.

Bài cuối: Tập trung chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị

08:15, 02/07/2023
 
 
 
• Bài 1: Diện tích sầu riêng tăng "nóng"
 
Bài 2: Nhiều kỳ vọng khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch
 
• Bài 3: Gấp rút triển khai cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
 
Bài cuối: Tập trung chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị
 
        Một số doanh nghiệp đang chú trọng chế biến sầu riêng sau thu hoạch để phục vụ thị trường nội tiêu
Một số doanh nghiệp đang chú trọng chế biến sầu riêng sau thu hoạch để phục vụ thị trường nội tiêu

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé thông hành” với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là điều kiện cần, việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng sức cạnh tranh cho cây trồng đặc sản này cũng cần được các ngành chức năng quan tâm. 

Ngoài huyện Đạ Huoai - địa phương được mệnh danh “thủ phủ” sầu riêng của vùng đất Nam Tây Nguyên thì những năm gần đây, nông dân ở huyện Đam Rông đã kế thừa và tìm hiểu, mở rộng diện tích canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng của loại cây ăn trái dài ngày này.

 
Nông dân Lâm Đồng chú trọng trồng cây sầu riêng cho sản phẩm sạch, không tồn dư hoá chất

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Hiện nay, địa phương đang có hơn 1.000 ha sầu riêng các loại. Để không ngừng nâng chất lượng nông sản, tạo tính cạnh tranh cho cây sầu riêng, bên cạnh việc lựa chọn những giống sầu riêng ghép đạt chất lượng, ngành nông nghiệp còn chú trọng khuyến cáo đến người dân các kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán các vườn cây để tạo sự thông thoáng hạn chế nấm bệnh gây hại, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái. Song song đó, khuyến cáo người dân đầu tư hệ thống tưới tự động, vừa giảm công lao động, vừa thuận tiện trong việc cung cấp nguồn nước cho cây - nhất là trong những tháng mùa khô. 

Ngoài ra, sầu riêng là loại cây ăn trái lâu năm nên người dân không thể đầu tư ăn xổi tức thì, vì vậy nhiều nông dân ở huyện Đam Rông đã lựa chọn đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ, chú trọng sử dụng các loại phân chuồng đã được ủ huoai mục theo đúng quy trình, chỉ bổ sung các loại phân bón vô cơ trong những giai đoạn cần thiết để kích thích khi cây ra hoa, đậu quả đồng loạt.

Còn theo ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, so với các thị trường xuất khẩu khác, Trung Quốc có hàng rào kỹ thuật không quá khắt khe, phù hợp với các quy trình canh tác hiện nay mà nông dân đang áp dụng. Đơn cử, với quy trình canh tác theo chuẩn VietGAP hiện nay mà địa phương đang đẩy mạnh thực hiện và áp dụng, sản phẩm sầu riêng của các cá nhân và đơn vị hợp tác xã trên địa bàn huyện đã đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Do đó, đối với huyện Đạ Tẻh, trong thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền để người trồng, cán bộ kỹ thuật địa phương nắm được và phổ biến cho các nhà vườn áp dụng. 

 
 

Bên cạnh đó, để hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch được thuận lợi, địa phương đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu trong vấn đề xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ với người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng sầu riêng và các địa phương để quản lý chất lượng, thương mại, sản lượng và an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn phía đối tác đề ra.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thông tin, thời gian qua đơn vị đã ban hành các văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc và các địa phương về tăng cường công tác quản lý về giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. 

Trong đó, đặc biệt lưu ý bà con nông dân không vì thấy giá sầu riêng tăng cao mà lạm dụng trồng xen quá mật độ theo quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp, dẫn đến ảnh hưởng đến cây trồng chính cũng như phát triển của cây sầu riêng, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm các loại cây trồng. Mặt khác, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh, không để tình trạng thương lái tự do xen vào để phá vỡ các liên kết vì cái lợi ích trước mắt mà mất đi cái lâu dài. 

 
 

Chúng ta cần phải học hỏi kinh nghiệm sản xuất sầu riêng của Thái Lan, người nông dân của họ đã có những bước phát triển hơn so với Việt Nam. Đặc biệt là đi vào chế biến sâu với trình độ cao hơn. Đồng thời, cơ hội xuất khẩu chỉ thật sự mở ra khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. 

Cơ quan chức năng khuyến khích doanh nghiệp, người dân ngoài thị trường xuất khẩu cần tăng cường phối hợp chế biến sâu trái sầu riêng để nâng cao chuỗi giá trị
Cơ quan chức năng khuyến khích doanh nghiệp, người dân ngoài thị trường xuất khẩu cần tăng cường phối hợp chế biến sâu trái sầu riêng để nâng cao chuỗi giá trị

Hiện nay, ngoài việc tích cực tham gia xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng, để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhiều nông dân cũng tích cực thay đổi quy trình sản xuất, hướng tới việc canh tác an toàn, bền vững; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm an toàn, sạch, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước. 

 
 

Anh Nguyễn Thái Sơn, hộ đang canh tác 20 ha sầu riêng đang vào giai đoạn kinh doanh tại xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh), chia sẻ: Ngoài hình thức bên ngoài thì sầu riêng cũng cần phải đảm bảo các yếu tố sạch, an toàn thì thị trường tiêu thụ dù trong nước hay ngoài nước đều rất tiềm năng. Hiện, trang trại của Sơn đang khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận về sản xuất hữu cơ và tiến tới các tiêu chuẩn cao hơn như GlobalGAP, gắn với việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã code, hướng tới các siêu thị và vựa lớn của thị trường nội địa.

Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng chỉ tiến hành thực hiện cấp mã số vùng trồng cho diện tích trồng thuần, không cấp cho các diện tích trồng xen với cây công nghiệp. Trong khi đó, diện tích sầu riêng trồng thuần trong tỉnh đang chiếm khoảng 40%, số còn lại là diện tích trồng xen sẽ không đáp ứng được các tiêu chí để xuất khẩu. Như vậy, về trước mắt, phần lớn sản lượng sầu riêng trong tỉnh vẫn sẽ tiêu thụ trong nước. 

 
 

Bên cạnh đó, sầu riêng bóc múi và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng cũng đang việc cấp bách hiện nay để cây sầu riêng phát triển ổn định và bền vững. Do đó, bên cạnh xuất khẩu sầu riêng tươi, chúng ta cần xúc tiến để có thể xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng bóc múi cấp đông; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu ở các thị trường giàu tiềm năng như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Sầu riêng Lâm Đồng được đánh giá cao về chất lượng và đang bán được giá trong niên vụ 2023                           
Sầu riêng Lâm Đồng được đánh giá cao về chất lượng và đang bán được giá trong niên vụ 2023
 
 
 
Nội dung: HOÀNG SA - CHÍNH THÀNH
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG


Xem thêm bình luận