Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số - những vấn đề đặt ra

09:04, 29/04/2019

Lâm Ðồng là tỉnh được đánh giá thực hiện chính sách giảm nghèo khá tốt, nhất là giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Ngoài sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS.

Lâm Ðồng là tỉnh được đánh giá thực hiện chính sách giảm nghèo khá tốt, nhất là giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Ngoài sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS.
 
Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới mà nhiều thôn, buôn vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã thay đổi đáng kể (Trong ảnh: Thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, Lâm Hà đổi thay từng ngày). Ảnh: N.Thu
Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới mà nhiều thôn, buôn vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã thay đổi đáng kể (Trong ảnh: Thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, Lâm Hà đổi thay từng ngày). Ảnh: N.Thu
 
Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng nguồn lực đầu tư, huy động toàn xã hội tham gia giúp thôn nghèo, người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó ưu tiên đầu tư nhiều chương trình, dự án để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa trường học, trạm y tế, kênh mương thủy lợi cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các nguồn vốn hỗ trợ được đầu tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS theo hướng tập trung, tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
 
Kết quả tại Lâm Đồng, giai đoạn 2012 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn 18.844 hộ (chiếm 32,65%) vào năm 2011 giảm xuống còn 2.531 hộ (chiếm 4,0%) vào năm 2015. Trong giai đoạn 2016 - 2018, tính theo chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 10.159 hộ năm 2016 giảm xuống còn 9.046 hộ nghèo (chiếm 2,85%) vào cuối năm 2018.
Về tính bền vững trong giảm nghèo, theo phân tích của các chuyên gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, từng giai đoạn. Trong khi đó thu nhập giữa 2 giai đoạn có tăng lên thêm 20%. 
 
Tỷ lệ tái nghèo trên địa bàn tỉnh không cao cho thấy tính hiệu quả trong việc triển khai chương trình giảm nghèo tại Lâm Đồng. Điều này cho thấy, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giảm nghèo bền vững của chương trình đề ra.
 
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới giúp phát triển nhanh hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Người dân áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả đã làm thay đổi và cải thiện đời sống người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo.
 
Tuy nhiên, trong đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng cũng phát hiện còn nhiều bất cập, tồn tại. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo cho rằng: Đó là việc thực hiện chính sách ở các địa phương còn gặp phải những vướng mắc do phân bổ nguồn lực thiếu, giải ngân chậm, cơ chế thủ tục chưa phù hợp. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gặp khó khăn hơn ở những địa bàn nơi có đông đồng bào DTTS, hạn chế về giao thông, thu hút đầu tư. Cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập, một số hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thi công kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng. Vấn đề dân di cư tự phát tại một số địa bàn làm vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn trong quản lý hành chính, dân cư, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương, tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo.
 
Theo đó, Đoàn ĐBQH sẽ có kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương như rà soát, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong phân bổ ngân sách hàng năm, phân bổ nguồn vốn trung hạn cần quan tâm, bố trí đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững và nông thôn mới. Đoàn sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS để có cơ sở ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, cần tăng mức vốn vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, nâng mức vay đối với xuất khẩu lao động, nhất là đối với các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Nga, Úc... Đặc biệt, Đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho 320 hộ, với 1.725 nhân khẩu tại các Tiểu khu 179, 181, 197, 198 xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông, nhằm sớm ổn định đời sống sản xuất cho hộ dân theo tinh thần Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 8/1/2019 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”.
 
NGUYỆT THU