
Thầy giáo Phạm Văn Thức (sinh năm 1983) đang công tác tại Trường THCS Võ Nguyên Giáp - huyện Ðam Rông vừa được Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tôn vinh điển hình tiêu biểu trong phong trào HMTN.
Thầy giáo Phạm Văn Thức (sinh năm 1983) đang công tác tại Trường THCS Võ Nguyên Giáp - huyện Ðam Rông vừa được Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tôn vinh điển hình tiêu biểu trong phong trào HMTN.
 |
Thầy giáo Phạm Văn Thức (bìa trái) đang hiến máu tình nguyện lần thứ 26. Ảnh: A.Nhiên |
Đây là lần thứ 26 thầy Thức tham gia HMTN và anh cho biết: “Sức khỏe của tôi vẫn bình thường, không ảnh hưởng gì sau khi cho máu nhiều lần. Với suy nghĩ “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với phong trào HMTN”.
Thầy Thức hiện là giáo viên dạy môn Vật lý. Ngay từ thời sinh viên ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, anh Thức đã tham gia HMTN 11 lần và kể từ khi về công tác tại huyện Đam Rông đến nay, anh tiếp tục tham gia HMTN 15 lần nữa. Anh đã vận động được 15 người là đồng nghiệp và người thân cùng tham gia tình nguyện hiến máu cứu người.
Gắn bó với phong trào HMTN khi còn là sinh viên và với tinh thần vì cộng đồng, anh Thức chia sẻ: “Lúc đầu hiến máu về mặt tinh thần mình cảm thấy hơi lo, song khi đã tham gia được 1 - 2 lần thì tôi thấy rằng việc hiến máu cũng bình thường, hiến xong thì mình vẫn khỏe mạnh. Tôi suy nghĩ rằng một giọt máu của mình có thể giúp ích được cho người khác đó là điều tốt nên làm”.
Thầy Thức được chọn báo cáo tham luận và điển hình tiêu biểu được tôn vinh tại Ngày hội Hiến máu tình nguyện do tỉnh tổ chức tại huyện Ðam Rông trong tháng 4 này nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Phát biểu truyền cảm hứng cho những người tham gia HMTN tại Ngày hội HMTN, anh Thức nhấn mạnh: “Đã là con người thì ai cũng như ai, đều rất quý trọng những giọt máu của mình. Chúng ta vẫn có thể sống trong hoàn cảnh thiếu đồ ăn, thức uống nhưng chúng ta sẽ không thể sống nếu thiếu máu trong một giây, một phút. Đối với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những người cần tiếp máu cũng vậy, họ rất cần những giọt máu quý giá ấy. Khi bạn hiến máu cũng có nghĩa là bạn đem lại cho những người cần máu một hy vọng, một cơ hội để sống”.
Khi về công tác trong vùng sâu này, gắn bó với phong trào HMTN của địa phương, thầy giáo Thức nhận thấy các bạn thanh niên đồng bào DTTS vẫn còn đang rất ngại HMTN. “Tôi tìm hiểu thì được biết quan điểm của các bạn trẻ dân tộc thiểu số là cuộc sống các bạn đang còn gặp nhiều khó khăn cho nên các bạn sẽ không có nhiều máu để cho. Do nhận thức của các bạn về HMTN như thế nên việc vận động các bạn đi hiến máu tương đối khó, đòi hỏi phải cần thêm một thời gian nữa thì mới có thể vận động các bạn tham gia đông hơn” - thầy Thức nhận định.
Trải qua 17 năm HMNĐ, thầy giáo Thức chia sẻ: “Một số bạn cho rằng hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng ngược lại, vì cơ thể chúng ta có khả năng tái tạo máu mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, như tôi và nhiều người khác đã nhiều lần tham gia HMTN, sức khỏe của chúng tôi vẫn tốt và làm việc bình thường. Hiến máu còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe của mỗi người như: tăng tạo máu mới, hiến máu nhiều lần giúp giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các cơn đột quỵ tim mạch, giảm nguy cơ mắc ung thư... Đồng thời, HMTN cũng là cách để mỗi người kiểm tra, giám sát sức khỏe của mình”.
Mong ước của thầy giáo Thức là: “Mọi người, nhất là các bạn trẻ, dù sinh sống ở nơi đâu, vùng kinh tế phát triển hay vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nếu các bạn có đủ điều kiện về sức khỏe hãy đăng ký HMTN và vận động mọi người cùng tham gia chia sẻ những giọt máu của mình vì sự sống của những bệnh nhân mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một sợi chỉ mong manh”.
AN NHIÊN