Sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

QUỲNH UYỂN 19:56, 04/05/2024

(LĐ online) - Ngày 4/5, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng (UPSCBXHN) đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch ứng phó cố bức xạ và hạt nhân (giai đoạn 2021 – 2025) với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên của Ban chỉ huy. Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

3 năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn bức xạ hạt nhân được đẩy mạnh. Bên cạnh việc đăng tải nhiều thông tin hữu ích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin điện tử, website, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy UPSCBXHN là Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã thiết kế, in ấn, phát hành 4000 tờ rơi hướng dẫn quy trình ứng phó sự cố, cấp phát cho các tổ chức, đơn vị có thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và các hộ dân cư sinh sống gần cơ sở.

Các tham luận cung cấp thông tin hữu ích về ứng dụng hạt nhân trong nước và trên thế giới

Thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và cập nhật thông tin về an toàn bức xạ hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ cho nhân viên phụ trách an toàn bức xạ; tập huấn kiến thức ứng phó sự cố. Trong 3 năm đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho 320 lượt tổ chức cá nhân; qua đó, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân đang lưu giữ nguồn phóng xạ.

Nhiều ý kiến phát biểu thiết thực
Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực

Công tác quản lý nhà nước về ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân không ngừng được tăng cường. Việc hướng dẫn đăng ký, khai báo cơ sở, lập hồ sơ; tổ chức thẩm định hồ sơ xin cấp phép hoạt động; thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ luôn được quan tâm chú trọng thực hiện. Đã tiếp nhận thẩm định hồ sơ cấp phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và quản lý 243 giấy phép sử dụng 169 thiết bị X-quang cho hơn 80 cơ sở, tổ chức tiến hành công việc bức xạ. Hiện nay, 5 cơ sở xin ngừng hoạt động nên toàn tỉnh có 75 cơ sở, tổ chức được cấp phép tiến hành công việc bức xạ.

Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành kiểm kê nguồn phóng xạ thiết bị bức xạ; đồng thời đánh giá nguy cơ sự cố. Trong 3 năm đã kiểm kê định kỳ tại 9 cơ sở sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.131 nguồn phóng xạ (chiếm 20,9% nguồn phóng xạ của cả nước); trong đó có 243 nguồn đang sử dụng và 888 nguồn đang lưu giữ. 14 thiết bị bức xạ phát tia X đang sử dụng tại 6 cơ sở.

Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo tổ chức thành công Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân với chuyên đề “Ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ tại lò phản ứng hạt nhân” tại Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung kịch bản sát vớt thực tiễn; buổi diễn tập đã diễn ra nghiêm túc, đúng tuần tự, quy trình; các thành viên đã thành thạo sử dụng các trang thiết bị, kỹ năng ứng cứu; khả năng chỉ huy của Ban Chỉ huy , sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành liên quan… Từ đó sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất về thiệt hại con người, tài sản, thảm họa môi trường khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Ngoài những thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẵn có của Viện Nghiên cứu hạt nhân, Ban Chỉ huy đã mua sắm bổ sung một số trang thiết bị còn thiếu phục vụ hoạt động ứng phó, gồm: 2 máy đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt, 1 máy đo liều cao cầm tay, 3 máy đo tia X cầm tay, 2 máy tính xử lý, 5 bộ đàm liên lạc, xe đẩy nguồn; tổng kinh phí đầu tư là 1,17 tỷ đồng.

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân phát biểu chỉ đạo

Trong 3 năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện 19 cuộc thanh tra đối với 56 tổ chức, cá nhân và 3 cuộc kiểm tra đối với 24 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Nội dung thanh tra, kiểm tra gồm: giấy phép hoạt động còn hiệu lực; chứng chỉ nhân viên phụ trách an toàn bức xạ, liều kế cá nhân, hồ sơ theo dõi sức khỏe của nhân viên bức xạ; sổ kiểm kê nguồn phóng xạ; nội quy an toàn bức xạ; quy trình sử dụng và vận hành nguồn phóng xạ, sổ theo dõi vận hành; biển báo bức xạ, đèn cảnh báo; theo dõi kiểm xạ định kỳ… Hầu hết các cơ sở, tổ chức sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xã đều chấp hành nghiêm túc đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đoàn thanh tra đã phát hiện và xử lý 4 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, xử phạt tổng số tiền 21 triệu đồng.

Tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể

TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá cao kết quả đạt được, đồng thời chỉ đạo: Từ nay đến 2025, đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn nữa, đặc biệt là các mô hình ứng dụng bức xạ hạt nhân trong nông nghiệp, trong y tế, trong sản xuất, đời sống để mọi người biết được đóng góp của kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng rộng rãi hơn. Tổ chức nhiều lớp tập huấn để phổ biến các thông tin về an toàn bức xạ hạt nhân, về biện pháp giảm thiểu cacbon; tăng cường. Tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm kê, đánh giá cụ thể có bao nhiêu nguồn phóng xạ an toàn tuyệt đối, bao nhiêu nguồn có nguy cơ xảy ra sự cố, số người phụ trách vận hành. Thu hút các dự án đầu tư dịch vụ chiếu xạ ngay vào Lâm Đồng để phục vụ cho xuất khẩu nông sản. Duy trì hoạt động tốt Ban chỉ huy UPSCBXHN với 12 thành viên có trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Thực hiện các đề tài, dự án về đột biến giống cây trồng mang tính ứng dụng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tập trung vào giống hoa, cây ăn trái…

Trong thời gian tới, vừa tiếp tục quản lý đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, không để xảy ra sự cố; vừa phải ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào đời sống với mục đích cao hơn, yêu cầu lớn hơn.

Tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2023.