Mở hướng du lịch Cát Tiên

05:11, 05/11/2014

Là người tuy không tường tận từng ngõ ngách của Cát Tiên nhưng với "bề dày" hơn hai mươi năm đi về vùng đất này, tôi đủ cơ sở để khẳng định sự "đau đáu" ấy của vị đứng đầu huyện vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh Lâm Đồng là hoàn toàn có cơ sở. Hơn thế, đó còn là sự chuẩn bị cho Cát Tiên một "tâm thế" sẵn sàng đón đợi những gì sẽ đến trong tương lai như là điều tất yếu. 

Bí thư Huyện ủy Cát Tiên mở đầu câu chuyện trong bữa ăn sáng trước khi tôi và một đồng nghiệp lên đường vào xã Phước Cát 2 để... thám hiểm hang Thoát Y Vũ nổi tiếng của huyện Cát Tiên rằng: “Ý nguyện của tôi trước khi về hưu và của mấy anh em lãnh đạo của huyện là phải bằng mọi cách đặt nền móng cơ bản để phát triển du lịch Cát Tiên. Cát Tiên bây giờ, du lịch hầu như là con số không, nhưng tiềm năng thì không phải ít. Hơn thế, du lịch Cát Tiên trong tương lai, theo nhìn nhận của huyện là loại hình du lịch không phải địa phương nào cũng có được; đó là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh”.
 
Là người tuy không tường tận từng ngõ ngách của Cát Tiên nhưng với “bề dày” hơn hai mươi năm đi về vùng đất này, tôi đủ cơ sở để khẳng định sự “đau đáu” ấy của vị đứng đầu huyện vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh Lâm Đồng là hoàn toàn có cơ sở. Hơn thế, đó còn là sự chuẩn bị cho Cát Tiên một “tâm thế” sẵn sàng đón đợi những gì sẽ đến trong tương lai như là điều tất yếu. 
 
Thêm một thế mạnh
 
Trong chuyến trở lại Cát Tiên này của tôi, hai điểm đến mà tôi đã định sẵn và cũng đã ngỏ lời với anh Sáu Đẩu (cách gọi thân mật Bí thư Huyện ủy Cát Tiên) là hang Thoát Y Vũ và khu thánh địa Cát Tiên. Trong đó, ngày đầu tôi chọn hang Thoát Y Vũ vì biết rằng muốn đến được đó quả là không dễ dàng gì. Trước khi kết thúc bữa ăn sáng, anh Sáu Đẩu nhắc lại: “Hang Thoát Y Vũ vừa được công nhận là di tích danh lam cấp tỉnh. Điều này rất có ý nghĩa đối với địa phương Cát Tiên, sau di tích cấp quốc gia là khu thánh địa Cát Tiên”.
 
Thú thật là trong hơn hai chục năm qua, tôi không thể nhớ rõ là mình đã viết bao nhiêu bài báo về Cát Tiên, trong đó có những bài viết đề cập đến vấn đề du lịch. Nhưng quả thật, trước “ý nguyện đặt nền tảng du lịch” cho Cát Tiên của những lãnh đạo của huyện, nhất là của người đứng đầu huyện - Bí thư Huyện ủy, sự quyết tâm vào hang Thoát Y Vũ để tìm hiểu “tiềm năng du lịch tâm linh” trong tôi càng lớn. Và dĩ nhiên, tôi không muốn bê nguyên cái tóm tắt của ngành văn hóa về “lịch sử - văn hóa” hang Thoát Y Vũ vào bài viết của mình nên tôi tự dặn lòng không thể không “dấn thân”, dẫu biết để đến được hang Thoát Y Vũ là điều vô cùng khó khăn. Và có lẽ đọc được suy nghĩ của tôi nên anh Sáu Đẩu động viên kiểu dặn dò: “Cố gắng đi về trong ngày thôi. Nhớ trở ra sớm, trước khi trời mưa. Vào hang Thoát Y Vũ mà gặp mưa thì coi như phải xác định ngủ lại giữa rừng”. 
 
Về hang Thoát Y Vũ thì tôi đã có nhiều dịp kể chuyện với bạn đọc nên trong phóng sự này tôi không muốn nhắc lại. Tuy vậy, xin được tóm tắt rằng: Đó là một hang động rất kỳ bí giữa đại ngàn Nam Trường Sơn, nằm trong rừng cấm Cát Tiên, thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Hang nằm trong một ngọn núi gọi là núi Chúa; trong lòng hang đá là một hồ nước khá rộng. Theo tục lệ, người vào hang phải cởi bỏ mọi thứ có trên người và cởi bỏ cả những tham - sân - si vô hình ở trong đầu. Chúng tôi đi về trong ngày. Chuyện cái hang có lẽ chỉ tóm tắt thế thôi. Nhưng còn chuyện liên quan về hang Thoát Y Vũ huyền bí mà tôi thu nhặt được trong chuyến đi này mới là điều đáng kể ra đây. Ở chuyến đi lần này, tôi rủ đồng nghiệp cùng anh cán bộ của Phòng Văn hóa huyện Cát Tiên tên là Vũ Văn Tự ghé vào thôn 4 ở gần hang Thoát Y Vũ để thăm già làng Điểu K’Khen. Điểu K’Khen không những là một cựu chiến binh, một lão thành cách mạng mà hiện ông còn là một già làng rất có uy tín đối với bà con dân tộc thiểu số và cả đối với những cán bộ của huyện Cát Tiên. 
 
 Già làng Điểu K’Khen
Già làng Điểu K’Khen
 
Gặp lại già làng Điểu K’Khen, tôi mừng vì ông vẫn còn rất khỏe và khá minh mẫn. Sau vài câu chào hỏi, tôi vào đề: “Bà con mình mỗi khi làng có lễ nay còn vô hang Thoát Y Vũ xin “nước thần” không, thưa già?”. Già làng Điểu K’Khen nói ngay: “Thì vẫn như xưa vậy thôi mà! Cứ mỗi mùa rẫy, dân làng Nhing Tơng vẫn định ra một ngày để mang lễ vật vào đó cúng. Lễ vật lớn thì con heo, nhỏ thì con gà... Nhà ai có thức gì thì cứ mang thức ấy đến góp vào lễ”. Rời khỏi buôn Nhing Tơng của già làng Điểu K’Khen, tôi và hai anh bạn đồng hành tiếp tục xuyên rừng. Rừng nguyên sinh ở đây vẫn đẹp đến ngỡ ngàng. Con đường xuyên rừng vẫn chỉ bé bằng vừa đủ để một cái mình... con khỉ đi lọt. Gia Bình (PV Báo Thanh Niên) vừa cầm tay lái chạy theo Vũ Văn Tự vừa nhắc tôi ngồi sau: “Thấp đầu xuống anh ơi!”, hoặc: “Thấp đầu, nghiêng phải!”, hoặc: “Trái!”. Khẩu lệnh của Bình đưa ra cứ ngắn dần, cụt dần. Bởi, càng vào sâu trong rừng, tình huống phải xử lý xuất hiện ngày càng dày! Tôi nhớ lại chuyến đi hai mươi năm về trước: Hình như vẫn con đường này, vẫn vượt qua mấy gốc cây cổ thụ đến mấy người ôm không xuể đằng kia, vẫn con đường vượt qua dăm ngôi nhà sàn giữa hoang vu đại ngàn ở phía xa xa nơi lưng chừng núi này... Trong lúc tôi đang “tranh thủ” quên những cú xốc nảy người khi ôm chặt vòng tay qua bụng của Bình để nghĩ đến những điều lãng mạn (đôi khi còn nhằm vào mục đích “AQ” để quên đi chuyện nguy hiểm trên đường, vì chỉ cần Gia Bình chệch tay lái là cả hai chúng tôi lẫn chiếc xe lăn cù xuống vực ngay lập tức) thì Tự hãm ga đến mức thấp nhất và ra lệnh: “Dừng ở đây thôi! Chuẩn bị cuốc bộ!”. Vậy là hết đường có thể đi bằng xe máy rồi! Cả ba chúng tôi thở dốc. Hóa ra, chạy xe máy mà còn hơn cả đi cày ruộng! Anh chàng Tự lôi từ trong ba lô ra ba chai nước suối và ba ổ bánh mì. Tôi biết đây là lúc cần thực sự thư giãn để bắt đầu cho một chặng đường mới - chặng đường thứ hai đến với động Thoát Y Vũ đầy thách thức. Nhìn quanh, tôi lại nhận ra nơi này rất quen thuộc... 
 
Vị thế du lịch
 
Sáng hôm sau, tôi quay trở lại thăm thánh địa Cát Tiên - một trong những thánh địa rất nổi tiếng ở Nam Tây Nguyên có thể sánh cùng thánh địa Mỹ Sơn. Tại Ban Quản lý di tích khảo cổ học Cát Tiên, tôi được tiến cận một số tài liệu khoa học do anh Lương Nguyên Minh - Trưởng Ban quản lý di tích - cung cấp. Và tôi đã đọc được trong một báo cáo khoa học, một nhà nghiên cứu nêu vấn đề: “Chỉ riêng việc tự nhiên cả một quần thể kiến trúc lớn và rất cổ kính mà từ xưa tới giờ không một ai biết đến đã nhô lên từ trong lòng đất và trong rừng già đã là cả một sự hấp dẫn lớn đối với mọi người rồi, đặc biệt là đối với các nhà khoa học và khách nước ngoài. Rồi thì, những di tích kiến trúc và các hiện vật đã được phát hiện và đã được tìm thấy ở Cát Tiên lại có những giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc độc nhất vô nhị mang tầm vóc khu vực và quốc tế của mình...”.
 
Anh Sáu Đẩu cho biết: “Những năm gần đây, khi mà di tích Cát Tiên nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên ngày càng dần lộ ra từ trong lòng đất thì vị thế kinh tế du lịch ngày càng lớn trong bản đồ phát triển kinh tế của địa phương. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội gần đây, Cát Tiên đã xác định 5 khâu đột phá, trong đó có việc “Đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện xóa đói, giảm nghèo, chỉnh trang đô thị, tạo tiền đề cho phát triển dịch vụ - du lịch”.
 
PGS.TS Ngô Văn Doanh trong một báo cáo khoa học có nêu: “Không phải ngẫu nhiên mà những nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa của Việt Nam cảm thấy Cát Tiên hội đủ vào mình một số phẩm chất cơ bản của một di sản thế giới. Chính vì vậy mà, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, di tích Cát Tiên đã được giới thiệu nhiều trên các phương tiện khoa học và thông tin đại chúng, đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia, đã được quy hoạch bảo vệ và đã được “chấm” để làm hồ sơ đưa lên UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Hiển nhiên là, với những giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật lớn và rất đặc biệt vốn có, di tích Cát Tiên chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn của cả nước đối với các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước”. 
 
Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, với những giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia của di tích Cát Tiên, hiện Sở đang cùng với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận di chỉ khảo cổ học Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt. Như vậy, sau lần công nhận di tích quốc gia năm 1997, đây là lần đầu tiên Cát Tiên được lập hồ sơ để công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, “đích đến” của Cát Tiên là di sản văn hóa thế giới; hoặc cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên (đã được công nhận di sản quốc gia đặc biệt), “cặp đôi” vườn quốc gia và di tích Cát Tiên sẽ trở thành một di sản thiên nhiên - văn hóa thế giới cũng là điều mà các nhà khoa học đặt ra ngay từ lúc này.
 
Sinh viên đi thực tế làm đề tài tại khu thánh địa Cát Tiên
Sinh viên đi thực tế làm đề tài tại khu thánh địa Cát Tiên
 
Di tích Cát Tiên nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm hecta và trải dọc theo sông Đồng Nai trên một chiều dài khoảng 15km. “Thực tế trong những năm gần đây, tuy không chính thức là điểm du lịch được phép mở cửa đón du khách nhưng khách du lịch tìm đến di tích với số lượng khá lớn hằng năm. Việc UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích Cát Tiên với số tiền hơn 38 tỷ đồng là một cơ hội để di tích Cát Tiên đến gần hơn với du lịch” - anh Lương Nguyên Minh cho biết. 
 
Cũng cần lưu ý: Với địa phương huyện Cát Tiên, di tích khảo cổ học không phải là tiềm năng du lịch duy nhất mà ở đây còn có cả sông Đồng Nai, di tích lịch sử khu VI, thắng cảnh hồ Đắc Lô, Vườn quốc gia Cát Tiên... Và đặc biệt là hang Thoát Y Vũ với những câu chuyện đầy huyền thoại chắc chắn làm hấp dẫn du khách. Với sông Đồng Nai, đây là tuyến du lịch sông hết sức thú vị của Cát Tiên. “Với con sông này, muốn đưa nó vào làm du lịch, trước hết là chúng tôi sẽ quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác cát và đi đến chấm dứt hoàn toàn hoạt động này. Sông Đồng Nai đoạn đi qua Cát Tiên rồi sẽ là một con sông hoàn toàn trong lành như vốn dĩ ban đầu của nó!” - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu nhấn mạnh. Cũng theo ông Bí thư Huyện ủy, sông Đồng Nai chính là tuyến du lịch đường sông giúp du khách ghé lại thăm khu thánh địa Cát Tiên, đến thăm khu di tích cách mạng khu VI, thăm hồ Đắc Lô; rồi lại xuôi dòng (hoặc đi bằng đường bộ) lên Phước Cát 2 thăm hang Thoát Y Vũ huyền thoại và sau đó sang Vườn quốc gia du lịch sinh thái. 
 
Hiện tại, du lịch Cát Tiên chưa có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Lâm Đồng nhưng với những gì vừa phân tích trên cho thấy tiềm năng du lịch của địa phương này với những thứ “hàng độc” như Khu di tích Cát Tiên, hang Thoát Y Vũ... thì một chiến lược phát triển du lịch cho Cát Tiên cần vạch ra ngay trong lúc này!
 
Phóng sự: Khắc Dũng