
Hội thảo "Hoàn thiện quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Ðức) vừa diễn ra tại TP Ðà Lạt đã đặt ra vấn đề cấp bách cần sửa đổi Luật KBCB.
Hội thảo “Hoàn thiện quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Ðức) vừa diễn ra tại TP Ðà Lạt đã đặt ra vấn đề cấp bách cần sửa đổi Luật KBCB.
 |
Ông Đỗ Trung Hưng - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) trình bày tổng quan dự thảo Dự án Luật KBCB sửa đổi. Ảnh: A.N |
Luật KBCB được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KBCB, góp phần chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với chất lượng dịch vụ KBCB thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp Chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và Giấy phép hoạt động cho các cơ sở KBCB. Đến nay, sau 9 năm thực hiện Luật KBCB, các cơ quan quản lý đã thực hiện việc cấp Giấy phép hoạt động cho 45.975 cơ sở y tế, trong đó có 1.336 bệnh viện, 21.048 phòng khám chuyên khoa, 10.501 trạm y tế… Cấp Chứng chỉ hành nghề cho 309.768 trường hợp, trong đó có 78.144 bác sĩ, 127.190 điều dưỡng, 54.734 y sĩ…
Luật KBCB đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ KBCB của người dân. Hiện cả nước có 14.000 cơ sở KBCB với 80.000 bác sĩ đang làm việc, đạt tỉ lệ 8,2 bác sĩ /10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực. Số giường bệnh trên vạn dân đạt 26,5; có 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc và 90% trạm có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Luật KBCB cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KBCB, tạo hành lang pháp lý để Bộ Y tế ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về: quản lý chất lượng dịch vụ KBCB; tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; nâng cao chất lượng của người hành nghề như quy định về cập nhật kiến thức liên tục đối với người hành nghề.
Luật KBCB góp phần tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận được với các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới như: Công nghệ 3D phẫu thuật và sửa chữa tim mạch; ứng dụng ánh sáng trong phẫu thuật điều trị ung thư; dùng kỹ thuật ô xy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO) để cứu sống bệnh nhi viêm cơ tim cấp nặng; ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong KBCB... Nhờ vậy, y học Việt Nam đã góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 76,25 tuổi (năm 2016), vượt mức tuổi thọ trung bình quốc tế và thu hút khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến KBCB tại Việt Nam.
Ông Đỗ Trung Hưng - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Bên cạnh các thành tựu đạt được, sau 9 năm triển khai thi hành Luật KBCB đã nảy sinh một số vấn đề từ thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Cụ thể, về Chứng chỉ hành nghề, Luật KBCB chỉ quy định cấp Chứng chỉ hành nghề cho 6 nhóm đối tượng, quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động KBCB trong thực tế như: cán bộ khối y tế dự phòng; cử nhân sinh học tham gia xét nghiệm; người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ KBCB... Điều này gây khó khăn cho người hành nghề và cơ sở KBCB trong quá trình tổ chức thực hiện KBCB và thanh quyết toán BHYT.
Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật KBCB năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội cho phép xây dựng dự án Luật KBCB sửa đổi. Đến nay, dự thảo Luật KBCB sửa đổi và các văn bản liên quan đang được Chính phủ gấp rút nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để có thể trình được Quốc hội tại kỳ họp lần tới. |
Luật KBCB không quy định về thời hạn giá trị của Chứng chỉ hành nghề. Đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới cấp Chứng chỉ hành nghề KBCB một lần và có giá trị vĩnh viễn. Việc này không tạo ra cơ chế để giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Quy định này không phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về KBCB.
Bên cạnh đó, việc cấp Chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ không đánh giá được thực chất năng lực chuyên môn của người hành nghề cũng như chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo. Do việc cấp Chứng chỉ hành nghề qua xét hồ sơ nên không xác định được phạm vi hành nghề cụ thể của người hành nghề, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở KBCB trong việc thanh toán chi phí KBCB BHYT cũng như trong việc sắp xếp bố trí nhân lực trực, đặc biệt là đối với cơ sở KBCB ở tuyến huyện khi mà số lượng bác sĩ tuyến huyện còn rất hạn chế và trong mỗi ca trực, các bác sĩ phải thực hiện trực cả 4 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi... dẫn đến tình trạng quá tải của các bác sĩ và cơ sở KBCB.
Luật KBCB đã quy định cụ thể một số hình thức tổ chức KBCB nhưng chưa bao quát hết các hình thức tổ chức của cơ sở KBCB tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh. Ví dụ như: Trung tâm Y tế huyện; Trung tâm Nội tiết; Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản; Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội; Bệnh xá; Phòng khám Quân dân y... Vì vậy, trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn khi cấp Giấy phép hoạt động cho các hình thức này.
Luật quy định người nước ngoài vào KBCB nhân đạo theo đợt, chuyển giao kỹ thuật, mổ biểu diễn phải có Giấy phép hành nghề là không phù hợp với thực tiễn do không đảm bảo được tính kịp thời của hoạt động KBCB nhân đạo và chuyển giao kỹ thuật.
Về hệ thống tổ chức cơ sở KBCB của nhà nước có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính. Tuy nhiên, Luật BHYT lại quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở KBCB BHYT ban đầu và thanh toán chi phí KBCB BHYT... Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện phát sinh nhiều mâu thuẫn, bất cập.
Một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KBCB như: bệnh án điện tử, KBCB từ xa, đăng ký hành nghề... chưa được quy định cụ thể trong Luật KBCB nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.
Vấn đề an ninh bệnh viện mới được tiếp cận dưới góc độ quy định quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở KBCB nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như: các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong đảm bảo an ninh bệnh viện hay vấn đề kinh phí đảm bảo cho hoạt động này...
AN NHIÊN