Một sớm Long Xuyên

HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH 06:44, 30/11/2023

Khi bình minh vừa ló dạng, bức tranh cuộc sống của người dân gắn liền với dòng chảy Hậu Giang nơi khu chợ nổi Long Xuyên dần hiện ra. Một nhịp sống giản dị, tròng trành theo dòng nước, nhưng yêu đời và hào sảng, thiết tha. 

Ngày mới trên Sông Hậu bắt đầu khi những chiếc phà lớn hoạt động
Ngày mới trên Sông Hậu bắt đầu khi những chiếc phà lớn hoạt động

Mang trong mình một sự háo hức khi muốn khám phá một trong những nét văn hóa truyền thống cổ truyền miền Tây rất đặc sắc, chúng tôi có mặt tại bến phà Ô Môi (phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) từ khá sớm. Theo người dân địa phương, chợ nổi bắt đầu từ lúc 5 giờ, nhộn nhịp nhất vào lúc 6 - 7 giờ sáng.

Ngày nay, dù chợ mới Long Xuyên đã được xây dựng khang trang, đường sá thuận tiện nhưng người dân nơi đây vẫn giữ gìn nét văn hóa đặc trưng chợ nổi. Khu chợ nổi có chiều dài khoảng 2 km, nằm dọc theo một bên của sông Hậu. Di chuyển trên sông chừng 10 phút, chúng tôi đã đến với khu chợ chính. Ngay lúc mặt trời ló dạng, ánh sáng chẳng mấy chốc đã tràn ngập mặt sông. Lấp lánh, êm đềm nhưng cũng rộn ràng hơn khi ngày mới bắt đầu. 

Đồng nghiệp của chúng tôi ở An Giang nói rằng, nét đặc thù của chợ nổi Long Xuyên chính là tính nguyên bản của nó, không ồn ào, thương mại như một số khu chợ nổi tiếng khác trong vùng. Mọi hoạt động diễn ra đơn sơ, mộc mạc với chính nhịp sống thường ngày của người dân.

Đây là trung tâm chợ đầu mối kinh doanh các loại nông sản, chủ yếu do các thương hồ đưa ghe xuồng đi khắp các miệt trên, miệt dưới mua hàng về đây bán lẻ cho các thương lái trên bờ, thế nên trên chợ ít có ghe xuồng nhỏ, chủ yếu là các ghe hàng lớn. 

Chợ nổi Long Xuyên buôn bán đa dạng các loại mặt hàng. Trong đó, nhiều nhất là các loại nông sản và trái cây miền Tây, vẫn giữ cách “quảng cáo” chung của các chợ nổi miền Tây là thông qua cây “cây bẹo” dài, ghe tàu buôn bán mặt hàng gì thì sẽ treo mặt hàng đó lên cây bẹo. Những chiếc ghe chở đầy dưa hấu, dừa, dứa,... xuôi theo sông Hậu, sáng sớm xôn xao trò chuyện, bốc vác.

Chị Tư Ly - chủ chiếc xuồng máy chuyên chở những vị khách du lịch như chúng tôi ra dáng một hướng dẫn viên du lịch. Chị kể từ những nét đặc trưng của chợ nổi, đến giới thiệu những món ăn ngon, thức uống lạ mà phải ngồi ăn trên sóng nước tròng trành mới thêm phần thú vị. 

Chỉ một lát sau khi vừa neo đò giữa sông để đón bình minh, những chiếc xuồng như những hàng quán di động bán nào là hủ tiếu, bánh canh, bún thịt xào, cà phê, nước đậu rang liên tục ghé chào mời. Xuồng nhỏ lách dòng nước, nhiệt tình mang bữa sáng nóng hổi cho người trải qua đêm dài trên ghe lớn, cho khách du lịch trên chuyến đò trải nghiệm nhịp sống sông nước buổi sớm mai. Giữa không gian mênh mông sóng nước, giữa những cuộc trò chuyện chân tình, vui vẻ với người bán hàng và chủ xuồng, ly nước, tô bánh canh càng trở nên đặc biệt, khó quên với những người khách lạ.

Dọc khu chợ nổi còn có những chiếc ghe cố định đậu ven bờ. Đây không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là mái nhà của những gia đình chài lưới. Cuộc đời của họ cứ thế trôi theo con nước, sống gói gọn trên những chiếc ghe, vừa làm nhà, làm phương tiện mưu sinh. Đơn sơ, mộc mạc, lênh đênh cùng sống nước. Nhưng trước mũi ghe là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới, cũng có khi là chậu hoa rực rỡ khoe sắc dưới ánh nắng mới đầu ngày.

Thức giấc sớm để cùng lênh đênh trên sông nước, khách xa không chỉ say đắm trước khung cảnh bình minh hiền hòa trên Sông Hậu, mà còn cảm nhận được sự nồng ấm, chân chất, mộc mạc của những con người nơi đây.