Ðộc đáo mô hình 442

08:04, 02/04/2019

Ðội Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) tự quản thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương là mô hình PCCC-CNCH "độc nhất vô nhị" của tỉnh Lâm Ðồng. "Ðộc nhất" không chỉ ở quy mô tổ chức; đầu tư phương tiện và thiết bị; số lượng thành viên mà "độc nhất" còn ở chỗ mô hình hoạt động theo hình thức "4 tự, 4 tại, hai không", gọi tắt là mô hình 442. 

Ðội Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) tự quản thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương là mô hình PCCC-CNCH “độc nhất vô nhị” của tỉnh Lâm Ðồng. “Ðộc nhất” không chỉ ở quy mô tổ chức; đầu tư phương tiện và thiết bị; số lượng thành viên mà “độc nhất” còn ở chỗ mô hình hoạt động theo hình thức “4 tự, 4 tại, hai không”, gọi tắt là mô hình 442. 
 
Đội trưởng Đặng Ngọc Hiệp với bộ quần áo chống nhiệt
Đội trưởng Đặng Ngọc Hiệp với bộ quần áo chống nhiệt
 
Ý tưởng bắt đầu từ tinh thần nghĩa hiệp 
 
“Cha đẻ” của ý tưởng độc đáo này là anh Đặng Ngọc Hiệp, người sở hữu 3 cửa hàng ở thị trấn Lạc Dương giải thích: “Bốn tự” là: tự nguyện, tự xây dựng, tự đầu tư và tự quản lý; “bốn tại” là: chỉ huy tại chỗ; con người tại chỗ; phương tiện tại chỗ; học tập tại chỗ; còn “hai không” là: không sợ hiểm nguy, không đòi thù thao. Anh Hiệp cho biết, ý tưởng mô hình này có được sau khi anh nhìn thấy trên truyền hình nhiều địa phương trong cả nước cũng như trong tỉnh xảy ra những vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Anh lo sợ về sự an nguy tính mạng, tài sản của gia đình và những người chung quanh trước tình trạng “giặc lửa” hoành hành. Anh nghĩ: Hỏa hoạn là tai họa khủng khiếp, chỉ một chút bất cẩn thì mọi thứ đều trở thành tro bụi. Với đặc thù của một thị trấn huyện, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 15 km, quãng đường không dài nhưng nếu có hỏa hoạn xảy ra, thì lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp nhanh nhất cũng phải mất 10 phút mới đến được hiện trường và cũng mất chừng đó thời gian để triển khai đội hình. Anh Hiệp cho rằng: Nếu có đội PCCC tự quản tại chỗ thì sẽ phát hiện “giặc lửa” khi nó vừa phát hỏa và lực lượng cứu hỏa tại chỗ sẽ kịp thời dập tắt hoặc chí ít cũng sẽ ngăn không cho ngọn lửa bùng phát trước khi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường. 
 
Với bản chất của người lính Cụ Hồ, hội viên hội cựu chiến binh, nói là làm, anh Hiệp liền đem ý tưởng này tâm sự với 6 người bạn thân tín; đồng thời bày tỏ nguyện vọng của mình cùng các tổ chức đoàn thể; trao đổi với những người tự nguyện hoạt động công tác xã hội và các thành viên câu lạc bộ ô tô, mô tô địa hình Langbian, nơi anh Hiệp là hội viên. Ý tưởng của anh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, từ đó anh cùng những người anh em bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Đội PCCC - CNCH tự quản thị trấn Lạc Dương với mô hình 4 tự, 4 tại và 2 không.
 
Gian nan vận động
 
Tưởng mọi việc sẽ thuận lợi vì chống “giặc lửa” giữ an toàn tài sản, tính mạng cho mọi người là nghĩa cử nhân văn, nhưng khi bắt đầu triển khai thì điều đầu tiên và cốt lõi nhất là vận động người tham gia lại gặp nhiều trở ngại. Anh Hiệp kể: Đó là những ngày thật khó khăn. Ở thị trấn Lạc Dương, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của đồng bào về hỏa hoạn còn giới hạn và họ bị chi phối bởi yếu tố tâm linh “thần lửa”. Vì vậy, khi tôi tới vận động thì bà con lắc đầu nói “Ơ, không được đâu, không tham gia đâu vì thần lửa nóng lắm, nó bắt chết người, không chữa được đâu, mình không muốn cho con cháu mình chết đâu”. Vì vậy, lúc đầu chúng tôi vận động được hơn 60 người tham gia, trong đó khoảng 45 người là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng sau đó họ thấy nguy hiểm, sợ thần lửa bắt chết. Đã vậy, nhiều hộ khi biết không có thù lao thì họ rút dần, rút dần không cho con em mình tham gia nữa”. Anh Đặng Ngọc Hiệp và những người bạn đồng hành không nản lòng, kiên trì vận động với sự trợ giúp nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể. Cùng thời gian đó, năm 2017, hỏa hoạn liên tiếp xảy ra nhiều nơi trong nước và ngoài nước, ngay trong tỉnh và huyện Lạc Dương cũng xảy ra một số vụ cháy khá nghiêm trọng. Sự hoành hành của “giặc lửa” cùng những thiệt hại thảm khốc được báo chí loan tin, phần nào đã làm cho bà con “biết sợ” và nhận thức rằng thành lập đội PCCC-CNCH tự quản là cần thiết. Thuận lợi nữa, lúc này, chính quyền thị trấn Lạc Dương cũng xác định thành lập đội PCCC-CNCH tự quản là một nhu cầu thiết yếu, đáp ứng yêu cầu 4 tại chỗ, khắc phục được hạn chế bấy lâu nay là: “Nước xa không cứu được lửa gần”.  
 
Đầu năm 2017, nghĩa là sau 6 năm trăn trở, anh Đặng Ngọc Hiệp cùng những người có chung ý nguyện, chính thức ra mắt Đội PCCC-CNCH tự quản thị trấn Lạc Dương với 44 đội viên, trong đó 2/3 là người đồng bào dân tộc thiểu số, có cả già làng, trưởng bản, những người có uy tín; một số thành viên ở các đoàn thể, y tế, công an, cựu chiến binh; các đội viên câu lạc bộ ô tô, mô tô địa hình Langbiang. Ngày 8/8/2018, UBND thị trấn Lạc Dương đã ra quyết định công nhận “Đội phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ tự quản thị trấn Lạc Dương”, do anh Đặng Ngọc Hiệp làm đội trưởng cùng 5 đội phó.
 
Để ngày ra mắt đội được hoàn hảo, trước đó anh Hiệp cùng những người “sáng lập” đã phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC, trang bị kiến thức và kỹ năng chữa cháy cho các đội viên. Đặc biệt, đội đã tự đầu tư một số phương tiện, thiết bị đảm bảo hoạt động, gồm một xe địa hình của cá nhân anh; cải tạo nâng cấp xe Uoat của gia đình thành xe chuyên dụng PCCC; một máy chiếu phục vụ công tác tuyên truyền; 4 bình chữa cháy loại 35 kg; 5 mặt nạ phòng chống hơi độc; 4 áo giáp chống va đập, cản mảnh vỡ; mũ sắt chống chấn động; giày chống vật nhọn; máy phát điện; 1 thiết bị bay điều khiển từ xa có gắn camera để xác định quy mô vụ cháy từ trên cao và phục vụ cứu nạn, cứu hộ; một số trang thiết bị khác như: quần áo chống cháy, hệ thống loa, còi; đèn chiếu sáng, vòi phun nước; phao cứu sinh, tời, rìu, búa, kiềm cộng lực, máy bộ đàm…Tổng giá trị đầu tư ban đầu không dưới 1 tỷ 520 triệu đồng. Toàn bộ khoản chi phí trên đều do đội viên “lấy tiền nhà để vác tù và hàng tổng”, trong đó riêng anh Hiệp đóng góp khoảng 1tỷ200 triệu đồng bao gồm 2 xe ô tô của gia đình. Ngoài ra, trong đội còn có 7 ô tô của đội viên sẵn sàng tham gia phục vụ khi cần thiết.
 
Dù chỉ mới thành lập hơn một năm nay, nhưng Đội PCCC-CNCH tự quản thị trấn Lạc Dương đã tổ chức khá nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng cháy; cử các thành viên trong đội đến từng gia đình để phổ biến cách phòng tránh cháy nổ tại gia và nơi công cộng; phổ biến rộng rãi số điện thoại khẩn cấp đến người dân, phòng khi xảy ra cháy nổ thì gọi ngay để đội đến kịp thời. Bên cạnh công tác PCCC, đội còn thực hiện cứu nạn, cứu hộ. Bất kể lúc nào, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa khi có tin báo là đội tức tốc lên đường. Toàn bộ việc làm của đội, không đòi hỏi phải trả thù lao bằng tiền hay bất cứ một thứ vật chất nào.  
 
Hiệu quả nhìn thấy được
 
Tính từ khi thành lập đến nay, Đội PCCC-CNCH tự quản thị trấn Lạc Dương đã chủ động phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh kịp thời chữa cháy hơn 10 vụ, điển hình là vụ chữa cháy đường dây tải điện tại tổ dân phố B’Nơ B; chữa cháy thành công vụ cháy đường dây tải điện, dây internet, cáp quang tại tổ dân phố Đồng Tâm; kịp thời khống chế thành công vụ cháy nhà dân tại tổ dân phố B’Nơ A, không để ngọn lửa cháy lan các nhà lân cận; đội cũng đã thực hiện thành công 8 cuộc cứu nạn, cứu hộ…
 
Thấy được hiệu quả hoạt động của đội, UBND và Công an huyện Lạc Dương đã hỗ trợ thêm cho đội một máy bơm cao áp, 30 cuộn dây chữa cháy loại 20 mét, phi 50; 26 bình bọt và khí các loại; các thiết bị vận hành trụ cứu hỏa, vòi phun, thang dây, thang xếp, phao cứu sinh. Hiện nay, anh Hiệp cùng các đội viên trong đội đang tiếp tục nghiên cứu tự đầu tư thêm một số thiết bị chuyên ngành nhằm đảm bảo cao nhất sự an toàn tính mạng của các đội viên cũng như “nâng tầm” linh hoạt và sự chủ động trong công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
 
Từ mô hình hiệu quả này, có thể thấy với tinh thần thiện nguyện, lòng nhân ái, nhiệt tâm có ở nhiều nơi, còn quy mô “tự đầu tư” cũng không phải vấn đề quá khó nếu chính quyền địa phương thực sự quan tâm biết “đánh thức” lòng nghĩa hiệp. Thế nên, việc xã hội hóa công tác PCCC-CNCH như mô hình 442 thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương hoàn toàn có thể nhân rộng và rất cần được nhân rộng bởi tính nhân văn, thiết thực, hiệu quả của nó, nhất là khi mà lắm người còn thờ ơ với “giặc lửa”…
 
VĂN TÒA