
Việt Nam đất nước ta ơi/Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/Cánh cò bay lả rập rờn/Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều*. Hôm nay thầy sẽ giới thiệu cho các trò về Trường Sơn, nơi một thời hoa lửa của cha ông ta theo tiếng gọi cứu nước. Đó là một trong những bài học của thầy trò hòa với tiếng sóng gió Trường Sa.
Việt Nam đất nước ta ơi/Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/Cánh cò bay lả rập rờn/Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều*. Hôm nay thầy sẽ giới thiệu cho các trò về Trường Sơn, nơi một thời hoa lửa của cha ông ta theo tiếng gọi cứu nước. Đó là một trong những bài học của thầy trò hòa với tiếng sóng gió Trường Sa.
 |
Thầy giáo Bành Hữu Tình hướng dẫn học sinh một phép toán |
Thầy còn khá trẻ, trẻ hơn so với cái tuổi của thầy, nếu ai đó mới nhìn thì cứ ngỡ thầy là chàng sinh viên mới ra trường. Thầy rất trẻ và hiền lành đó chính là tâm sự của những phụ huynh trên đảo Trường Sa khi nói về người thầy đáng kính.
Thầy giáo Bành Hữu Tình sinh năm 1983, quê ở tỉnh Khánh Hòa; thầy tình nguyện ra Trường Sa làm công việc cao cả: gieo chữ giữa sóng biển, cát trắng, nắng vàng.
Vượt muôn vạn hải lý, hành trang thầy mang đến cho các em chính là nghiệp vụ sư phạm được đào tạo một cách bài bản, một tình yêu quê hương đất nước thắm hồng, một trái tim với con trẻ.
Lớp học giữa biển cả cũng không khác gì là mấy ở đất liền. Nghĩa là được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trường, lớp; cơ sở vật chất; giáo cụ học tập được đầu tư một cách bài bản, đồng bộ. Học sinh chăm ngoan, học giỏi, biết lễ, biết hiếu, biết nghĩa.
Sự khác biệt mà chắc nếu không am tường và không cặn kẽ, không được sự giới thiệu của thầy thì cũng khó mà nhận ra. Đó chính là chiếc thước của thầy, chiếc thước của thầy được làm từ cây bàng vuông, một loài cây minh chứng rõ ràng cho sức sống giữa biển cả bao la. Chiếc thước này chính là tấm lòng của những phụ huynh trên đảo Trường Sa dành tặng cho thầy.
Phụ huynh Lâm Ngọc Vinh tâm sự: Chiếc thước mà chúng tôi dành tặng cho thầy không chỉ là những nhịp gõ để con trẻ học bài, không chỉ là để thầy “giơ cao đánh khẽ” những cái tinh nghịch của tuổi học trò, mà hơn hết chính là tấm lòng của chúng tôi, sự mong muốn của chúng tôi rằng xin thầy hãy dạy cho con chúng tôi những gì tốt đẹp, một phong cách sống như cây bàng vuông. Sẵn sàng vượt qua bão táp phong ba, luôn vươn mình thẳng đứng, vì cây bàng vuông là cây ưa sáng, càng nắng, càng gió là nó càng vươn mình.
Trong câu chuyện với vị phụ huynh học sinh ngay tại Trường Sa, tôi chợt cảm thấy những con dân đất Việt luôn sống trong đạo lý, những đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, cha ông ta. Câu chuyện nho nhỏ, hết sức bình dị làm tôi liên tưởng đến bức thư của Tổng thống Abaraham Lincoln “Xin thầy hãy dạy cho con tôi” gửi thầy giáo của con trai mình. Có lẽ ai cũng vậy, loài người luôn mong muốn con cháu của mình phải sống sao cho tử tế, cho đường hoàng.
Không phụ tấm lòng của phụ huynh, thầy giáo Bành Hữu Tình luôn cố công truyền đạt những kiến thức cơ bản về các môn tự nhiên, các môn xã hội, để trang bị hành trang cho con trẻ nơi này. Mặt khác, thầy luôn bồi đắp kiến thức về lịch sử hào hùng của cha ông ta, dân tộc ta. Những dịp lễ, tết thầy lại dẫn các trò đến đền thờ Bác Hồ trên đảo Trường Sa, phân tích cho trẻ 5 điều Bác Hồ dạy, vận dụng những mẩu chuyện về Bác để giáo dục học sinh của mình.
Giữa trưa nắng Trường Sa, thầy và trò đãi những vị khách phương xa loài “nho” của biển cả. “Nho biển” ở đây chính là quả chín của cây tra, loài cây tán rộng, thân gỗ, quả và lá đều có thể làm thực phẩm. Trái ngọt trên đôi môi khô đi vì vị mặn mòi của biển cả, thầy giáo Bành Hữu Tình giải thích cho các em: “Có được trái ngọt hôm nay không phải dễ dàng đâu các em, biết bao đời nay cha ông ta phải chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất nước; bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông”. Không ai bảo ai, chúng tôi, những người có mặt trên đảo hôm nay nhìn về phía cột mốc chủ quyền mà rưng rưng nước mắt.
Bỗng một câu thơ vang lên từ một cậu học trò: Thầy cô ơi em biết/Đêm khuya em yên giấc/Thầy cô còn soạn bài/Chuẩn bị cho ngày mai/Dạy chúng em được tốt. Có lẽ đó là những lời tri ân của các trò dành cho người thầy giữa biển cả quê hương.
(*) Bài thơ Việt Nam quê hương ta, tác giả: Nguyễn Đình Thi.
ĐỨC TÚ