Về Làng Vũ Ðại

08:11, 08/11/2018

Ðịa danh "Làng Vũ Ðại" mỗi khi được nhắc đến người Việt Nam đều nhớ đến truyện ngắn xuất sắc "Chí Phèo" của nhà văn tài năng Nam Cao. Tác phẩm ra đời năm 1941, thành công cả hai mặt: giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, đối tượng nghiên cứu của học sinh, sinh viên, và được chuyển thành phim, cuốn hút nhiều thế hệ ở Việt Nam và ở nước ngoài. 
 

Ðịa danh “Làng Vũ Ðại” mỗi khi được nhắc đến người Việt Nam đều nhớ đến truyện ngắn xuất sắc “Chí Phèo” của nhà văn tài năng Nam Cao. Tác phẩm ra đời năm 1941, thành công cả hai mặt: giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, đối tượng nghiên cứu của học sinh, sinh viên, và được chuyển thành phim, cuốn hút nhiều thế hệ ở Việt Nam và ở nước ngoài. 
 
Khu nhà Tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao
Khu nhà Tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao

Trang trọng mộ phần và di sản Nam Cao
 
Làng Vũ Đại gắn với những nhân vật văn học của Nam Cao và trở thành những hình tượng điển hình, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… Cái tên Vũ Đại được hình thành từ chữ Đại ngoài đời của làng Đại Hoàng, thôn Đại Hoàng, xã Đại Hoàng quê hương Nam Cao, và sau nhiều lần đổi tên, sát nhập nay có tên là thôn Nhân Hậu thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. 
 
Tôi bắt đầu hành trình đến Làng Vũ Đại cũng tại huyện Lý Nhân, từ xã Nguyên Lý, lên thị trấn Vĩnh Trụ và theo Quốc lộ 38B hơn 20 km đến Khu Tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tại Xóm 8, xã Hòa Hậu. Một ngôi nhà xây kiên cố và rất đẹp dùng để trưng bày các hiện vật, bên trái là mộ nhà văn, liệt sĩ được bao bọc của nhiều cây xanh mát. Thứ bảy là ngày nghỉ, khách tứ xứ đến viếng và tham quan thường rất đông, nhưng may mắn tôi đến sớm nên mới một mình. Tiếp tôi là người đàn ông dong dỏng và khá gầy. Ông chậm rãi, giọng nhẹ nhàng nhưng thật rành rẽ. Ông là Trần Hữu Vịnh, cựu quân nhân nghỉ hưu, 68 tuổi. Ông Vịnh nói là người trong họ bên nội nhà văn Nam Cao, nhà sát sau Khu Tưởng niệm. Yêu mến, trân trọng và muốn giữ gìn những di sản của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, ông Vịnh tự nguyện nhận công việc bảo vệ và quản lý Khu Tưởng niệm suốt 14 năm nay, mức phụ cấp từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chỉ 80 ngàn đồng mỗi tháng. Ông Vịnh cũng đảm nhận luôn vai trò hướng dẫn viên cho người đến tham quan. Ông thư thái dẫn tôi đi và giới thiệu: Khu Tưởng niệm có tổng diện tích 5.460 m2. Được trồng rất nhiều cây xanh rợp bóng mát và yên ả trong lành: cây lộc vừng do bà Nguyễn Thị Doan khi còn đương chức Phó Chủ tịch nước về trồng, những cây tùng, đại, cau, bách tuế, si… do các doanh nghiệp và cả bản thân ông Vịnh trồng. Từ Quốc lộ 38B, hai bên lối vào Khu Tưởng niệm là hàng dừa cao vút, soi bóng xuống hồ cá tung tăng. 
 
Đến bên khuôn viên được xây dựng bờ tường bao với diện tích 12 m x 12 m, hướng dẫn viên Trần Hữu Vịnh giới thiệu: “Đây là ngôi mộ của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Mộ được di từ Nghĩa trang xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình về ngày 18/1/1998”. Tháng 4/1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức này. Ngày 30/11/1951, trong chuyến công tác tại tỉnh Ninh Bình, Nam Cao bị quân Pháp phục kích và hi sinh. Đầu năm 1996, chương trình mang tên “Tìm lại Nam Cao” do Hiệp hội Câu lạc bộ UNESSCO Việt Nam tổ chức quy mô chưa từng có gồm 35 đơn vị tham gia như Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân... và 7 nhà ngoại cảm. Kết quả hết sức bất ngờ là đã tìm được hài cốt nhà văn-liệt sĩ sau gần nửa thế kỷ nằm hiu quạnh trong nấm mồ vô danh. 
 
Theo chân ông Trần Hữu Vịnh tôi bước vào Khu Nhà tưởng niệm. Ngôi nhà có tổng diện tích 210 m2, xây dựng năm 2001 và năm 2004 khánh thành. Hàng trăm tư liệu và hiện vật được trưng bày thành ba phần: Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao; Tìm lại Nam Cao; Những hoạt động tưởng niệm và tôn vinh nhà văn Nam Cao. Đó là tủ đựng tài liệu, chiếc giường của nhà văn Nam Cao; là thời ông đi học trường Thành Chung ở Nam Định; nhà thờ nơi làm lễ cưới của ông lúc 18 tuổi; ngôi nhà của Nam Cao trước năm 1942; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996)… Đó còn là những hình ảnh tư liệu quý như: Cánh đồng Mưỡu Giáp ở tỉnh Ninh Bình nơi nhà văn Nam Cao hi sinh; cuộc hội ngộ những nhà văn lớn của Việt Nam: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Đỗ Cung, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài… Và đó là những hình ảnh về khoảnh khắc tìm ra hài cốt và lễ truy điệu, lễ di cốt liệt sĩ Nam Cao; những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao và những tác phẩm viết về ông. 
 
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29/10/1915. Quê làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam, nay là xã Hòa Hậu như đã nói. Bút danh Nam Cao được ghép tên tổng và huyện. Năm 1922, Nam Cao bắt đầu đi học; 1934 học xong bậc trung học Thành Chung. Ngày 2/10/1935, ông cưới vợ là bà Trần Thị Sen, làm ruộng, dệt vải. Năm 1936, Nam Cao viết văn với tác phẩn đầu tay “Cảnh cuối cùng và hai cái xác”; năm 1941 in tập truyện ngắn đầu tiên “Đôi lứa xứng đôi”. Năm 1943, gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, 1945 làm Chủ tịch xã Đại Hoàng và từ 1947 lên Việt Bắc rồi vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948. Từ đó ông tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau ở nhiều địa phương. Tháng 3/2011, nhà văn, nhà báo Nam Cao được truy tặng “Lão thành Cách mạng”…
 
Khi tôi đến Khu Tưởng niệm, lẵng hoa của Đoàn đại biểu HĐND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk còn tươi thắm và nồng nàn sắc hương kính lễ. Khi tôi chuẩn bị rời đi thì đoàn đại biểu rất đông đến từ Bắc Ninh vào thắp hương phần mộ nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Ai cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đến một nhà văn - đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực, một phong cách trữ tình, sâu lắng, trào lộng, xót xa, hóm hỉnh mà tế nhị, sang trọng mà bình dị, tinh vi mà khái quát. Rời không gian thiêng và sang trọng đó, tôi chào ông Trần Hữu Vịnh để đến nhà Bá Kiến theo hướng dẫn tận tình của ông. 
 
Nhà Bá Kiến - hiện thực sinh động nông thôn một thời
  
Theo Quốc lộ 38B hơn một km là đến Xóm 11 cùng xã, có biển đề rất to: “Khu nhà Bá Kiến trong tác phẩm Nam Cao 800 m”. Vẫn không gian nông thôn xưa ấy, âm thanh của tiếng dệt vải, những con đường nhỏ rợp bóng mát và có nhiều cụm chuối ngự tiến vua nổi tiếng như lấp lánh câu chuyện tình mộc mạc giữa Chí Phèo và Thị Nở…Theo điện thoại ghi ở cổng tôi gọi và chỉ mấy phút đã xuất hiện một cô gái đến mở hai lần khóa cổng và cửa để vào nhà Bá Kiến. Cô là Trần Thị Hương hơn 30 tuổi, cũng do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cử trông coi quản lý. Ngôi nhà gỗ thiết kế theo phong cách truyền thống nông thôn Việt Nam đã hơn 100 năm nhưng gần như còn nguyên vẹn. Ba gian, 4 hàng cột với 16 cột lim to được kê những tảng đá gọt đẽo công phu; mái ngói âm dương và những họa tiết chạm khắc còn nguyên vẹn. Giữa nhà đặt trang thờ và kê bộ bàn ghế sa-lông kiểu cũ. Tuy dãy nhà ngang không còn nhưng ngôi nhà này vẫn lưu nhiều dấu tích một làng quê Việt Nam cuối thế kỷ 18, vừa thực tại sinh động, vừa vọng vang trong tâm và trí người tham quan…
 
Nhà Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo
Nhà Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo
 
Hương cho biết tổng diện tích của khuôn viên gần 900 m 2; trong đó, ngôi nhà là “báu vật” của làng Vũ Đại bởi cả phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận hồi đó không đâu bằng. Chủ nhân ngôi nhà là của nhà buôn giàu có Trần Duy Hanh. Cụ thuê hơn 20 thợ mộc tài hoa ở Cao Đà, phủ Lý Nhân thi công suốt mấy tháng. Sau đó, người con trai của cụ Hanh là ông Trần Duy Xầm trở thành chủ nhân thứ hai. Ông Xầm mất, ngôi nhà tiếp tục do con trai là Trần Duy Cát ở. Trải qua 7 đời chủ nữa, tháng 11/2007, ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Nam mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng từ vợ ông Trần Hữu Hòa và giao Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý. Nhà Bá Kiến thuộc hạng mục của dự án “Vườn hiện thực Nam Cao” nhằm lưu giữ toàn bộ sự nghiệp văn chương của nhà văn. 
 
Nói qua về mấy nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao. Tất cả đều từ mẫu thực sống trong làng Đại Hoàng. Chí Phèo được nhà văn gom lại từ mấy gã nát rượu có tiếng để xây dựng điển hình về tính cách. Ngoài đời, Chí không tư thông với bà ba, không đâm chết Bá Kiến, không rạch bụng tự tử và cũng không có tình ý với Thị Nở. Còn Thị Nở là nhân vật có thật, người mợ của Nam Cao. Nhưng đời thực của Thị Nở là gái chính chuyên, không xấu, không vô duyên và có chồng con hẳn hoi. Nam Cao chỉ mượn tên và sáng tạo nên hình hài, tính cách cho nhân vật… Bá Kiến ngoài đời gọi là Bá Bính, giàu có, mua được chức nghị viên. Ông là người thâm hiểm khét tiếng, nhưng bề ngoài rất mềm mỏng, chẳng mấy khi tỏ vẻ hách dịch với dân. Lọc lõi nên hại người như trở bàn tay. Sau khi truyện ngắn của Nam Cao xuất bản, Bá Bính gặp thân phụ của nhà văn, ngọt nhạt: “Ông có phúc đẻ thằng con viết sách chửi cả làng”. Cũng với tài năng khắc họa điển hình hóa nên Bá Kiến ác độc hơn Bá Bính. Bá Kiến chết do bị Chí đâm còn Bá Bính chết vì ốm. Anh Chí ngoài đời chả liên quan gì đến Bá Bính. Riêng vợ Bá Bính (bà Yêm) cũng có tính tư thông, nhưng cũng không phải tư thông với Chí mà với người ở trong nhà; không cay nghiệt như nhân vật của Nam Cao. Con của ông Bá Bính có mấy người tham gia cách mạng, được phong đến hàm đại tá quân đội…
 
Về Làng Vũ Đại hôm nay tuy không còn bến đò xưa mà là cây cầu tạm; cái lò gạch của Nam Cao cũng đã phá bỏ, những cụm tre mọc lên thay thế. Vườn chuối ven sông, nơi tình duyên dưới trăng giữa Thị Nở và Chí Phèo vẫn còn… Những thông tin trên được người em trai của nhà văn Nam Cao là ông Trần Hữu Đạt xác tín. Về Làng Vũ Đại luôn thú vị bởi hiểu sâu thêm cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao, viếng mộ liệt sĩ Nam Cao và hình dung hiện thực của nông thôn xưa vào tác phẩm văn học bằng sự tài ba của một ngòi bút kiệt xuất…
 
Ghi chép: MINH ÐẠO