Ya Tin - người uy tín của dân làng Churu

08:05, 01/05/2019

Gặp Ya Tin, ông hồ hởi khoe mình vừa tham dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai vào tháng 3 vừa rồi. Với cách nghĩ và cách làm khác biệt, người đàn ông sinh năm 1962 không chỉ là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Ma Ðanh (Tu Tra, Ðơn Dương), mà còn là người uy tín được bà con Churu nơi đây tin yêu.

Gặp Ya Tin, ông hồ hởi khoe mình vừa tham dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai vào tháng 3 vừa rồi. Với cách nghĩ và cách làm khác biệt, người đàn ông sinh năm 1962 không chỉ là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Ma Ðanh (Tu Tra, Ðơn Dương), mà còn là người uy tín được bà con Churu nơi đây tin yêu.
 
Ông Ya Tin là người đi đầu trong thôn Ma Đanh làm nhà kính để trồng rau. Ảnh: V.Quỳnh
Ông Ya Tin là người đi đầu trong thôn Ma Đanh làm nhà kính để trồng rau. Ảnh: V.Quỳnh
 
Muốn đổi đời thì phải biết chữ
 
Ông Ya Tin biết vậy, nhưng sinh ra và lớn lên trong lúc cái ăn cái mặc vẫn còn thiếu thốn và cả chiến tranh, ông chỉ kịp biết đến con chữ chứ chưa được đi học đến nơi đến chốn cho “thỏa thuê”, cho “bụng no con chữ”. Thế nên sau này, 5 người con của ông đều được quan tâm và ưu tiên hàng đầu cho việc học.
 
Với suy nghĩ chỉ có cái chữ mới mở mang được đầu óc, mới đem lại cuộc sống tươi sáng cho con cái về sau nên cách đây 20 năm, mặc dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn, và đến trường còn là một điều xa xỉ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ, 5 người con của ông Ya Tin đều học hết cấp III, đặc biệt con trai đầu đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và người con gái thứ hai tốt nghiệp đại học, hiện đang là giáo viên trường Tiểu học R’Lơm (Tu Tra).
 
Ông Ya Tin nhắc đến điều đó với đầy sự tự hào và mãn nguyện. Bởi ông bảo rằng có đi học thì mới giúp ích được cho bản thân, gia đình, xã hội. Và khi tuyên truyền, vận động cho bà con, ông có thể lấy chính gia đình mình ra làm gương. “Chú nói với bà con thế này: Chúng ta làm nông, ngay cả việc phun thuốc, bón phân cho lúa, cho rau cũng phải đi học, có chữ mới biết bón lúc nào thì tốt, loại nào cho năng suất cao, không có chữ thì làm sao biết được. Không cần nói đâu xa, cứ nói gần vậy cho bà con dễ hiểu là bà con tiếp thu liền” - ông Ya Tin kể. Nhờ vậy mà bây giờ, con cháu trong thôn Ma Đanh đã được đến trường, bố mẹ quan tâm hơn cho việc học hành của con, tình trạng bỏ học cũng đã giảm nhiều so với các năm trước.
 
Thôn Ma Đanh là một trong 7 thôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tu Tra. Toàn thôn có 236 hộ với 100% dân số là người đồng bào dân tộc Churu, tôn giáo chính là Tin Lành và Thiên Chúa. Không chỉ góp công lớn trong việc tạo động lực cho bà con trong thôn cho con đến trường, ông Ya Tin còn cố gắng thực hiện gương mẫu, tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những việc làm cụ thể.
 
Bao nhiêu năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, bao nhiêu lần phải đi trong đêm để hòa giải khi bà con có xung đột, xích mích dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, ông vẫn vui vẻ bảo rằng: “Mình là công dân thì mình làm tốt vai trò, trách nhiệm của một công dân đối với xã hội. Tôi chỉ biết làm việc hết sức, góp gió mới thành bão, nhiều người cùng cố gắng mới làm nên chuyện”.
 
Người tiên phong làm nhà kính trồng rau
 
Đứng trong khu nhà kính rộng 6 sào trồng cà chua đang đậu trái, ông Ya Tin tự hào bảo sau bao lâu học hỏi người Kinh, nay ông cũng đã có thể làm giống họ. Với số vốn 120 triệu đồng đầu tư làm nhà kính, thu nhập mang lại cao hơn so với cách trồng rau ngoài trời truyền thống qua mấy vụ vừa rồi khiến ông tin tưởng hơn vào hướng sản xuất mới của mình. 
 
Trong 3 năm qua, ông cũng đã chuyển từ nuôi bò vàng truyền thống sang bò lai Sind mang lại hiệu quả cao hơn với khoảng 15 con bò thịt và đàn dê thương phẩm hơn 40 con. Bên cạnh đó, ông tiên phong thực hiện cải tạo vườn tạp để trồng cà phê giống mới, trồng cỏ, trồng bắp nuôi bò. Tổng thu nhập trong gia đình hàng năm đạt trên 150 triệu đồng.
 
Trong ngôi nhà gỗ khang trang, ông Ya Tin kể rằng, những năm 1980 khi ông vừa mới lập gia đình, cuộc sống ở thôn Ma Đanh còn vất vả, thiếu thốn trăm bề. Bà con chỉ biết trồng lúa, trồng bắp chứ chưa biết trồng cà phê, rau màu. Lúa làm ra cũng phải vác mấy cây số để đi bán, điện nước chưa có, đường sá khó khăn. Bây giờ thì người dân đã biết trồng rau, nuôi bò, tiếp cận với công nghệ mới rồi áp dụng vào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao hơn. Bà con trong thôn không còn tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, thay vào đó là siêng năng, chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư để vươn lên làm giàu. Thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua, người dân thôn Ma Đanh đã đóng góp cùng Nhà nước làm 2 km đường bê tông trong thôn với tổng số vốn 1,4 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân trong thôn đóng được 468 triệu đồng, bình quân 2 triệu đồng/hộ.
 
Toàn thôn Ma Đanh hiện còn 16 hộ nghèo. Nhà cửa khang trang hơn, đời sống bà con cũng thay đổi nhiều hơn. Những thế hệ trẻ sau này nhờ biết chữ và tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin đại chúng nên trình độ nhận thức cao hơn, siêng năng học hỏi và mạnh dạn thay đổi cách làm kinh tế hơn trước.
 
Nhận xét về ông Ya Tin, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương - ông Nguyễn Văn Anh cho biết: “Sâu sát từng hộ gia đình trong thôn, Ya Tin không chỉ là người có tâm huyết, trách nhiệm và năng lực, mà còn góp phần lớn trong việc tuyên truyền, vận động, giúp xóm làng Ma Đanh được yên bình và phát triển, đổi thay từng ngày”.
 
VIỆT QUỲNH