Ngục Kon Tum: Bản tráng ca oanh liệt

09:04, 29/04/2019

Ngục Kon Tum, nơi đày đọa, giam giữ những người con yêu nước kiên trung và cũng là nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum ra đời. Ngục Kon Tum, bài ca bất hủ về tinh thần bất khuất, không tiếc máu xương, tính mạng của những người cộng sản ngoan cường lưu danh sử sách.

Ngục Kon Tum, nơi đày đọa, giam giữ những người con yêu nước kiên trung và cũng là nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum ra đời. Ngục Kon Tum, bài ca bất hủ về tinh thần bất khuất, không tiếc máu xương, tính mạng của những người cộng sản ngoan cường lưu danh sử sách.
 
Di tích ngục Kon Tum
Di tích ngục Kon Tum
Ngục Kom Tum ngày nay không còn dấu vết nhà lao, không còn cùm chân, không còn xà lim, nhưng nơi đây vẫn thấm đầy máu thịt của những người yêu nước, lấy máu mình tô thắm một giai đoạn kiên cường trong lịch sử dân tộc.
 
Nằm tại thành phố Kon Tum, bên dòng Đắk Bla hiền hòa vào mùa nắng và ồn ào dữ dội vào mùa mưa, ngục Kon Tum tồn tại trong một thời gian không dài. Vốn chỉ là một nhà giam nhỏ, giam những người phạm tội ít nghiêm trọng của thực dân Pháp, ngục Kon Tum đã trở thành nơi lưu đày gần 500 lượt chiến sỹ cách mạng. Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, thực dân Pháp đã xây thêm nhà ngục, giam giữ những chiến sỹ cách mạng bị bắt trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. 
 
Đọc lại những bản án của thực dân Pháp, không ai có thể cầm lòng trước những khuôn mặt chiến sỹ cách mạng đầy trẻ trung, nhiệt huyết. Họ tới từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, những cái nôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chúng bắt họ vào ngục Kon Tum với mục tiêu giết hết những người cộng sản. Tra tấn, đánh đập trong tù chưa đủ, vào mùa nắng, chúng bắt tù nhân đi phá đá, mở đường xây Quốc lộ 14. Chỉ trong 6 tháng mùa khô, từ tháng 12/1930 tới tháng 6/1931, tai nạn, đói ăn, sốt rét rừng, đòn roi của cai tù đã giết 295 chiến sỹ cách mạng. Những mạng người rải rác giữa đại ngàn, vĩnh viễn không còn gặp lại đồng chí, gặp lại gia đình. Chúng đã dùng thủ đoạn tàn ác để giết những người cách mạng mà vẫn giữ được vẻ ngoài “nhân đạo”. Với án tù chỉ 3-5 năm, sau một cơn mưa rừng, hàng chục người tù vĩnh viễn không bao giờ ngủ dậy.
 
Và trong gian khổ ấy, trong mất mát ấy, tinh thần chiến đấu của những người chiến sỹ cách mạng chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng ra đời ngay giữa ngục tù. Đây cũng là chi bộ Đảng đầu tiên và nay trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Và Chi bộ Đảng cũng là đầu tàu để anh em chiến sỹ cách mạng đấu tranh chống “Phản đối đi Đăk Pét”, “phản đối đánh đập, bắn giết tù chính trị”, “phản đối đi làm đường 14” và cuộc “Đấu tranh lưu huyết”, cuộc “Đấu tranh tuyệt thực” vào tháng 12/1931. Thực dân Pháp đã xả đạn vào những người tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao, kể cả những người tù chính trị đã biểu tình tuyệt thực 4-5 ngày, không còn sức lực. 15 chiến sỹ cộng sản kiên trung đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh này. Thực dân Pháp đã chôn họ trong nấm mồ tập thể, ngay tại mảnh đất ngục Kon Tum. 
 
Năm 1935, nhằm xóa bỏ hoàn toàn dấu vết sự dã man, phi nhân đạo của mình, thực dân Pháp đã đưa các tù nhân tới những trại giam khác và đập bỏ hoàn toàn ngục Kon Tum. Nhưng hai ngôi mộ tập thể, những ký ức khốc liệt về địa ngục trần gian ấy vẫn còn lại trong tâm trí những người cộng sản yêu nước. 
 
Ngục Kon Tum là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của những người Cộng sản. Ghi nhận sự đấu tranh kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại ngục Kon Tum, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 1288 công nhận ngục Kon Tum là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Và một quần thể di tích được tu sửa, xây dựng khang trang với Nhà tưởng niệm, Cụm tượng đài “Bất khuất”, Nhà truyền thống và Hai ngôi mộ tập thể đã trở thành điểm hẹn truyền thống lịch sử, là sự tri ân, nơi thăm viếng đối với người đã khuất của nhân dân và bạn bè ngoài nước khi đến với Kon Tum. Nằm ngay tại con đường mang tên Trương Quang Trọng, tên của người chiến sỹ cộng sản hy sinh tại ngục Kon Tum trong cuộc chiến tranh chống làm đường năm 1931, ngục Kon Tum đã thành địa chỉ mà mỗi khi nhắc tới Kon Tum không ai có thể quên lãng. Rặng xà cừ chạy suốt con đường dẫn vào ngục vẫn xanh mướt, xanh như tấm lòng những người chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, hy sinh cho đất mẹ bình yên. 
 
DIỆP QUỲNH