.

Bài 2: Nhiều kỳ vọng khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch

08:04, 30/06/2023
 
 
• Bài 1: Diện tích sầu riêng tăng "nóng"
 
Bài 2: Nhiều kỳ vọng khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch
 
• Bài 3: Gấp rút triển khai cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
 
Bài cuối: Tập trung chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị
 

Với tin vui sầu riêng Lâm Đồng cùng với các địa phương khác trên cả nước được xuất khẩu chính ngạch với số lượng ngày một tăng, người trồng sầu riêng lẫn doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh đang kỳ vọng về một vụ mùa sầu riêng được mùa lẫn được giá, xuất khẩu được hanh thông. 

Gia đình anh Đoàn Duy Khương (thôn Hà Phú, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) hiện có 2,4 ha trồng sầu riêng đang bước vào năm kinh doanh thứ 2. Theo anh Khương, vườn sầu riêng của anh trước đây vốn trồng cao su, được anh mua lại từ năm 2016 để chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Năm nay, với tổng sản lượng trái dự kiến hơn 45 tấn, với giá thành trên 55.000 đồng/kg, gia đình anh kỳ vọng sẽ thu về gần 2,5 tỷ đồng.

 
 

Anh Khương cho biết, năm nay, những vườn trồng sầu riêng được cấp chứng nhận mã số vùng trồng được rất nhiều các công ty, doanh nghiệp và vựa thu mua săn lùng để đặt vấn đề thu mua, bao tiêu 100% sản lượng, thậm chí là chốt giá khi trái còn non; đồng thời, họ cũng sẵn sàng chuyển tiền thanh toán trước. Điều này khiến những người nông dân như anh rất phấn khởi.

Trong khi đó, gia đình chị Phạm Thị Huệ (Tổ dân phố 9, thị trấn Đạm M’ri, huyện Đạ Huoai) cũng có hơn 2 ha sầu riêng đang bước vào giai đoạn kinh doanh năm thứ 2. Cũng giống như nhiều xã viên khác, vườn sầu riêng của chị đã được HTX nông nghiệp Đạ M’ri đăng ký và được các cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng, được sản xuất theo chứng nhận quy trình VietGAP. 

Chị Huệ cho hay, ngay từ thời điểm giữa tháng 4, HTX nông nghiệp Đạ M’ri đã làm việc với các doanh nghiệp liên kết để bao tiêu toàn bộ sản lượng của xã viên với giá cả rất cạnh tranh, cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Tuy nhiên, gia đình chị sẽ lựa chọn phương án không chốt sớm giá bán khi trái còn non mà sẽ thực hiện khi bước vào thời điểm thu hoạch. 

 
 

Đối với Công ty TNHH Long Thủy, đóng chân trên địa bàn huyện Bảo Lâm, hiện đơn vị đã xây dựng và được cấp một mã số vùng trồng với diện tích 150 ha và một mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, với nhu cầu sản lượng xuất khẩu rất lớn như hiện nay, nếu so sánh với diện tích mã vùng trồng mà Công ty đã được cấp cũng như liên kết với nông dân thì không đủ để xuất khẩu. 

Do đó, ngoài việc ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm sầu riêng cho người dân có mã vùng trồng với diện tích 150 ha, Công ty còn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 8 HTX tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai. Hiện, doanh nghiệp đang xúc tiến để được cấp thêm 4 mã số vùng trồng mới để đủ sản lượng phục vụ xuất khẩu. 

 
 

Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy chia sẻ, vào thời điểm ngày 21/9/2022, lô xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng gồm 4 container với hơn 70 tấn đã được Công ty xuất sang thị trường Trung Quốc sau khi nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được thông qua. Đến hết năm 2022, doanh nghiệp đã xuất thêm được 1.000 tấn sầu riêng. 

Theo ông Long, bước vào vụ sầu riêng năm 2023, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác trong nước, kể cả các nước khác như Thái Lan, Malaysia. Do đó, người dân và doanh nghiệp một khi đã được cấp mã số vùng trồng cần có cần có sự phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà phía Trung Quốc đặt ra. 

 
 

Chung nhận định, anh Lưu Hoàng Tuấn - Phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Nông sản Bảo Thy (huyện Đạ Huoai) cũng cho rằng: Mã số vùng trồng đi liền với chất lượng sản phẩm là yếu tố rất quan trọng. Một khi chất lượng được đảm bảo thì tôi cho rằng cơ hội xuất khẩu sầu riêng ngày càng rộng mở và tạo được cú huých giúp nâng tầm chất lượng từ chuỗi liên kết đang có hiện nay.

Có một thực tế rằng, hiện vẫn còn một số HTX và nông dân khi làm mã số vùng trồng vẫn còn mang yếu tố đối phó, chưa đi vào thực tế để mà sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Bên cạnh một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu làm khá tốt thì cá biệt cũng có một số doanh nghiệp làm mã vùng chỉ để phục vụ mua bán. 

Bên cạnh đó, để chủ động sản lượng phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp khi xây dựng liên kết, làm mã số vùng trồng thì đều ký kết bao tiêu về đầu ra cho bà con ổn định. Trong khi đó, người dân thì vẫn còn mang yếu tố phong trào, ví như có doanh nghiệp mới nào đến không cần biết có làm mã vùng hay không, chỉ cần giá thu mua đưa ra cao hơn thì họ sẵn sàng đi theo. Do đó, để trồng và xuất khẩu sầu riêng bền vững thì đòi hỏi giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước phải có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng đồng bộ.

 
 
Nội dung: HOÀNG SA - CHÍNH THÀNH
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG


Xem thêm bình luận