.

OCOP - Nâng tầm nông sản địa phương

03:19, 01/06/2023

 

 

(LĐ online) - Sản phẩm với chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao từ Lâm Đồng đã dần trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng trong cả nước. Đó cũng là cơ sở để khách hàng, doanh nghiệp có sự tin tưởng, tìm đến các sản phẩm địa phương để thúc đẩy các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng xác định là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từng tấc đất trên cao nguyên Lâm Viên, dưới bàn tay cần mẫn của những người nông dân đã làm ra hàng trăm sản phẩm mang đặc trưng từ vùng đất Nam Tây Nguyên, xuất hiện trên hệ thống siêu thị, cửa hàng, từ bình dân đến cao cấp lần lượt tiếp cận được người tiêu dùng.

Tại trang trại phúc bồn tử Công ty NTHH LangBian.F Dâu Rừng, toàn bộ diện tích được trồng trong môi trường khép kín nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ORGANIC hữu cơ 100%, đạt chứng nhận JAS - “thước đo” uy tín và chất lượng hàng đầu Nhật Bản.

Hiện, cả 6 sản phẩm của Công ty đã được chứng nhận OCOP 4 sao và đã làm hồ sơ nâng cấp lên 5 sao cho 1 sản phẩm rượu vang.

Cũng chính vì thế, trong quá trình xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, bên cạnh chất lượng, Công ty cũng đã rất chú trọng đến mẫu mã, hệ thống nhà xưởng, tối ưu quy trình sản xuất, đa dạng các kênh thương mại… để sản phẩm tiếp cận được với đông đảo khách hàng trên khắp cả nước.

Bế Thị Thu Huyền khởi nghiệp với sản phẩm từ ca cao được chứng nhận OCOP 3 sao từ vùng xa Cát Tiên. Dự án của Huyền xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2022 do Tỉnh Đoàn tổ chức

"Nhất là thông qua các kênh thương mại điện tử, sản phẩm càng cần phải có các chứng nhận cần thiết để qua đó tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng cũng như trở thành đối tác cung cấp các đơn hàng lớn cho doanh nghiệp. Cũng từ đây, các sản phẩm như được “chắp cánh” để không chỉ ngày càng khẳng định giá trị của mình mà còn là động lực để người nông dân, các sơ sở kinh doanh mạnh dạn đầu tư và có hướng đi mang tính bền vững hơn trong tương lai” - chị Bế Thị Thu Huyền - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, chế biến ca cao Cát Tiên cho biết. 

Nhờ sản phẩm có các chứng nhận cần thiết mà sản phẩm ca cao không chỉ có được đầu ra ổn định mà còn được bạn bè quốc tế tìm đến

Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định bám sát định hướng chương trình là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm. 

Theo Bế Thị Thu Huyền, quan trọng nhất vẫn là chất lượng các sản phẩm cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng như Tổ hợp tác

“Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chính vì thế, tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ xây dựng được các sản phẩm chất lượng tốt, đặc trưng của các địa phương và được thị trường đón nhận. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới” - ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nói.

Thực tế đã chứng minh các sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên đã tiếp cận được thị trường ngày càng rộng lớn, cả trong và ngoài nước; đồng thời, có được niềm tin của người tiêu dùng. Chủ thể là các đơn vị doanh nghiệp, HTX đã bán sản phẩm với giá tốt hơn, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn.

Tỉnh Lâm Đồng đã khuyến khích và hỗ trợ xây dựng được các sản phẩm chất lượng tốt, đặc trưng của các địa phương và được thị trường đón nhận

Trước khi biết đến Chương trình OCOP, ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sao Vàng Macca (xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) phần lớn chỉ tập trung sản xuất và cung cấp nguyên liệu mắc ca cho các đối tác và bán lẻ tại địa phương. Sau khi tham gia các lớp tập huấn và định hướng về Chương trình OCOP, ông Chính được ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn hoàn thiện các quy trình, đầu tư xưởng, hỗ trợ thiết bị máy móc, các chứng nhận về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Đến nay, doanh nghiệp của ông là đơn vị nổi bật trong sản xuất, chế biến mắc ca khi liên kết với hơn 30 nông hộ và tiến hành xuất khẩu 30% sản lượng mắc ca sang các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về diện tích và sản lượng, với nhiều lần kiểm định từ các cơ quan chuyên môn, chất lượng mắc ca ở Lâm Hà luôn được khẳng định cũng như nhận được sự đón nhận của thị trường. Lâm Hà cũng đang phát triển 5 sản phẩm OCOP từ hạt mắc ca từ 3 sao sao. Trong đó, có 2 sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sao Vàng Macca và Công ty TNHH nông sản Huy Hiếu đang hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng nhận OCOP 5 sao.

Nhờ vào việc phát triển các liên kết, mở rộng sản xuất cũng đã tạo được việc làm cho người dân địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số

Thống kê cho thấy, hiện nay, hầu hết các địa phương đã và đang làm rất tốt công tác tuyên truyền, thẩm định, đánh giá, công nhận các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu phải kể đến các sản phẩm về rau các loại, cà phê, mắc ca, trà, cây ăn trái… 

Huyện Lạc Dương hiện nay đã và đang phát triển 28 sản phẩm OCOP; trong đó, nổi bật có các sản phẩm về cà phê, rau, phúc bồn tử… không chỉ được thị trường ưa chuộng mà còn hình thành các liên kết, tạo công ăn việc làm cho nhiều đối tượng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Huyện Lạc Dương đã chủ động tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của địa phương

Ông Lê Chí Quang Minh cho biết thêm, huyện cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, thành lập Câu lạc bộ OCOP, không gian cà phê doanh nhân… để giúp các chủ doanh nghiệp trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, chia sẻ những cách làm hay, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất. Huyện cũng chủ động tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành để góp phần quảng bá, khẳng định giá trị nông sản Lạc Dương đối với thị trường trong và ngoài nước.

Lâm Đồng hiện nay có 177 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao (2 sản phẩm đã có quyết định công nhận, 7 sản phẩm Trung ương đang xem xét quyết định); 94 sản phẩm 4 sao; 74 sản phẩm 3 sao. 

Có 103 chủ thể tham gia chương trình; trong đó, có 21 chủ thể là hợp tác xã, 58 chủ thể doanh nghiệp, 19 cơ sở, hộ cá thể và 5 tổ hợp tác.

Thông qua các đợt xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trong cả nước và nhiều sản phẩm có mặt tại chuỗi các siêu thị và được người tiêu dùng ưa chuộng

Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho hay, hiệu quả và sức lan tỏa của Chương trình OCOP là điều đã thấy rõ. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình.

Người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình để có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng bông thôn mới.

Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, từng bước mang lại những kết quả khả quan, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2023, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm OCOP (190 sản phẩm cấp tỉnh, 10 sản phẩm cấp Quốc gia); củng cố và nâng cấp ít nhất 10% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phấn đấu có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ; 20% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử…

Lâm Đồng đặt mục tiêu có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao trong năm 2023

“Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để nâng cấp sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao. Khi đó, một lần nữa sẽ khẳng định được chất lượng và vị thế của hạt mắc ca Lâm Hà. Đồng thời, cũng sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn” - ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sao Vàng Macca cho biết.

Ông Ngô Thanh Sơn - Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, hàng năm, Sở đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm cũng như hình ảnh, con người Lâm Đồng.

Tận dụng lợi thế này, Sở Công thương cũng thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành để tăng cường giới thiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP nói chung cũng như các sản phẩm mang thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng khẳng định, qua 5 năm phát triển, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Nụ cười của những người nông dân khi sản phẩm mình làm ra có được vị thế xứng đáng

Nội dung và hình ảnh: HỒNG THẮM
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG



Xem thêm bình luận