
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thúc giục hàng triệu thanh niên Việt Nam đi vào cuộc chiến, gác những riêng tư, quên đi hạnh phúc đời mình. Nhiều người ra đi không bao giờ trở về, người ở lại khắc khoải hoài niệm... 44 năm chiến tranh đã lùi xa, nhưng có những tình yêu đẹp đã trở thành bất tử.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thúc giục hàng triệu thanh niên Việt Nam đi vào cuộc chiến, gác những riêng tư, quên đi hạnh phúc đời mình. Nhiều người ra đi không bao giờ trở về, người ở lại khắc khoải hoài niệm... 44 năm chiến tranh đã lùi xa, nhưng có những tình yêu đẹp đã trở thành bất tử.
 |
Bà Cao Thị Quế Hương lật những trang hồi ký ghi lại năm tháng đẹp đẽ của đời mình là cống hiến trọn tuổi xuân cho quê hương đất nước. Ảnh: Q.Uyển |
Xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước, tuổi thơ cô Cao Thị Quế Hương (sinh 1941) hết theo mẹ về quê ngoại ở Huế, lại theo cha về quê nội ở Phù Cát - Bình Định. Tuổi lên 10, cô được học văn với thầy Triêm, được thầy dạy cho học trò nhiều bài thơ yêu nước. Bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Xô Viết K.Simonov (Tố Hữu dịch) cô yêu thích và thuộc lòng từ thời thơ bé
“Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/Mưa có rơi rầm rề/ Ngày có dài lê thê/ Thì em ơi cứ đợi...” không ngờ trở thành câu chuyện “đợi” của chính đời mình.
“Ðợi” người không trở về
Trong ngôi nhà ở đầu con dốc Nhà Bò (Đào Duy Từ - Phường 4 - Đà Lạt), cô Quế Hương sống lẻ bóng, bên cạnh các cháu là con của em trai, em gái mình. Trên bàn thờ gia tiên, cạnh cha mẹ, cô còn dành một góc trang trọng cho người đồng chí đồng đội, người chồng chưa kịp cưới, người mà cô “chờ đợi” biết rằng sẽ không bao giờ trở về.
... Sau 1954, cả gia đình cô chuyển từ Bình Định lên Đà Lạt sinh sống, cô tiếp tục được học hành giữa thành phố yên bình. Học xong lớp Trung học đệ nhất (THCS ngày nay), cô lại được cha mẹ cho ra Huế học Trung học đệ nhị (THPT bây giờ) ban văn chương ở Trường Đồng Khánh. Học hết phổ thông, cô thi vào Trường Đại học Sư phạm Triết - Viện Đại học Đà Lạt. Cuối năm 1963, trường bị chính quyền rút về Sài Gòn, cô đi theo trường tiếp tục việc học.
Hoàn cảnh đất nước không cho phép cô yên tâm sống cuộc sống của người con gái bình thường. Chiến tranh khốc liệt, bom đạn giày xéo quê hương hàng ngày, hàng đêm đã đánh thức lương tâm của mọi người Việt Nam, khiến cho không ai có thể đứng ngoài cuộc, lớp lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đã lao vào cuộc chiến đấu cùng toàn dân đòi hòa bình, chống Mỹ. Môi trường rộng lớn ở Đại học Sài Gòn những năm 60 - 70/XX đã cuốn cô vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra, chống chế độ độc tài, đòi tự trị đại học, đòi bảo vệ văn hóa dân tộc, đòi quyền sống... Trong cuộc đấu tranh đó, cô đã gặp người anh, người đồng chí Nguyễn Ngọc Phương (bí danh Ba Triết - sinh 1937) - người lãnh đạo kiên trung của phong trào học sinh, sinh viên miền Nam lúc bấy giờ. Tình yêu đôi lứa dần nảy nở giữa những người trẻ tuổi cùng chung lý tưởng.
Tình yêu nhỏ hòa trong tình yêu lớn
Tốt nghiệp đại học (1967) cô về dạy học ở Trường Nữ trung học Đoàn Thị Điểm - Cần Thơ. Sau Tết Mậu Thân tháng 2/1968, cô bỏ dạy, thoát ly hoạt động cách mạng. Đến tháng 3/1970, cô bị chính quyền miền Nam bắt bỏ tù cùng nhiều bạn bè đồng chí trong đó có anh Nguyễn Ngọc Phương (bí danh Ba Triết) là người lãnh đạo phong trào và cũng là chồng sắp cưới của cô. Dù chịu hết các ngón đòn thù tra tấn, họ cùng nhau cắn răng chịu đựng để không bị lộ tổ chức của học sinh, sinh viên bên ngoài, ảnh hưởng đến phong trào.
Cuộc đấu tranh biểu tình sục sôi khắp Sài Gòn đòi thả học sinh, sinh viên yêu nước, cô cùng 10 đồng chí khác được thả, còn anh Nguyễn Ngọc Phương và nhiều đồng đội vẫn bị giam cầm. Những ngày ở ngoài, cô trú ngụ ở các ngôi chùa, tịnh xá, vừa đi dạy, vừa thăm nuôi anh Phương. Sống trong chế độ lao tù vô nhân đạo, bị tra tấn đánh đập dã man, những người tù sinh viên, trí thức ở nhà tù Chí Hòa đã đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc khắp miền Nam bằng cách tuyệt thực phản đối. Anh Nguyễn Ngọc Phương đã tham gia vào cuộc đấu tranh đó, sau 14 ngày không ăn, không uống, anh đã hôn mê sâu, được đưa đến bệnh viện và hy sinh trên tay đồng đội vào 9 giờ sáng ngày 5/1/1973, sau hơn 3 năm bị cầm tù lần thứ 3.
Gia đình anh đưa về làm đám tang tại nhà ở Số 48, Cao Bá Nhạ, quận Nhì, Sài Gòn. Cái chết và đám tang của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương gây xúc động mạnh trong dư luận lúc bấy giờ, một lần nữa lại tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh không khoan nhượng của học sinh, sinh viên. Sự hy sinh quả cảm của người tri kỷ, người đồng chí như thôi thúc người con gái nhỏ bé đứng dậy, biến đau thương thành hành động. Chỉ sau đó 12 ngày, đến ngày 17/1/1973, cô Quế Hương bị bắt lại và bị ở tù đến ngày 20/4/1975 thì tìm cách trốn thoát khỏi Trại giam Đức Tu - Biên Hòa.
Đất nước hòa bình, thống nhất, cô trở về Sài Gòn tìm lại đơn vị cũ, tham gia công cuộc tái thiết đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Gia đình chú Phương cũng qua lại nhận dâu con. Năm 1978, chuyển công tác về Đà Lạt để chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, cô hăng say với công tác phong trào, là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, rồi Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu (1996), tiếp tục làm cán bộ cơ sở Phường 4, là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Đà Lạt (2014 - 2019).
Tuổi xuân qua đi, hạnh phúc khép lại, tình yêu khắc cốt ghi tâm không thể phai nhòa. Không đơn thuần là tình yêu nam nữ, đó còn là tình đồng chí, tình yêu lý tưởng lồng vào tình yêu nước. Chiến tranh không cho cô và chú có cơ hội làm một đám cưới trọn vẹn, chưa được chung sống dưới một mái nhà, chỉ là lời nguyện ước, nhưng trong lòng họ đã coi nhau là duy nhất. Giấu nỗi đau vào trong, cô lặng lẽ, sống khiêm nhường, ở cương vị công tác nào, cô cũng cống hiến hết mình. 46 năm liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương hy sinh thì con tim vẫn chỉ rung lên một lần trong những năm tháng tuổi trẻ, rồi cứ nhớ, cứ đau mãi không thôi, cô một lòng thờ chồng, vẹn nghĩa. Đôi ba năm, cô lại về Sài Gòn một lần để tổ chức lễ giỗ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương, đây cũng là dịp đồng chí, đồng đội trong phong trào trí thức yêu nước gặp nhau sẻ chia vui buồn...
Người ta vẫn thấy mình nhỏ bé trước những điều lớn lao. Quên đi tất cả những thứ thuộc về mình, cống hiến trọn thanh xuân cho quê hương đất nước, trước cô Cao Thị Quế Hương khiến lòng người rưng rưng và thấy mình nhỏ bé.
QUỲNH UYỂN