Nữ trưởng thôn trong vùng sâu Ðạ Tẻh

08:05, 01/05/2019

Phụ cấp thấp, việc lớn việc nhỏ ở cơ sở đều đến tay trưởng thôn hằng ngày, lại là một trưởng thôn nữ, nhưng hằng chục năm nay bà vẫn làm tốt công việc này với sự tận tâm đáng khâm phục. 

Phụ cấp thấp, việc lớn việc nhỏ ở cơ sở đều đến tay trưởng thôn hằng ngày, lại là một trưởng thôn nữ, nhưng hằng chục năm nay bà vẫn làm tốt công việc này với sự tận tâm đáng khâm phục. 
 
Bà Bùi Thị Hằng trong vườn cao su của mình. Ảnh: V.Trọng
Bà Bùi Thị Hằng trong vườn cao su của mình. Ảnh: V.Trọng
 
Những công việc “không tên”
 
Đó là bà Bùi Thị Hằng, Thôn trưởng Thôn 6 thuộc xã Mỹ Đức vùng sâu, huyện Đạ Tẻh.
 
Tôi gặp bà khi đến thăm nhà một nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh trong thôn, bà lúc đó trên đường đi chợ về buổi sáng tranh thủ đến từng nhà mọi người để đưa giấy mời dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp do huyện tổ chức.
 
Sinh năm 1965, bà Hằng người quê Chương Mỹ, Hà Tây, cùng gia đình vào vùng “kinh tế mới” Đạ Tẻh lập nghiệp từ năm 1987. Khi đó cả vùng này vẫn còn là chốn hoang vu, sốt rét rừng hoành hành, gia đình bà cũng như bao nhiêu người đi kinh tế mới nơi đây đã trải qua không biết bao nhiêu gian khó để có được cuộc sống như hôm nay. 
 
Thôn 6 hiện có 124 gia đình, trên 530 người sinh sống và cùng Thôn 8 với buôn Con Ó đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên là 2 thôn nghèo của xã Mỹ Đức. Những năm gần đây cả 2 thôn, nhất là Thôn 6, đã không ngừng nỗ lực vươn lên bằng chuyển đổi cây trồng. Người dân nơi đây đã và đang thay thế dần các vườn điều, vườn cà phê ít giá trị quanh nhà sang trồng các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, sầu riêng... cho thu nhập cao hơn nhiều.  
 
Bà Hằng bắt đầu làm thôn trưởng từ tháng 3/2007, là người phụ nữ đầu tiên của xã Mỹ Đức đảm nhận vị trí vốn thường do nam giới đảm trách này. “Ngày đó mọi người cứ vận động mãi, tôi cũng đắn đo lắm vì phụ nữ bao công việc ở nhà ở vườn, bận rộn cả ngày. Nhưng cũng vì mình là đảng viên, được phân công phải nhận rồi làm mãi cho đến nay luôn” - bà cười. 
 
Cũng nói thêm rằng “lương” hay “phụ cấp” cho trưởng thôn từ thời điểm bà bắt đầu làm cho đến nay đã được tăng dần, nhưng dù có tăng cũng chẳng nhiều nhặn gì. Ngày mới làm bà Hằng nhận được mỗi tháng 360 nghìn đồng, đến nay thì được chừng 1,3 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ bằng người làm công nhật nơi đây làm 5-7 ngày là có. Nhưng với thôn trưởng như bà có biết bao công việc ở địa phương chờ mình mỗi ngày. Từ việc đi gửi giấy mời, lòng vòng thôn cũng mất cả buổi, rồi đi vận động dân tham gia các phong trào chung của xã, của huyện; bất cứ hoạt động gì của cấp trên triển khai xuống đây thôn trưởng cũng phải có mặt, nhiều việc phải đi tới đi lui nhiều lần mới được. “Toàn những công việc không tên tuổi” - bà cười. 
 
Chẳng hạn như việc vận động đóng góp làm đường giao thông trong thôn, bà bảo có những lúc phải 8 lần họp dân mới thống nhất được cách làm. Rồi chuyện vận động xây nhà vệ sinh, chuyện có người vứt rác bừa bãi ra chỗ công cộng, chuyện có người xả nước thải chăn nuôi ra đường làm bẩn đường… tất cả đều phải vận động từ từ, rất lâu, tới lui nhiều lần mới được. 
 
Thậm chí như bà kể vui, ở thôn có những cặp vợ chồng mâu thuẫn đánh nhau trong đêm, có lúc đến 2 giờ sáng cũng điện thoại cầu cứu bà đến nhờ giải quyết “Người ta cần thì đêm cũng phải đi chứ sao được” - bà nói.       
 
Những thay đổi 
 
Nhưng làm thôn trưởng bà cũng có niềm vui cho mình. Đó là việc thấy mình được đóng góp công sức vào sự phát triển chung để cuộc sống người dân trong thôn ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp hơn.
 
“Trước đây vùng này nổi tiếng với nghề rừng, nhiều người hằng ngày vào rừng khai thác lâm sản phụ. Chính quyền các cấp trong đó có đại diện thôn đã kiên trì vận động người dân từng bước, đến nay hầu hết đã bỏ hẳn nghề rừng” - bà cho biết.
 
Bước chuyển lớn nhất cho người dân trong thôn theo bà Hằng chính là thay đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị. Trước đây, cả vùng này chủ yếu trồng điều, điều thì năm được năm mất, giá cả thu nhập cũng chẳng ra sao; người dân trong thôn xoay sang trồng cà phê, nhưng có lẽ thổ nhưỡng của vùng này không hợp hay sao mà cà phê dù chăm sóc tốt nhưng năng suất cũng rất thấp. Trong vòng chục năm trở lại đây, dân trong thôn bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, bưởi da xanh. Đã có rất nhiều hộ dân trong thôn ăn nên làm ra nhờ vườn cây ăn quả này, điển hình như ông Phạm Văn Xã, nông dân tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018 với thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm; như ông Nguyễn Xuân Kim thu nhập trên 500 triệu đồng/năm...
 
Cùng với vườn cây ăn trái, người dân trong thôn cũng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập rất tốt nhờ giá kén ổn định trong những năm gần đây; trong thôn hiện đã có 48 hộ trồng dâu nuôi tằm.
 
Theo bà Hằng, nhiều giải pháp giảm nghèo đã được triển khai khá hiệu quả trong thôn lâu nay, việc xét cho vay vốn tín dụng phát triển sản xuất cho dân cũng khá đơn giản, nhiều gia đình nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ sửa chữa nhà. “Khi tôi bắt đầu làm trưởng thôn năm 2007, thôn có 48 hộ nghèo, đến cuối năm 2018 thôn chỉ còn lại 7 hộ nghèo thôi, hầu hết số hộ nghèo còn lại này là neo đơn, bệnh tật” - bà cho biết.
 
 Thôn 6 hiện nay không chỉ đường sá được bê tông hóa hầu hết, nhà cửa người dân cũng được sửa chữa xây mới khang trang rất nhiều. Theo bà Hằng, người dân trong thôn đến nay đã đóng góp trên 100 triệu đồng để bê tông hóa các con đường thôn, xe cộ nay đã đến tận nhà, tận vườn thu mua cây trái rất thuận tiện. Thôn cũng đã lắp thùng rác để thu gom rác thải, nên khá sạch sẽ.
 
Với bà Hằng, không chỉ làm tốt nhiệm vụ được giao cho một người thôn trưởng mà bà còn là một nông dân sản xuất giỏi của thôn với hơn 2 ha cao su canh tác, quanh vườn nhà bà có cây ăn trái, có ao thả cá. Chồng bà mất đã lâu vì bệnh, bà một mình chăm sóc, dựng vợ gả chồng cho con một cách chu toàn. Khi tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của bà gần chân đập hồ Đạ Tẻh mới phát hiện ra rằng bà có rất nhiều giấy khen của xã và huyện, treo đầy một vách tường, hầu như năm nào cũng có. Không chỉ được xã tuyên dương, gần đây bà còn được Đạ Tẻh biểu dương là tấm gương điển hình 5 năm cấp huyện.
 
VIẾT TRỌNG