Cát Tiên - vùng đất của những trang sử anh hùng

10:04, 30/04/2019

Cát Tiên giai đoạn 1945 - 1975 là một phần của Chiến khu D, căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu VI, Khu ủy Khu X và Tỉnh ủy Lâm Ðồng...

Cát Tiên giai đoạn 1945 - 1975 là một phần của Chiến khu D, căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu VI, Khu ủy Khu X và Tỉnh ủy Lâm Ðồng. Trong giai đoạn này, quân và dân Cát Tiên đã anh dũng chiến đấu bảo vệ an toàn đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đồng thời trực tiếp sản xuất lương thực, cũng như tiếp nhận, chuyển tải nhân lực, vật lực, phương tiện từ Trung ương chi viện cho các chiến trường Ðông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Ðịnh, Phước Long, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức, Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận. Với vị trí, vai trò như vậy, Cát Tiên liệu có xứng đáng để được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân? 
 
Quang cảnh Hội nghị đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, LLVT và Nhân dân huyện Cát Tiên giai đoạn 1945 - 1975. Ảnh: T.Chu
Quang cảnh Hội nghị đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, LLVT và Nhân dân huyện Cát Tiên giai đoạn 1945 - 1975. Ảnh: T.Chu
 
Anh hùng là xứng đáng!
 
Ông Trần Đình Nhung, nguyên Bí thư Huyện ủy Cát Tiên cho rằng, nếu tính từng trận đánh một thì Cát Tiên không thể so sánh với những nơi khác. Tuy nhiên, xét cả quá trình lịch sử, từ năm 1945 đến 1975, Cát Tiên hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vì 5 lý do sau: “Một, Mỹ - ngụy chưa tổ chức được bộ máy chính quyền và thiết lập được sự kiểm soát ở vùng đất Cát Tiên. Hai, vùng đất này được Trung ương Đảng xác định là nơi để khai thông hành lang Bắc - Nam, tạo điều kiện cho cách mạng phát triển. Trên cơ sở đó, ngày 25/5/1959, Đoàn B90 ra đời do Bộ Quốc phòng thành lập và chỉ đạo. Nhiệm vụ của Đoàn B90 là trở về miền Nam, khai thông hành lang Bắc - Nam. Tháng 9/1959, Khu ủy miền Đông Nam Bộ cũng lập C200 tiến về phía thượng nguồn sông Đồng Nai, vừa mở đường để đón B90, vừa tìm địa bàn xây dựng cơ sở cách mạng. 16 giờ ngày 30/10/1960, tại Đạ R’Tý (một nhánh suối của sông Đồng Nai), C200 và B90 đã gặp nhau. Thế là hành lang Bắc - Nam được nối thông. Ba, sau khi hành lang Bắc - Nam được nối liền, quân và dân Cát Tiên chiến đấu rất kiên cường, bảo vệ vững chắc tuyến đường chiến lược này. Từ đó, các lực lượng cách mạng dần hình thành và lớn mạnh để tạo thành lực lượng của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Khu ủy Khu X. Bốn, với sự ủng hộ của đồng bào dân tộc thiểu số, Cát Tiên trở thành hậu cứ cách mạng, nơi che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Năm, Cát Tiên còn là nơi sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho các chiến trường”, ông Trần Đình Nhung chia sẻ. 
 
Chia sẻ này nhận được sự đồng tình của ông Ao Sỹ, nguyên cán bộ Đoàn B90. Theo ông Ao Sỹ, chính việc khai thông hành lang Bắc - Nam đã góp phần phá thế chia cắt và cô lập lực lượng vũ trang cách mạng, giúp cách mạng khai thông, tăng cường lực lượng, cũng như chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. “Nếu không có hành lang đó, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và toàn bộ Khu VI sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc hành lang Bắc - Nam được nối thông trở thành một dấu mốc lịch sử quan trọng, làm thay đổi toàn bộ cục diện cách mạng miền Nam Việt Nam”, ông Phạm Văn Nhường, nguyên Bí thư K50 và K59 cho biết. “Do có vị trí rất quan trọng, vừa là hành lang, vừa là hậu cứ, vừa là nơi đóng chân của cơ quan đầu não Khu VI nên Cát Tiên trở thành mục tiêu đánh phá của Mỹ - ngụy. Năm 1962, Mỹ đã sử dụng khoảng 10.000 lít chất độc hóa học rải xuống vùng đất Cát Tiên, nhằm hủy diệt sự sống ở vùng căn cứ. Mặc dù vậy, quân và dân Cát Tiên vẫn đứng vững, bảo vệ an toàn hành lang Bắc - Nam, giữ liên lạc thông suốt giữa Trung ương Cục miền Nam với chiến trường Khu VI, chiến trường miền Nam Trung Bộ”, ông Lê Thanh Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh. “Nhờ hành lang này, ta đưa hàng ngàn cán bộ, hàng vạn tấn vũ khí từ Trung ương Cục miền Nam chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và 2 tỉnh Đắk Nông, Gia Nghĩa”, Đại tá Trần Tấn Công, nguyên Đại đội trưởng C200 nói thêm.
 
Một góc Cát Tiên hôm nay. Ảnh: T.Chu
Một góc Cát Tiên hôm nay. Ảnh: T.Chu
 
Một vài sự điều chỉnh 
 
Ông Nguyễn Thành Tâm, nguyên cán bộ C200, bày tỏ: “Rõ ràng, hạt giống cách mạng ở Cát Tiên đã được gieo từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng mức độ vẫn chưa thật sự nổi bật. Bởi trước năm 1959, vùng đất này vẫn là khu tự do của các dân tộc Mạ, S’Tiêng, chưa có các cơ sở cách mạng. Thế nên, Cát Tiên cần cân nhắc khi đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, LLVT và Nhân dân huyện Cát Tiên giai đoạn 1945 - 1975”. 
 
Theo ông Nguyễn Thành Tâm và một số cán bộ khác, nên đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, LLVT và Nhân dân huyện Cát Tiên giai đoạn 1954 - 1975 là phù hợp. Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Lê Thanh Phong cũng đề nghị thêm: 2 đơn vị Đoàn B90 và C200 cần hoàn thiện hồ sơ, sớm đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT vì toàn bộ lịch sử của Cát Tiên giai đoạn 1954 - 1975 hầu hết đều gắn với quá trình xây dựng, phát triển của B90 và C200. Ông Lê Thanh Phong nhắc lại ý kiến của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời khẳng định: B90 và C200 hoàn toàn xứng đáng đơn vị anh hùng. 
 
Ông Ngô Xuân Hiển, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, đã tiếp thu và chỉ đạo Ban soạn thảo điều chỉnh mốc thời gian từ 1954 - 1975; đồng thời, khẳng định lịch sử đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc của đồng bào các dân tộc Cát Tiên là trang sử vẻ vang, kiên cường, đầy nghị lực. Truyền thống yêu nước của các thế hệ cha anh đi trước tiếp tục được nối tiếp bởi thế hệ đi sau. “Việc đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Đảng bộ, LLVT và Nhân dân huyện Cát Tiên giai đoạn 1954 - 1975 vừa thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ đi trước vừa là niềm vinh dự, tự hào để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cát Tiên tự tin thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng quê hương Cát Tiên ngày càng phát triển”, ông Ngô Xuân Hiển nêu rõ.
 
Thượng tuần tháng 4/2019, huyện Cát Tiên đã tổ chức Hội nghị đề xuất Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, LLVT và Nhân dân huyện Cát Tiên giai đoạn 1945 - 1975, nhằm chứng minh, làm rõ thêm những tư liệu lịch sử, những thành tích nổi bật, những chiến công xuất sắc mà quân và dân huyện Cát Tiên đã lập nên trong suốt chặng đường 30 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. 
 
Theo đó, giai đoạn 1945 - 1975, huyện Cát Tiên là một phần của Chiến khu D, nơi đóng chân của Khu ủy Khu VI, Khu X, Tỉnh ủy Lâm Đồng. Trong giai đoạn này, quân và dân huyện Cát Tiên đã chiến đấu, xây dựng và bảo vệ an toàn đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, căn cứ Khu VI, Khu X, Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ngoài ra, giai đoạn 1945 - 1975, huyện Cát Tiên còn là nơi sản xuất lương thực, tiếp nhận nhân lực, vật lực, phương tiện từ Trung ương chi viện cho các chiến trường Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, Đắk Nông, Phước Long, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Bình Thuận, Bình Tuy và Ninh Thuận. Với vị trí quan trọng như vậy, địch ra sức đánh phá để kiểm soát và khống chế nơi đây nhưng quân và dân huyện Cát Tiên đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc hành lang Bắc - Nam cho cách mạng phát triển.
 
TRỊNH CHU