và nhiều ngẫu tượng Linga - Yoni, cùng tượng Ganesha, tượng Uma, các lá vàng dập nổi hình những vị thần, các linh vật trong Ấn Độ giáo. Năm 1996, trong lúc khai quật tại gò 2A, đã làm xuất lộ một phần của ngẫu tượng Linga - Yoni bằng đá thạch anh trong suốt, chế tác cực kỳ tinh xảo. Theo thông tin từ Bảo tàng Lâm Đồng, nhận định đây là một hiện vật rất có giá trị, các nhà khoa học đã mở rộng quy mô tìm kiếm nhưng tìm mãi vẫn không thấy phần còn lại của ngẫu tượng Linga - Yoni này. Sau đó, phần hiện vật Linga - Yoni đã phát hiện được các nhà khảo cổ đem về cất giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng.
 
Bẵng đi một thời gian dài, năm 2021, các nhà khảo cổ tiến hành mở rộng khai quật và nghiên cứu lần IX tại gò 2A. Thật bất ngờ khi các nhà khảo cổ lại tìm thấy phần hiện vật còn thiếu của ngẫu tượng Linga - Yoni phát hiện từ năm 1996. Tuy nhiên, vì thời điểm tìm thấy phần còn lại của ngẫu tượng Linga - Yoni quá xa thời điểm phát hiện phần hiện vật trước đó, nên chẳng ai còn nhớ có một phần ngẫu tượng Linga - Yoni đang cất giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng. Phần ngẫu tượng Linga - Yoni này, các nhà khảo cổ đã bàn giao cho Bảo tàng Lâm Đồng cất giữ. Thế rồi, trong lúc tổng kiểm kê cuối năm 2022, các cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng nhận thấy phần ngẫu tượng Linga - Yoni mà các nhà khảo cổ mới phát hiện năm 2021 và phần ngẫu tượng Linga - Yoni phát hiện năm 1996 có những điểm tương đồng về kích thước và chất liệu nên thử ghép chúng với nhau. Thì ra, 2 phần hiện vật ấy, chính là 2 phần của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni. Vậy là sau 26 năm, kể từ ngày phát hiện một phần của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni, 2 phần của bộ ngẫu tượng này đã tìm thấy nhau để trở thành một bộ ngẫu tượng Linga - Yoni hoàn chỉnh.
 
Theo kết quả đo đạc của Bảo tàng Lâm Đồng, ngẫu tượng Linga - Yoni cao 3,5 cm, rộng (tính cả vòi Yoni) 4,5 cm, bệ Yoni dày 2 cm. Ngẫu tượng Linga - Yoni được chế tác bằng chất liệu thạch anh nguyên khối, trong suốt, độ thấu quang rất cao. Bệ Yoni có hình chóp cụt 4 cạnh. Ngoài ra, Yoni còn có vòi và rãnh. Xung quanh bệ Yoni được mài nhẵn bóng, bề mặt có độ sần đều đặn. Trong khi Linga có hình trụ tròn, nhô lên ở giữa Yoni. Linga cũng được đánh bóng rất tinh xảo.
 
Cư dân theo Ấn Độ giáo thờ Linga - Yoni chính là để mong cầu mùa màng tươi tốt, vạn vật phát triển, gần giống như tín ngưỡng phồn thực của những cư dân nông nghiệp xưa.
 
TRIỀU KA