
Giữa cánh đồng lúa xanh ngắt của xã An Nhơn, Ðạ Tẻh là một phân xưởng gia công hàng thủ công với một người phụ nữ Nùng điều hành hơn 10 năm nay, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người trong làng lúc nông nhàn.
Giữa cánh đồng lúa xanh ngắt của xã An Nhơn, Ðạ Tẻh là một phân xưởng gia công hàng thủ công với một người phụ nữ Nùng điều hành hơn 10 năm nay, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người trong làng lúc nông nhàn.
![]() |
Chị Chu Thị Hường (áo vàng, bên phải) trong cơ sở sản xuất tại nhà mình ở Thôn 5B - An Nhơn, Đạ Tẻh |
Phân xưởng giữa đồng lúa
Trong buổi sáng khi chúng tôi đến “phân xưởng” giữa cánh đồng lúa Thôn 5B - An Nhơn này, chị Chu Thị Hường cùng gần chục người đang làm việc.
Năm nay 40 tuổi, khuôn mặt tươi vui, nụ cười phúc hậu, chị Chu Thị Hường cho biết chị cùng gia đình vào lập nghiệp trên quê mới Đạ Tẻh từ nhỏ. Trong căn nhà xây đơn sơ nhưng khá vững chãi của mình (do chồng của chị, anh Long Văn Thuận, 42 tuổi, người Nùng, là thợ xây, cùng các thợ trong làng cùng tự xây nhà), chị Hường đã lập nên phân xưởng này gần 13 năm nay.
Gọi là “phân xưởng” cho vui, nhưng thực chất đây là một cơ sở gia công, khá rộng rãi với mái hiên nhà mở rộng ra phía trước, trên lợp tôn, chung quanh chất đầy các khung sắt làm ghế ngồi là hàng gia công chờ đan các dây nhựa vào. Phía bên hông nhà chị là một kho nhỏ, chị đưa chúng tôi vào xem và cho biết các sản phẩm đã hoàn tất chờ mang đi. Làm việc ở đây có gần chục người, có các cô gái trẻ nhưng cũng có cả người lớn tuổi, hầu hết là người Tày, Nùng trong cộng đồng dân tộc thiểu số quanh nơi đây.
“Trước đây làm bèo, làm được 3 - 4 năm thì chuyển sang đan ghế dây nhựa như hiện nay” - chị Hường cho biết. Làm bèo có nghĩa là đan thủ công các dây bèo phơi khô gắn vào các khung sắt nhỏ định sẵn thành các vật dụng gia đình. Hàng bèo này, theo chị Hường nhiều năm nay có vẻ không chuộng, nên công ty chuyển sang hàng đan dây nhựa bàn ghế, cũng là đan thủ công. “Cũng có lúc có hàng khó nhưng cũng có lúc hàng dễ làm, công ty yêu cầu hàng gì thì mình làm nấy thôi” - chị Hường nói.
Toàn bộ nguyên liệu ở đây, theo chị Hường, được Công ty Thanh Trúc tại Mađaguôi - Đạ Huoai, nơi chị nhận hàng gia công, hợp đồng sản xuất với chị, chuyển vào; đó là các khung sắt được cắt uốn thành khung ghế, bàn; dây nhựa đóng thành bó; ngay cả máy hơi cùng súng bắn đinh cũng được công ty trang bị. Hằng ngày, chị cùng những người làm việc tại đây bắn đinh gắn dây nhựa vào khung sắt của ghế, các khung ghế bắn sẵn dây này sau đó được giao lại cho nhiều gia đình ở đây về đan thủ công ở nhà, khi nào hoàn thành sản phẩm lại mang đến nhà chị giao lại rồi nhận thêm hàng mới.
Chính vì vậy, người làm cho cơ sở gia công này như chị Hường cho biết không chỉ là chục người làm hằng ngày nơi đây mà có đến vài chục người làm rải rác trong thôn, ở đủ độ tuổi. Ai làm cũng được, trẻ em, người già, chỉ cần khéo tay và tinh ý một chút là được, muốn học thì đến nhà chị dạy cho cách làm, làm thuần thục ở đây một thời gian cho quen việc rồi nhận hàng về nhà làm. Ở nhà làm thì thuận tiện hơn rất nhiều, có thể vừa làm việc nhà vừa đan thêm khi rảnh, có thể thăm đồng bón phân ruộng khi cần thiết, chiều về nhà làm ban tối cũng được. Nhưng nếu ở nhà không thích, chị bảo có thể đến cơ sở nhà chị làm cho vui, cho có không khí, việc ai nấy làm, đan lỡ mối thì tháo ra đan lại, chị có trách nhiệm kiểm tra kỹ lại từng mối đan và độ hoàn thiện của sản phẩm trước khi giao lại cho công ty.
“Thì ngày trước mình cũng như mọi người nơi đây mà, nhà tranh vách ván, cả ngày quanh quẩn với ruộng vườn, làm mãi mà vẫn nghèo, may mắn học được nghề, có được công việc thì cũng nên chỉ lại cho mọi người trong thôn cùng làm để có thêm thu nhập” - chị Hường suy nghĩ.
Thu nhập từ nghề làm thêm này bên cạnh làm ruộng, làm vườn theo nhiều người ở đây cho biết, mỗi tháng cũng được từ 2 - 3 triệu đồng trở lên, có người làm tốt có nguồn thu đến 4 - 4,5 triệu đồng. “Công việc hầu như có quanh năm, cứ có là họ báo cho biết để ra nhận hàng về cho mọi người cùng làm” - chị Hường nói.
Người phụ nữ năng động
Không chỉ nỗ lực tạo công ăn việc làm cho mọi người trong thôn, cùng làm 4 sào ruộng với chồng, nuôi dạy con ăn học, chị Hường còn là một hội viên phụ nữ tích cực tham gia rất nhiều hoạt động của thôn và xã An Nhơn trong nhiều năm nay. “ Xã cứ có việc kêu là đi thôi”- chị Hường cười mộc mạc.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là rất nhiều tấm huy chương treo trong nhà do chị giành được từ các giải thể thao cấp huyện và cấp tỉnh.
Đó là các huy chương trong môn kéo co mà chị là thành viên tích cực của đội kéo co nữ xã An Nhơn. Đội kéo co này chủ yếu là các phụ nữ người Tày, người Nùng trong thôn, từng nhiều lần vô địch Đạ Tẻh, được đại diện cho huyện thi đấu trong các kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh diễn ra 4 năm 1 lần. Khi dự giải cấp tỉnh, đội kéo co nữ Đạ Tẻh trong đó có chị đã 2 lần giành huy chương vàng vô địch tỉnh. Trong năm 2018 vừa qua, chị cùng đội kéo co nữ Đạ Tẻh cũng giành được huy chương đồng.
Gần đây chị đã cùng hội phụ nữ trong thôn vận động thành lập một tổ tiết kiệm giúp nhau làm ăn. Các thành viên tham gia tổ tiết kiệm này góp mỗi tháng 200 nghìn đồng để xây dựng quỹ, đến nay đã được khoảng 9 triệu đồng, số tiền tiết kiệm này lần lượt giúp cho nhiều gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình.
Trong năm 2018 vừa qua chị Chu Thị Hường đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Lâm Đồng chọn là điển hình duy nhất trong phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ tỉnh; là tấm gương tiêu biểu cho người phụ nữ dân tộc thiểu số vượt khó, tạo công ăn việc làm cho mình và cho nhiều người, có nhiều đóng góp hữu ích cho cộng đồng, cho làng xã nơi mình sinh sống.
VIẾT TRỌNG