
(LĐ online) - Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo.
(LĐ online) - Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương. Tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố.
Năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt và đầy khó khăn của ngành giáo dục do ảnh hưởng của dịch Covid -19, khiến lịch học bị gián đoạn. Với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành chương trình học đã được đề ra. Với nhiều hình thức dạy học được triển khai như học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, toàn ngành đã biến nguy thành cơ, xem đây là cơ hội để tiếp cận, vận dụng công nghệ số trong giảng dạy. Do vậy, tuy trong thời gian học để phòng chống dịch Covid-19 nhưng trên 22 triệu học sinh cả nước vẫn đảm bảo việc học và cũng như được đảm bảo an toàn trước đại dịch Covid -19.
Năm học này, ngành giáo dục tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để sẵn sàng áp dụng từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng.
Cùng với đó, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Giai đoạn qua cũng đánh dấu bước đột phá của giáo dục đại học trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng.
Đối với ngành giáo dục Lâm Đồng, năm học vừa qua, toàn ngành đã tập trung hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Toàn ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm học đề ra với những kết quả tích cực, toàn diện và nổi bật.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về GDĐT.
Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu học tập của Nhân dân, trang thiết bị dạy và học được đầu tư và cải thiện, tỷ lệ kiên cố hóa tăng theo từng năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của ngành. Chất lượng, hiệu quả GDĐT được nâng lên theo hướng toàn diện, thực chất; các hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học, áp dụng các mô hình dạy học mới và ứng dụng CNTT được tích cực triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 29.
Tỷ lệ học sinh khá, giỏi và số học sinh dự các kỳ thi quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh không ngừng tăng lên. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với kết quả xét tốt nghiệp THPT đạt 99,54%, tăng 2,07% so với năm 2019.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hoàn thành đúng kế hoạch, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của các huyện, thành phố, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X, đạt 80,57% vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của Sở GDĐT xếp thứ 4/20 sở, ban, ngành...
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ban, ngành của Trung ương nhiều nội dung như: Cần sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về thiết bị tối thiểu, đồng bộ cho cả cấp học, có hướng dẫn định hướng để các địa phương chủ động rà soát, bố trí kinh phí đầu tư mua sắm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ và tránh lãng phí; nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, nhiệm kỳ và thẩm quyền công nhận đối với hiệu trưởng các trường mầm non và phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; sớm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học tư thục; quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở cho các trường vùng sâu, vùng xa theo hướng đồng bộ, cần có hướng dẫn công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường có nhiều cấp học; bổ sung Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật mà ngành giáo dục và đào tạo đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục vì giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục, từng cơ sở giáo dục phải là thiết chế biểu tượng của văn hóa; tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số nguyên tắc, nguyên lý trong giáo dục, đó là: Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, giáo viên, để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi; phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Ngoài ra, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà còn phải là thiết chế của cộng đồng. Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới giáo dục là một quá trình và phải rất kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới…
TUẤN HƯƠNG