Những dấu son lịch sử Đảng bộ B'Lao

03:08, 27/08/2013

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Thị uỷ T29 được thành lập (2/9/1963), những dấu son trong lịch sử Đảng bộ này được các thế hệ kế cận ghi nhớ…

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Thị uỷ T29 được thành lập (2/9/1963), những dấu son trong lịch sử Đảng bộ này được các thế hệ kế cận ghi nhớ. Không chỉ thể hiện rõ vai trò trong suốt quá trình lịch sử từ khi được thành lập đến ngày thị xã B’Lao được giải phóng vào ngày 28/3/1975, Thị uỷ T29 còn là ngọn đuốc sáng để Đảng bộ Bảo Lộc tiếp nối truyền thống hào hùng, đưa thành phố Bảo Lộc ngày càng phát triển.

Cờ MTDTGPMNVN tung bay trước Tòa hành chính của Ngụy quyền tỉnh Lâm Đồng (cũ) vào lúc 9 giờ 30, ngày 28/3/1975. BÙI TRƯỞNG chụp lại ảnh tư liệu
Cờ MTDTGPMNVN tung bay trước Tòa hành chính của Ngụy quyền tỉnh Lâm Đồng (cũ) vào lúc 9 giờ 30, ngày 28/3/1975. BÙI TRƯỞNG chụp lại ảnh tư liệu

T29 là mật danh của thị xã B’Lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh lỵ Lâm Đồng (cũ), quân và dân thị xã B’Lao đã kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng để cùng với tỉnh Lâm Đồng và cả miền Nam giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngay sau khi thành lập Thị uỷ T29, lực lượng vũ trang T29 cũng chính thức ra đời (vào ngày 5/9/1963).

Việc thành lập lực lượng vũ trang là yêu cầu cấp bách nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thị xã B’Lao trong các phong trào cách mạng của quần chúng. Trong suốt 12 năm kể từ khi thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang và các đội công tác T29 đã mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt địch, hỗ trợ người dân phá “ấp chiến lược” và xây dựng các căn cứ cách mạng vững mạnh.

Năm 1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ T29 lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của 35 đại biểu thuộc 18 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). Đến năm 1974, Đại hội lần thứ hai của Đảng bộ T29 được tiến hành với sự tham gia của 40 đại biểu của 20 TCCSĐ. Sau mỗi lần đại hội, sức mạnh của Đảng bộ T29 ngày được nâng cao để lãnh đạo lực lượng vũ trang, các đội công tác, du kích mật… đánh địch hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.

Trong những năm 1974 - 1975, Tây Nguyên được xác định là vùng trọng điểm và Nam Tây Nguyên là hướng chiến lược quan trọng, Bộ Tư lệnh Miền đã giao nhiệm vụ cho Lâm Đồng và Sư đoàn 7 chuẩn bị tổ chức chiến trường, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng thị xã B’Lao. Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lực lượng của T29 cùng tham gia chuẩn bị chiến trường, dẫn các “mũi” của Sư đoàn 7 tấn công trên trục lộ Quốc lộ 20 vào thị xã B’Lao và huy động lực lượng căn cứ tiếp quản vùng giải phóng.

Lúc 9 giờ 30, ngày 28/3/1975, các lực lượng của ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở thị xã B’Lao. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước Toà hành chính Ngụy. Tiếp đó, là các tiểu khu và nhiều nơi khác trong thị xã B’Lao được hoàn toàn giải phóng.

Đã thành thông lệ, đều đặn hàng quý, Thành uỷ Bảo Lộc đều tổ chức buổi gặp mặt với các cán bộ chủ chốt, lão thành đang sinh sống tại thành phố Bảo Lộc; trong đó, có rất nhiều cán bộ là lực lượng tiền thân của Thị uỷ T29. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến góp ý của các bậc “tiền bối” trong việc xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Dương Kim Viên, Phó Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc, chia sẻ: Thị uỷ T29 đã lãnh đạo quân và dân ở địa phương vượt qua những khó khăn, gian khổ để tham gia phong trào giải phóng dân tộc. Những truyền thống hào hùng và những bài học kinh nghiệm quý báu của Thị uỷ T29 là rất quý giá, để những lớp kế cận như chúng tôi kế thừa và học tập. Thị uỷ T29 với những dấu son trong lịch sử đấu tranh của mình đã tô thắm thêm cho truyền thống của quê hương và góp phần tạo đà cho sự phát triển của Bảo Lộc ngày nay.

Sau ngày giải phóng, huyện Bảo Lộc được thành lập. Đến năm 1994, huyện Bảo Lộc được chia tách và thành lập thị xã Bảo Lộc. Hơn 15 năm sau với những đổi thay rõ nét, năm 2010, thị xã Bảo Lộc chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh và đang từng bước xây dựng để trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của phía Nam Lâm Đồng.

Theo đồng chí Dương Kim Viên, để thực hiện được mục tiêu này, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 02 và sau này là Nghị quyết 07 để đưa Bảo Lộc phát triển đột phá, tăng tốc. Đảng bộ Bảo Lộc đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể, đề ra những giải pháp, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, Đảng bộ cũng đã chỉ đạo chính quyền các cấp và mặt trận đoàn thể thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ khoá IV theo đúng phân kỳ. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt. Diện mạo đô thị Bảo Lộc ngày càng rõ nét cả về không gian, quy mô và hạ tầng cơ sở. Thành phố Bảo Lộc đã cơ bản đáp ứng được các chỉ tiêu đô thị loại 3 và đang tiếp cận các chỉ tiêu đô thị loại 2. Đảng bộ Bảo Lộc luôn được củng cố và tăng cường ngày càng vững mạnh. Đến nay, toàn Đảng bộ có 62 TCCSĐ với gần 4.000 đảng viên. Đảng bộ nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh.

Tiếp nối và phát huy truyền thống của Thị uỷ T29 trong suốt 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Bảo Lộc đang ra sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Những thế hệ kế thừa tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Với những kết quả đạt được, thành phố Bảo Lộc đang tạo dựng một nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn diện trong những năm tiếp theo, xứng đáng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phía Nam Lâm Đồng.

ĐÔNG ANH