Xem xét, quyết định các yêu cầu cấp bách của Nhân dân, đất nước

01:01, 05/01/2023
Sau thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11/1/2022, từ ngày 5 đến ngày 9/1/2023, Quốc hội khóa 15 sẽ tiến hành phiên họp bất thường lần thứ 2. Đây được coi là dấu ấn đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ này. Bởi các kỳ họp bất thường thể hiện tinh thần đổi mới, nhanh nhạy của Quốc hội, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng.
 
Theo đồng chí Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ hai sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách, trong đó có nội dung “rất lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ” là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Quốc hội thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề về công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền. 
 
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kỳ họp bất thường lần này diễn ra rất sát dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nên công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp đã được tiến hành hết sức khẩn trương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “chỉ trình Quốc hội những nội dung cấp bách nhưng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao, không chạy theo tiến độ mà hy sinh chất lượng”. Việc tổ chức kỳ họp sẽ là kinh nghiệm quý để tiếp tục cụ thể hóa định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp, hướng đến một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, kịp thời giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền trong điều kiện thực tiễn cuộc sống đang biến chuyển rất nhanh chóng như hiện nay.  
 
Trong các nội dung của kỳ họp, Quy hoạch tổng thể quốc gia được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm bởi đây là công cụ vô cùng quan trọng để sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực phát triển đất nước theo các mục tiêu, chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa 13), Ban Chấp hành Trung ương đã xác định việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia là “nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài và cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ”. Thực tiễn triển khai công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì thế, Quy hoạch tổng thể quốc gia được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, hồ sơ, tài liệu rất dày dặn, với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu; đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến phản biện của giới chuyên gia, nhà khoa học, MTTQ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và cập nhật kịp thời các yêu cầu của Trung ương tại Kết luận số 45 ngày 17/11/2022.
 
Có thể thấy, mặc dù Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất lớn, rất khó, rất phức tạp nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực chuẩn bị để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm xem xét và quyết định tại kỳ họp.
 
Cùng với đó, việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện khoản 3 Nghị quyết số 30 là nhằm có các quyết sách cụ thể, rõ ràng hơn trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19; chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; mua sắm vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất và việc phân cấp cho địa phương thực hiện Nghị quyết 30…
 
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc tổ chức các kỳ họp bất thường có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội kịp thời xem xét, quyết định các nội dung cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Qua đó, cũng giúp đúc kết được những kinh nghiệm quý để tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hướng linh hoạt hơn, chủ động hơn thay vì phải chờ đến kỳ họp thường kỳ. Sở dĩ gọi là kỳ họp bất thường vì Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội họp một năm hai kỳ, còn về nội dung, tất cả những vấn đề trình Quốc hội đều phải bảo đảm chất lượng, không có gì là đột xuất, bất thường cả. Những việc này, Quốc hội phải quyết định, quyết định càng sớm thì càng tốt cho đất nước, cho Nhân dân. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng cao nhất các yêu cầu của đất nước, đồng thời cũng bám sát định hướng về yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
 
HÀ THANH