.

Bài 3: Gấp rút triển khai cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

16:30, 01/07/2023
Được cấp mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để trái sầu riêng được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Được cấp mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để trái sầu riêng được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
 
• Bài 1: Diện tích sầu riêng tăng "nóng"
 
Bài 2: Nhiều kỳ vọng khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch
 
• Bài 3: Gấp rút triển khai cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
 
Bài cuối: Tập trung chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị
 

Thời gian qua, việc xây dựng mã số vùng trồng đang được các ngành chức năng Lâm Đồng gấp rút thực hiện. Qua đó, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói nhằm theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với mục tiêu hướng tới các sản phẩm an toàn, chất lượng không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường trong nước. 

Hiện nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phải áp dụng những quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.

Người dân trên địa bàn Lâm Đồng chú trọng áp dụng quy trình chăm sóc sầu riêng hữu cơ, cho sản phẩm sạch, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước
Người dân trên địa bàn Lâm Đồng chú trọng áp dụng quy trình chăm sóc sầu riêng hữu cơ, cho sản phẩm sạch, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước

Trong khi đó, Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản chất lượng cao tiêu thụ tại các thành phố lớn trong cả nước và đã có mặt ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm, một số lô hàng không đảm bảo chất lượng, không truy xuất được nguồn gốc. Do vậy, để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước vấn đề an toàn thực phẩm là yếu tố được các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng quan tâm hàng đầu. 

Đặc biệt, trong thời kỳ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước cần phải được triển khai thực hiện ở các địa phương và có sự phối hợp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân sản xuất, đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. 

Cùng với các nguồn vốn lồng ghép khác để thu hút, kêu gọi đầu tư sản xuất, liên kết tiêu thụ, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Riêng trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 163 mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đối với các loại nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 35 mã vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp. Trong đó, mã số vùng trồng sầu riêng là 33 mã số với quy mô trên 2.300 ha với tổng sản lượng gần 80.000 tấn/năm.

Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp, HTX, THT đại diện cho mã vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 3.395 ha và 2 hồ sơ về cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ thực vật thẩm định, đang chờ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

 

Bên cạnh những tín hiệu, kết quả lạc quan, việc thực hiện cấp mã số vùng trồng qua ghi nhận của phóng viên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như diện tích được cấp mã định danh trong tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn, công tác quản lý vùng trồng cũng còn nhiều lỏng lẻo…

Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đang có tiềm năng, dư địa rất lớn nếu biết khai thác đúng cách
Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đang có tiềm năng, dư địa rất lớn nếu biết khai thác đúng cách

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc HTX nông nghiệp Đạ M’ri huyện Đạ Huoai cho hay, để được cấp mã số thì vùng trồng đó phải đáp ứng các điều kiện như trường hợp vùng trồng gồm nhiều điểm sản xuất, cần sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại. Cùng đó, nhà vườn cần đảm bảo ghi chép đầy đủ các hoạt động sản xuất tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác như giai đoạn phát triển của cây trồng, sinh vật gây hại phát hiện trong quá trình điều tra, nhật ký bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thông tin thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm… 

Bên cạnh đó, vùng trồng gồm nhiều hộ không áp dụng chung một quy trình sản xuất thì mỗi hộ có một nhật ký canh tác; vùng trồng áp dụng cùng một quy trình sản xuất thì có thể dùng chung một nhật ký hoặc riêng nhật ký cho từng hộ. Ngoài ra, yêu cầu về diện tích, cây ăn trái cần diện tích tối thiểu 10 ha… Chính vì vậy, mặc dù huyện Đạ Huoai có tổng diện tích sầu riêng lên đến hơn 5.580 ha nhưng đến nay toàn huyện chỉ mới có 6 mã số vùng trồng được công nhận với quy mô gần 290 ha. 

Một vấn đề khác là nhiều chủ thể mã số vùng trồng cũng như các doanh nghiệp đăng ký con số sản lượng xuất khẩu sầu riêng so với diện tích được cấp mã là rất cao, trung bình dao động sản lượng từ 35 - 40 tấn/ha. Điều này có thể dễ xảy ra sự gian lận, nhập nhằng trong việc đưa các sản phẩm bên ngoài vào đơn vị được cấp mã số vùng trồng.

 
 
 
Nội dung: HOÀNG SA - CHÍNH THÀNH
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG


Xem thêm bình luận