.

Học tập và làm theo Bác từ những điều giản dị, gần gũi

07:23, 26/05/2023
 

(LĐ online) - Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mảnh đất Nam Tây Nguyên ngày càng trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng. Tinh thần học tập và làm theo Bác ngày càng lan rộng, thấm sâu, hòa quyện với truyền thống yêu nước, thương nòi.

Tại các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã xuất hiện nhiều tấm gương tận tâm, tận tụy, làm hết việc chứ không không làm hết giờ. Nhiều người đã nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đội ngũ thầy thuốc, lực lực lượng vũ trang, người hoạt động văn nghệ, các tầng lớp nhân dân… đã học Bác từ những điều giản dị, gần gũi. 

Nhiều tập thể, cá nhân đã viết lên những câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng rất sống động về tinh thần lao động, học tập, làm việc, cống hiến; thể hiện ý chí quyết tâm, bản lĩnh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Việc thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh luôn là một bộ phận không thể thiếu của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để từng cán bộ, đảng viên và toàn thể các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, xây dựng tinh thần đoàn kết, tác phong gương mẫu trong lao động và học tập.

Với vai trò là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, tôi luôn quán triệt, vận động toàn thể cán bộ công chức và Nhân dân hưởng ứng cuộc vận động và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm phát huy tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần triệt để học tập và thấm nhuần tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không ngừng học tập và làm theo tấm gương của Bác trong công tác chuyên môn, trong chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Có mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ đảng viên.

Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông đặt niềm tin xây dựng đất nước vào thế hệ trẻ

Phải nhấn mạnh rằng, trong các nhiệm kỳ vừa qua, việc thực hiện Chỉ thị 05 trở thành nhiệm vụ chính trị mang tính chất chiến lược, nói đi đôi với làm và cũng đã thể hiện trong suốt quá trình và đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung ở mỗi tổ chức cơ sở đảng. 

Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ hôm nay, tôi cho rằng cần ra sức học tập, trau dồi năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Trong tâm thức cần gạt bỏ tư tưởng cá nhân, ích kỷ, sống hòa đồng vì sự phát triển tốt đẹp của xã hội. Bởi chính các bạn sẽ là lực lượng quyết định cho sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc trong hiện tại cũng như trong tương lai.

 

Ông Phan Văn Tĩnh - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Lâm Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Hiểu được trái tim chia sẻ: Hiểu được trái tim là một câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện, được thành lập từ năm 2018 xuất phát từ một nhóm 5 thành viên. Tới nay, CLB đã có hơn 300 hội viên; trong đó, tại huyện Lâm Hà chiếm đa số với 270 hội viên. Thành viên của CLB Hiểu được trái tim là những người giàu lòng nhân ái, tự nguyện tham gia các hoạt động nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, người tàn tật, người già cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, và những đối tượng đặc biệt khác ở khắp nơi, trong đó chủ yếu là trên địa bàn huyện Lâm Hà. Họ là những người tạo ra các câu chuyện đẹp về lòng trắc ẩn, tình yêu thương con người.

Các thành viên CLB thiện nguyện Hiểu được trái tim liên tục làm công tác thiện nguyện tại địa bàn bền bỉ nhiều năm qua

Thấm nhuần và học Bác từ những việc làm từ nhỏ nhất, các thành viên hội là tập hợp những người tự nguyện làm thiện nguyện, là những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, là những tiểu thương, doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên… luôn sẵn sàng đóng góp sức mình và vận động mọi người khi có hoàn cảnh khó khăn cần sự sẻ chia. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã hỗ trợ vật chất và tinh thần giúp CLB tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng. Hoạt động của nhóm đã có sức lan tỏa tới cộng đồng trong xã hội.

Các thành viên CLB thiện nguyện Hiểu được trái tim liên tục làm công tác thiện nguyện tại địa bàn bền bỉ nhiều năm qua

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, không quản ngại khó khăn, trong thời gian qua, CLB thiện nguyện Hiểu được trái tim đã đóng góp, vận động và thay mặt các nhà hảo tâm triển khai các chương trình, phát động trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Từ năm 2018 đến 2022, tổng kinh phí do CLB đóng góp và kêu gọi vận động để chia sẻ đến các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh tổng cộng khoảng hơn 13 tỷ đồng.

Nhờ những thành tích đạt được, năm 2021, CLB đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

 

Đó là nhận xét, chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng. Chính bằng những việc làm giản dị, sự tâm huyết, hơn 1.300 hội viên không quản ngại khó khăn nhiều năm nay để có được nguồn tài trợ để tổ chức Hội làm tốt vai trò trở thành cầu nối cho những bệnh nhân nghèo, người yếu thế có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh làm cầu nối cho những bệnh nhân nghèo, người yếu thế có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống

Hơn 10 năm kể từ khi được thành lập tới nay, Hội đã vận động nguồn tài trợ hơn 672 tỉ đồng. Từ nguồn tài trợ này, Hội đã giúp 1.515 trẻ em và bệnh nhân nghèo ở Lâm Đồng và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh bạn được phẫu thuật tim; tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể, đem lại ánh sáng đôi mắt cho gần 12.000 người cao tuổi; tặng 7.500 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt; hơn 3.000 chiếc xe đạp và 1.900 suất học bổng đã được trao cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo...

Mục tiêu và những việc làm đạt được của Hội luôn gần gũi và gắn với tinh thần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ vĩ đại. Đó là sự tận tâm, tận tuỵ, trong sáng, giản dị trong mỗi công việc, hoạt động. Cũng từ chính tinh thần trách nhiệm của hội viên đã góp phần tạo niềm tin đối với các tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài nước. 

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận thời gian qua

“Mắt thấy, tai nghe” là cách mà Hội Bảo trợ Lâm Đồng hướng các nhà tài trợ, các tấm lòng nhân ái đến với địa phương, tiếp xúc với từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu nguyện vọng của từng đối tượng nên đã tạo được sự cảm thông sâu sắc giữa người giúp và người được giúp.

“Hơn 10 năm qua, anh chị em Hội Bảo trợ Lâm Đồng đã làm từ thiện bằng những điều giản dị như thế. Đó là khát vọng từ sâu thẳm trái tim mình là được góp sức đem lại nhịp đập bình thường cho những trái tim non, đem hơi ấm tình người cho những mảnh đời bất hạnh” - ông Nguyễn Văn Lực cho biết.

 

Tôi gắn bó và nặng nợ với mảnh đất Nam Tây Nguyên gần 40 năm qua, từ những bỡ ngỡ với một nền âm nhạc xa lạ, âm vang giữa núi rừng. Suốt quãng thời gian ấy, tôi đã viết những bản nhạc bằng chính tình yêu của mình dành cho mảnh đất này. May mắn, nhiều ca khúc được khán giả và giới chuyên môn đón nhận, đánh giá cao, trao tặng những giải thưởng cao quý. Từ đó, đưa hình ảnh con người, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đến gần hơn với khán giả cả nước. 

Tất cả các tác phẩm đó, cùng với những giải thưởng dù lớn, nhỏ, của cá nhân hay tập thể trong suốt những năm tháng qua chính là vinh dự và tự hào cho cuộc đời nghệ thuật của tôi. 

Nói về Bác Hồ, điều truyền cảm hứng lớn nhất đó chính là tình yêu và tấm lòng cao cả Người dành cho đất nước, dành cho dân tộc. Vì chỉ có yêu, chỉ có đau đáu với nó thì người nghệ sĩ mới có thể đặt trọn tấm lòng của mình, nỗ lực để nâng cao chất lượng chuyên môn nghệ thuật trong từng tác phẩm. Đồng thời, cũng phải làm gương cho thế hệ trẻ bồi đắp thêm tình yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu văn hóa văn hóa dân gian, yêu nghệ thuật dân tộc.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ (thứ 2 từ trái sang) là nhạc sĩ đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

Nghệ sĩ như chúng tôi, từ một tấm gương vĩ đại như thế, dù có đi đến tận cùng của nghệ thuật cũng không thể khai thác hết. Các đề tài về Bác sẽ luôn là chủ đề bao la. Với cá nhân tôi, dẫu chưa viết được tác phẩm trực diện về Người nhưng tất cả hình ảnh lớn lao và đức tính giản dị trong đời sống hàng ngày của Bác đã vô hình trung được lồng vào trong từng tác phẩm khi tôi viết về tình yêu quê hương đất nước.

 

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời bài học quý báu để trong quá trình xây dựng quê hương, cán bộ và Nhân dân thôn Trạm Hành 2 (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) thực hiện để tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Bà Lê Thị Thu An - Trưởng thôn Trạm Hành 2 cho biết, đây là thôn có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, chủ yếu bằng nghề nông. Chi bộ thôn có 12 đảng viên. Trong thời gian qua, tất cả cán bộ, đảng viên luôn năng nổ, gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực và nêu cao tinh thần đoàn kết, vận động mềm dẻo, dễ nghe, dễ tiếp nhận. 

Trước mọi vấn đề, Ban nhân dân thôn đều phổ biến, tuyên truyền cho người dân nắm rõ những lợi ích từ các chương trình, không chỉ một, hai lần mà những chương trình quan trọng thì phải tổ chức 5 - 8 cuộc họp để tìm sự đồng thuận của 100% quần chúng nhân dân. 

Hàng tháng, ban thôn, ban công tác Mặt trận và hệ thống chính trị thôn cụ thể hoá nghị quyết của chi bộ thôn trong vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, phân công đảng viên đứng điểm tại từng tổ để cùng tham gia, hướng dẫn người dân thực hiện cụ thể các phần việc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. 

Bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và đảng viên luôn sâu sát dân nên thời gian qua phần lớn người dân trong thôn tích cực tham gia thực hiện 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; cán bộ và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Từ đó, người dân có đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển, tiếp tục xây dựng và thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các chi hội đoàn thể cùng hệ thống chính trị thôn và toàn thể Nhân dân luôn đoàn kết gắn bó, phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. 

Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ và Nhân dân thôn Trạm Hành 2 cũng đã nhận được sự ghi nhận của các cấp để sau 20 năm, thôn được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, giữ vững thôn văn hoá trong 19 năm liền. Đây cũng chính là quả ngọt cho những nỗ lực của cán bộ cũng như đóng góp của Nhân dân trong xây dựng quê hương đẹp giàu.

 

Đối với những cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng), Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một sự khích lệ và là niềm tự hào cho những cố gắng không mệt mỏi vì sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng trong suốt thời gian vừa qua.

Bởi hiện nay, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên đối mặt với không ít khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn bởi nhân sự còn hạn chế do cơ chế kính phí chưa đủ sức hấp dẫn để tuyển người có tầm ảnh hưởng, kinh phí hoạt động hạn hẹp, cơ chế giữa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và văn hóa cơ sở còn có sự khác biệt. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cũng đã xuống cấp, không đủ chuẩn nên gặp nhiều khó khăn trong việc luyện tập cũng như tổ chức các hoạt động biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình.

Thế nhưng, nhiều năm qua, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên vẫn là lực lượng chính tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của tỉnh cũng như các địa phương. Những nghệ sĩ, cộng tác viên của Đoàn và của cả Trung tâm cũng không ngần ngại đem lời ca tiếng hát, âm nhạc của mình để phục vụ đồng bào, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên tham dự Liên hoan độc tấu và hòa tấu toàn quốc

Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên cũng là nơi phát hiện, đào tạo những nhân tố mới để phục vụ cho nghệ thuật tỉnh nhà. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ vẫn trong quá nghiên cứu, sưu tầm các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và nâng cao chất lượng nghệ thuật ca múa nhạc bản địa Tây Nguyên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ “Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, và “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Chính vì thế, Ban lãnh đạo Đoàn cũng đã chú trọng việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật để truyền tải những thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật của tỉnh, đưa tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác đến với đông đảo công chúng, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giữ gìn, bồi đắp những giá trị đạo đức cao đẹp. 

Những giải thưởng tại các liên hoan nghệ thuật toàn quốc chính là sự ghi nhận và là động lực để cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để phục vụ Nhân dân, giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc và đưa hình ảnh, văn hóa các dân tộc Lâm Đồng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Tôi vô cùng bất ngờ khi được nhận khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh. Bởi với cá nhân tôi, đứng trên cương vị một người chủ gia đình mà suy nghĩ rằng nếu chỉ vì lợi ích cá nhân thì không chỉ gia đình mình mà cả bà con trong khu vực sẽ mãi sống trong tuyến đường chật chội, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Gia đình tôi không giàu có, thu nhập chính đến từ việc trồng cây cà phê và một ít lúa nước. Đây cũng là mảnh đất duy nhất để sản xuất tạo thu nhập cho cả gia đình, với tổng diện tích là 7.000 mét vuông. 

Bà Ka Dốp và bà con thôn Ka Ming vui mừng vì con đường mới sắp hoàn thành

Nhưng khi biết khi Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương hiến đất để làm đường giao thông cho thuận tiện đi lại, xây dựng các tuyến phố văn minh, góp phần xây dựng thị trấn Di Linh trở thành đô thị văn minh và đạt đô thị loại IV vào năm 2025, tôi quyết tâm ủng hộ.

Tôi đã hiến hơn 700 m2 đất, đây là một con số tương đối lớn. Nhưng nghĩ vì cái chung, nhà mình lại ngay ở đầu đường nên dù có đắn đo, cuối cùng mọi thành viên trong gia đình đều tán thành. Những ngày này, con đường dần thành hình. Nghĩ rằng mình đóng góp một phần, tôi cũng thấy lòng mình vui hơn.

Từ việc làm nhỏ bé của gia đình tôi đã tác động, lan tỏa đến mọi người trên tuyến đường. Chính vì vậy, việc bà con Nhân dân trên tuyến đường Moko Khai đã đồng thuận cao trong công tác tự hiến đất, cây trồng để thi công tuyến đường được thuận lợi. 

Biết được điều này, niềm vui như được nhân lên bởi khi ấy tôi cũng chẳng suy nghĩ gì sâu xa, chỉ nghĩ rằng đó là trách nhiệm của cá nhân mình, đóng góp cho sự phát triển của khu dân cư. Đổi lại, sau này mình cũng sẽ có lợi vì đường sá khang trang, đi lại thuận tiện, buôn bán cũng dễ dàng hơn.

 

 

Đại đức Thích Đồng Quán - Trụ trì Chùa Phổ Hiền (Thôn 11, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) là 1 trong 40 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023.

Theo Đảng uỷ xã Lộc Thành, với cương vị là Trụ trì Chùa Phổ Hiền có nhiều Phật tử đang sinh hoạt, bản thân Đại đức Thích Đồng Quán luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn đoàn kết các dân tộc, tuyên truyền Phật tử chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng giáo hội vững mạnh.

Trong các dịp lễ, tết của dân tộc, trụ trì Chùa Phổ Hiền đã quan tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Hàng năm, đều có trên 1.000 lượt Phật tử tham dự.

Đại đức Thích Đồng Quán - Trụ trì chùa Phổ Hiền cùng các Phật tử làm công tác từ thiện, hỗ trợ bữa cơm miễn phí cho người nghèo

Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, bản thân Đại đức Thích Đồng Quán đã trực tiếp vận động các gia đình Phật tử, nhóm thiện nguyện chung tay quyên góp ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng do dịch. Qua các đợt vận động đã huy động được 400 tấn rau củ quả, khoảng 2.000 phần quà; 5 tấn gạo... để ủng hộ đồng bào tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc Thành cùng các ban ngành, đoàn thể của xã tổ chức chương trình xuân yêu thương tặng 200 phần quà cho các gia đình khó khăn mỗi phần quà trị giá 300.000 ngàn đồng...

Đại đức Thích Đồng Quán - Trụ trì chùa Phổ Hiền cùng các Phật tử làm công tác từ thiện, hỗ trợ bữa cơm miễn phí cho người nghèo

Chia sẻ về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đại đức Thích Đồng Quán cho rằng học tập tư tưởng, phong cách của Bác cũng như lời Đức Phật dạy để cho chúng ta có nhân phẩm đạo đức của một con người, để hoàn thiện bản thân, sống tốt đời đẹp đạo, giúp mọi người chấp hành tốt những chủ trương chính, sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là phương châm đạo pháp dân tộc, văn minh phát triển của một xã hội chủ nghĩa, do dân và vì dân.

“Tôi nhận nhận thấy giáo lý của Đức Phật và học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác là để cho chúng ta nhận ra giá trị đời sống, tự rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức của chính mình được tốt đẹp và hoàn thiện hơn, làm cho chúng ta thấy được giá trị của mình trong cuộc sống, bản thân được an vui hạnh phúc và cho đất nước được tốt đẹp, xã hội được tự do bình đẳng” - Đại đức Thích Đồng Quán chia sẻ.

 

Ông Mai Giang Nam - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng cho biết, hàng năm, Chi bộ Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng luôn xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cơ bản và bao trùm trong công tác giáo dục chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần quan điểm này, thời gian qua, Chi bộ Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai nhiều phong trào thi đua học tập và làm theo Bác có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, tạo động lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao của đơn vị.

Chi bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh Lâm Đồng làm công tác thiện nguyện, tặng nhà tình thương cho hộ dân tại huyện Đam Rông

Để đảm bảo Chỉ thị số 05-CT/TW đi vào cuộc sống, Chi bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Điển hình như: Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên trong đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác; xây dựng kế hoạch triển khai học tập quán triệt chuyên đề toàn khóa và chuyên đề từng năm trong việc xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu đơn vị của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Chi bộ.

Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Lâm Đồng

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng luôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ theo kế hoạch được giao từ tỉnh đến cơ sở. Thành tích đó được thể hiện trên những mặt hoạt động, bao gồm: Công tác thu ngân sách Nhà nước, kiểm soát chi ngân sách; công tác kế toán, tin học, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền, tài sản Nhà nước giao cho quản lý cũng như công tác quản lý tài chính nội bộ, xây dựng nội ngành, kiểm tra nội bộ và những mặt công tác khác... Đặc biệt, trong năm 2021, tình hình Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu ngân sách tổng thể trong năm nhưng công tác thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt 11.010 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán địa phương giao, đạt 106,89 dự toán địa phương phấn đấu thu và đạt 137,87% dự toán Trung ương, tăng 16,84% so với cùng kỳ. Năm 2022 là 13.000 tỷ đồng đạt 118,18% dự toán địa phương giao và đạt 133,47% dự toán Trung ương.

Từ phong trào học tập và làm theo Bác đi vào sâu rộng trong sinh hoạt chính trị cũng như công tác chuyên môn, Chi bộ Kho bạc năm 2018 tới năm 2021 đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Bộ Tài chính; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng… Đồng thời, tháng 5/2023, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen Chi bộ Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng, 1 trong 33 tập thể trên địa bàn tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023.

DANH SÁCH CÁC TẬP THỂ, CÁ NHÂN NHẬN BẰNG KHEN CỦA TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG VÀ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN KẾT LUẬN 01-KL/TW


Nội dung: CHÍNH THÀNHHỒNG THẮM
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG



Xem thêm bình luận