Về đất anh hùng Lộc Lâm

10:04, 30/04/2019

Hơn 40 năm thành lập xã, vùng đất anh hùng Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) đã thực sự thay da đổi thịt. Sự đổi thay đó có công lao to lớn của lớp người đi trước và có cả sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ hôm nay. 

Hơn 40 năm thành lập xã, vùng đất anh hùng Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) đã thực sự thay da đổi thịt. Sự đổi thay đó có công lao to lớn của lớp người đi trước và có cả sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ hôm nay. 
 
Nhà bia ghi công các Anh hùng liệt sỹ xã Lộc Lâm. Ảnh: Đ.A
Nhà bia ghi công các Anh hùng liệt sỹ xã Lộc Lâm. Ảnh: Đ.A
 
Căn cứ địa Bắc đường 20
 
Theo lịch sử Đảng bộ xã Lộc Lâm, Lộc Lâm từng là xã thuộc tổng Tân Rai, quận B’Lao, tỉnh Đồng Nai Thượng trước đây. Sau khi tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng, gồm 2 quận B’Lao, Di Linh (sau đó đổi tên thành Bảo Lộc) thì xã Lộc Lâm thuộc quận Bảo Lộc từ năm 1959 đến năm 1975. Tháng 12/1962, xã Lộc Lâm được lấy phiên hiệu là Xã 4 (gồm thêm một phần của Xã 6). Từ năm 1962 đến năm 1975, xã Lộc Lâm là một trong các xã căn cứ địa cách mạng Bắc đường 20, trực thuộc K1.
 
Năm 1977, Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định cắt 5 buôn của Xã 6 nhập vào Xã 4, lấy tên là xã Lộc Lâm (thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Năm 1994, huyện Bảo Lộc tách thành hai đơn vị hành chính: Thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; đồng thời, chia tách xã Lộc Lâm và Lộc Phú thuộc huyện Bảo Lâm. Xã Lộc Lâm có 3 thôn với 12 buôn. 
 
Trước khi thực dân Pháp xâm lược, Lộc Lâm là miền đất yên bình, hoang sơ nằm giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên, bên cạnh dòng Đạ Đờng. Người Mạ Lộc Lâm chất phác, cần cù, rất khéo tay dệt thổ cẩm, đan lát và rèn công cụ, chế tạo vũ khí phục vụ sản xuất, bảo vệ buôn làng. Để đáp ứng yêu cầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân, người Mạ Lộc Lâm đã chung lòng, góp sức để phục vụ cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Lộc Lâm là vùng đất có phong trào du kích, phong trào kháng chiến phát triển mạnh, đóng góp nhiều sức người, sức của để xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc và góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương. Người Mạ Lộc Lâm luôn luôn một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ.
 
Để ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, quân và dân xã Lộc Lâm trong kháng chiến, ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 18/3/1992, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Lộc Lâm. Xã Lộc Lâm là một trong các xã đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng nhận được hai phần thưởng cao quý này.
 
Một góc xã Lộc Lâm ngày nay. Ảnh: Đ.A
Một góc xã Lộc Lâm ngày nay. Ảnh: Đ.A
 
Thay da đổi thịt từng ngày 
 
Xã Lộc Lâm nằm về phía Đông Bắc huyện Bảo Lâm là một xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, xã Lộc Lâm vẫn là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng của huyện Bảo Lâm, của tỉnh và Quân khu 7. Đến nay, toàn xã có 650 hộ với hơn 2.400 khẩu, phần đa là đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm gần 80%. Cộng đồng dân cư mới của xã Lộc Lâm tuy đa dạng về tôn giáo nhưng bà con đã nhanh chóng hòa nhập, đoàn kết, cộng đồng chia sẻ ngọt bùi lẫn khó khăn.
 
Từ sau ngày giải phóng đến năm 1997, toàn xã lúc này không có một căn nhà xây, không một xe máy, đường sá chỉ toàn đường đất, trường học còn tạm bợ, lợp bằng tranh tre, nứa lá và không có cơ sở khám chữa bệnh. Đời sống nhân dân trong xã còn gặp rất nhiều khó khăn, do nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Một bộ phận người dân còn du canh, du cư, phá rừng làm rẫy. Nhiệm vụ của xã lúc này là “lãnh đạo tăng gia, sản xuất ổn định đời sống nhân dân”. Trong điều kiện vừa xây dựng cơ sở làm việc, vừa chăm lo củng cố xây dựng chính quyền ở xã, củng cố đội ngũ cán bộ thôn, vừa phải tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế, vừa phải giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ quốc phòng.  
 
Trên cơ sở vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa” của Chính phủ, cán bộ, quân và dân xã Lộc Lâm đã từng bước vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục. Nhờ đó, đời sống nhân dân ổn định và từng bước phát triển hơn giai đoạn trước, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Sau khi Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2000 - 2005, Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Lâm đã thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách của cấp trên nên đã có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt, sản xuất nông - lâm nghiệp đã từng bước chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất. Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, tổng mức đầu tư từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước là hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, điện lưới đến từng nhà, đường giao thông được thảm nhựa và bê tông hóa nối liền các thôn với nhau, giao thông thôn buôn, đường vào các khu sản xuất đều được thông suốt. Hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở được xây dựng khang trang. Trạm y tế của xã đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Các thôn đều có hội trường được xây dựng kiên cố.
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp đời sống người dân xã Lộc Lâm ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đ.A
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp đời sống người dân xã Lộc Lâm ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đ.A
 
Nếu nhìn lại chặng đường 15 năm về trước, xã Lộc Lâm vẫn là một địa bàn heo hút, đất rộng người thưa, núi rừng hoang vu, cái đói, cái nghèo và bệnh tật luôn rình rập ở mỗi gia đình thì nay xã đã vươn mình thay đổi. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khoa học kỹ thuật và điện khí hóa nông thôn đã phần nào thay thế sức lực của người nông dân trên nhiều công việc. Các dịch vụ sinh hoạt hiện đại đã dần đi vào đời sống của người dân, xóa dần những nét sinh hoạt lạc hậu, phi khoa học. Nhiều con em Lộc Lâm đã học đến nơi đến chốn, có người đã trưởng thành ở các chức vụ lãnh đạo, có người thành đạt trên lĩnh vực kinh doanh, có nhiều người là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngay trên mảnh đất quê hương mình. Hiện nay, xã không còn nhà tạm, gia đình chính sách đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của xã, gia đình văn hóa đạt trên 90%, 3/3 thôn đạt thôn văn hóa. Hệ thống chính trị trong nhiều năm liền được cấp trên đánh giá vững mạnh. Chặng đường lịch sử hơn 40 năm qua của xã Lộc Lâm có sự chung sức chung lòng của tập thể cán bộ và Nhân dân nhằm xây dựng, vun đắp và viết tiếp trang sử Anh hùng Lực lượng vũ trang của quân và dân Lộc Lâm.
 
ÐÔNG ANH