Hướng đến thành phố tri thức

02:01, 22/01/2019

Hội tụ nhiều yếu tố như "Thiên thời - Địa lợi", Đà Lạt đang vươn những bước dài trên con đường chinh phục tri thức. Trong hành trình ấy, chính sự hun đúc, kế thừa và phát huy tinh thần hiếu học của những người con ở khắp mọi miền Tổ quốc tụ hội về đây làm tròn thêm yếu tố "Nhân hòa". Để một ngày không xa, Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố tri thức, góp phần xây dựng thành phố thông minh. 

Hội tụ nhiều yếu tố như “Thiên thời - Địa lợi”, Đà Lạt đang vươn những bước dài trên con đường chinh phục tri thức. Trong hành trình ấy, chính sự hun đúc, kế thừa và phát huy tinh thần hiếu học của những người con ở khắp mọi miền Tổ quốc tụ hội về đây làm tròn thêm yếu tố “Nhân hòa”. Để một ngày không xa, Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố tri thức, góp phần xây dựng thành phố thông minh. 
 
Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đang đào tạo nghề Công nghệ sinh học Quốc tế theo chương trình chuyển giao của Úc
Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đang đào tạo nghề Công nghệ sinh học Quốc tế
theo chương trình chuyển giao của Úc

Xây dựng xã, phường học tập
 
Trong ngôi nhà nhỏ giữa bát ngát rau, hoa của xã vùng ven Xuân Thọ, cụ ông Đặng Ngọc Kim và cụ bà Nguyễn Thị Nhàn - đều trên 80 tuổi hàng ngày vẫn say sưa đọc báo trên máy tính và không bỏ sót chương trình thời sự nào trên ti vi. Cụ ông cho rằng: “Tuy tuổi cao nhưng mình phải xem để biết tình hình chính trị, xã hội của địa phương, đất nước hay thế giới, biết sự phát triển không ngừng của xã hội để không bị tụt hậu về suy nghĩ, tư duy”. Đây là gia đình học tập tiêu biểu nhiều năm liền của xã Xuân Thọ khi ông bà chịu khó mày mò tiếp cận công nghệ thông tin; cha học hỏi các tiến bộ kỹ thuật về áp dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; mẹ không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý ở Trường Mầm non Xuân Thọ; con trai đầu nỗ lực học tập và vừa trở thành sinh viên Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, con trai út luôn là học sinh xuất sắc ở Trường Tiểu học Xuân Thọ. 
 
Xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo. Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận nhấn mạnh: Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. 
Với thuận lợi từ xuất phát điểm khi công tác khuyến học - khuyến tài đã trở thành truyền thống, Xuân Thọ là nơi được Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt “chọn mặt gửi vàng” làm điểm xây dựng cộng đồng học tập cấp xã. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Xuân Thọ dễ dàng đạt được các tiêu chí ngay trong năm đầu triển khai. Theo lời Bí thư Đảng ủy xã - đồng chí Trần Thìn: “Chúng tôi xác định xây dựng xã hội học tập là vai trò, nhiệm vụ chung, tác động lớn làm thay đổi “bộ mặt” từ xã đến thôn. Bởi qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tinh thần xây dựng đời sống văn hóa của người dân, góp phần vào kết quả duy trì xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nhiều năm liền và đang thực hiện các tiêu chí để được công nhận xã văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu”. 
 
Chọn Xuân Thọ là nơi “nổ phát súng” đầu tiên trong xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, chỉ sau một năm triển khai nhân rộng, 16/16 xã, phường của thành phố Đà Lạt đều “về đích” ở tiêu chí này. Đây cũng là địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh. “Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân để chính họ biết làm giàu cho bản thân, cho gia đình thông qua việc học tập và từ đó tích cực hơn trong việc tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nhà giáo Ưu tú Thái Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt khẳng định.
 
Từ chủ trương đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, Thành ủy Đà Lạt, Hội Khuyến học tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyên đề “Xây dựng thành phố học tập - Công dân học tập”, nhằm góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh: “Xây dựng thành phố học tập hướng đến mục tiêu giúp mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh định hướng về một thành phố thông minh gắn liền với việc xây dựng hình mẫu công dân học tập, thành phố học tập phù hợp với sự phát triển của địa phương trong tình hình mới”. 
 
Lĩnh hội tri thức từ hợp tác quốc tế trong giáo dục
 
Trong hành trình chinh phục tri thức, Đà Lạt là nơi hội tụ các yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”, là “miền đất hứa” để trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa quốc gia. Trong đó, hệ thống các trường cao đẳng, đại học đóng chân trên địa bàn góp phần không nhỏ trong khâu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, việc các trường tăng cường hợp tác quốc tế phần nào lĩnh hội tri thức của các nước tiên tiến trên thế giới về địa phương. Điển hình như Đại học Đà Lạt thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và một số tổ chức quốc tế khác; Đại học Yersin Đà Lạt hợp tác với một số trường đại học Hàn Quốc, với Trung tâm phát triển nguồn nhân lực châu Á, Sở Nghiên cứu học thuật cao đẳng quốc tế Tokyo - Nhật Bản... Từ những mối quan hệ hợp tác này, nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên được học tập, tu nghiệp ở nước ngoài để đem kiến thức về phục vụ công tác tại địa phương. Hay như Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt triển khai ký kết với 10 trường, học viện của Úc trong việc công nhận văn bằng, hợp tác đào tạo, hỗ trợ du học và giới thiệu việc làm cho sinh viên; hiện tại, trường đang đào tạo thí điểm nghề Công nghệ sinh học Quốc tế theo chương trình chuyển giao của Úc.
 
Cả gia đình 3 thế hệ của cụ Đặng Ngọc Kim thường xuyên đọc báo trên mạng internet để cập nhật thông tin mới
Cả gia đình 3 thế hệ của cụ Đặng Ngọc Kim thường xuyên đọc báo trên mạng internet để cập nhật thông tin mới

Ngành Giáo dục cũng đã chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực giáo dục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Điển hình như: Triển khai Chương trình dạy tiếng Pháp tăng cường cho học sinh địa bàn thành phố Đà Lạt tại Trường Tiểu học thực nghiệm Lê Quý Đôn, Trường THCS&THPT Tây Sơn và Trường THPT Chuyên Thăng Long theo “Chương trình giảng dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết với Tổ chức Đại học Pháp ngữ - AUF; Phối hợp với tổ chức Thương mại Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Korea International Cooperation Agency - KOICA) triển khai các hoạt động giáo dục tại Trung tâm Hỗ trợ, phát triển công tác giáo dục hòa nhập Hàn Quốc (KOICA) cho học sinh khuyết tật tại các trường chuyên biệt ở Đà Lạt; Phối hợp với Văn phòng Viện Pháp - Việt Nam thuộc Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Ngoại ngữ Antenne triển khai thư viện di động BIMO cho Trường THPT Chuyên Thăng Long, Trường THCS&THPT Tây Sơn và Trường Tiểu học Lê Quý Đôn - Đà Lạt...
 
Bên cạnh hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Giáo dục và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, việc xây dựng các trường quốc tế tại Đà Lạt cũng góp phần hướng Đà Lạt đến thành phố tri thức. Theo ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố Đà Lạt có nhiều thế mạnh, điều kiện thuận lợi và truyền thống về giáo dục đào tạo. Do vậy, cần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, xây dựng trường phổ thông quốc tế; đồng thời tham gia giảng dạy tại các trường học trong tỉnh Lâm Đồng để truyền đạt phương pháp dạy học tiên tiến của các nước trên thế giới. 
 
Mới đây nhất, ông Trần Đình Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ cho biết: Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, viện này đang thực hiện dự án thành lập Trường Trung học nội trú của Mỹ tại Lâm Đồng. Đây sẽ là chi nhánh của Trường Trung học Marianapolis School (Mỹ), nhằm tạo điều kiện cho học sinh Lâm Đồng được học tập trong môi trường giáo dục hiện đại, cũng như để học sinh Mỹ được giao lưu, học tập tại khu vực Lâm Đồng với Đà Lạt là trung tâm...
 
Nền tảng đã có, thế thời cũng đang đến, Đà Lạt đang vươn mình hội nhập ở nhiều lĩnh vực. Và, hướng đến xây dựng một thành phố tri thức là điều mà Đà Lạt hoàn toàn có thể.
 
TUẤN HƯƠNG