Các cấp công đoàn triển khai nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên

10:04, 30/04/2019

Để tìm hiểu thêm về thực trạng công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn hiện nay, cũng như các hoạt động chính của "Tháng Công nhân" 2019, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Phúc - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.

Để tìm hiểu thêm về thực trạng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn hiện nay, cũng như các hoạt động chính của “Tháng Công nhân” 2019, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Phúc - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.
 
PV: Xin bà có thể cho biết thực trạng CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay?
 
Bà Phạm Thị Phúc: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20, đặc biệt là 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018, đội ngũ CNVCLĐ tỉnh Lâm Đồng có sự chuyển biến tích cực. Số lượng CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh quản lý hiện nay là 70.493 người, tăng so với đầu năm 2013 là 7.537 người, trong đó khu vực cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập 44.747 người (chiếm 73,45%); khu vực doanh nghiệp nhà nước 1.450 người (chiếm 2,06%); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 24.296 người (chiếm 34,42%). Trong số công nhân lao động trực tiếp có 45,85% được đào tạo nghề ngắn hạn; 17,22% thợ bậc 1 đến bậc 3; 9,53% thợ bậc 4 đến bậc 5; 3,75% thợ bậc 6 đến bậc 7.
 
Tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của CNVCLĐ tương đối ổn định. Điều kiện làm việc của CNVCLĐ cơ bản được cải thiện và đảm bảo yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động. Thông qua tác động và tăng cường hoạt động của công đoàn, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cải thiện, ít có tình trạng xảy ra tranh chấp lao động tập thể, lãn công, đình công trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động như xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống sinh hoạt.
 
Tuy nhiên, số công nhân lao động được tiếp cận và thụ hưởng từ các chương trình phúc lợi chưa nhiều, phần lớn CNVCLĐ phải thuê nhà ở và số công nhân lao động được tiếp cận các thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư xây dựng chưa nhiều. Tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng BHXH kéo dài khá phổ biến và đang có xu hướng gia tăng cả về số đơn vị nợ và số tháng nợ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp. Mặt khác, vấn đề việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, đào tạo nghề, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội đang là vấn đề người lao động đặc biệt quan tâm, mong muốn có tiếng nói từ phía công đoàn.
 
PV: Đồng hành với người lao động, thời gian qua, các công đoàn cơ sở tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò của mình ra sao, thưa bà?
 
Bà Phạm Thị Phúc: Căn cứ chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực tham gia góp ý xây dựng dự thảo quy định chính sách đối với CNVCLĐ. Đó là tham gia góp ý vào chính sách nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, các cơ chế của tỉnh hỗ trợ đời sống văn hóa, tinh thần và xây dựng nhà trẻ cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Công đoàn các cấp tích cực tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn, đặc biệt là tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
 
Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng năm và kịp thời triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh, khai thác, sử dụng thông tin phát huy hiệu quả của Thư viện thỏa ước lao động tập thể của Tổng Liên đoàn. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã lồng ghép nội dung tập huấn kỹ năng thương lượng và cách thức chấm điểm đánh giá chất lượng thỏa ước lao động tập thể trong các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS). Hàng năm, trên 90% số doanh nghiệp trên địa bàn có tổ chức công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có từ 70% trở lên số bản thỏa ước lao động tập thể có từ 3 điểm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. 
 
Công đoàn các cấp trong tỉnh cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ, LĐLĐ tỉnh đã tham gia kiểm tra, giám sát tại 215 doanh nghiệp; LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát 312 doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ như: hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
 
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về ý nghĩa, tác dụng của việc bảo đảm chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca đối với sức khỏe của người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Công đoàn quan tâm thương lượng để đưa nội dung bảo đảm chất lượng bữa ăn ca của người lao động vào thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở đã tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, với mức ăn từ 15 - 60 ngàn đồng...
 
CNVCLĐ tỉnh tham gia ngày hội hiến máu do LĐLĐ tỉnh tổ chức
CNVCLĐ tỉnh tham gia ngày hội hiến máu do LĐLĐ tỉnh tổ chức
 
PV: Ngoài lực lượng công nhân trong các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ, còn có một lực lượng CNVCLĐ khối nhà nước đang bị tinh giản biên chế, vậy công đoàn các cấp nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa bà?
 
Bà Phạm Thị Phúc: Việc tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là thực hiện nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước theo tinh thần sắp xếp bộ máy cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay. Nhận thức đúng về vấn đề này, trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng nghiêm túc triển khai thực hiện, đến nay đã giải thể 12 công đoàn giáo dục cấp huyện; giải thể 3 công đoàn ngành (Dệt may, Du lịch, Chè - Cà phê); giảm số đầu mối bên trong của cơ quan LĐLĐ tỉnh từ 7 đầu mối xuống còn 5 đầu mối.
 
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cũng phần nào tác động đến tư tưởng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của số người lao động thuộc diện tinh giản. Đây là vấn đề tất yếu xảy ra trong quá trình đổi mới, đặt ra không chỉ riêng đối với tổ chức công đoàn mà cho cả hệ thống chính trị để đảm bảo hài hòa giữa phát triển và an sinh xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời, cũng là đặt ra yêu cầu đối với mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng và cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện việc tinh giản biên chế, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản như sau: Trước hết là tăng cường công tác phổ biến, quán triệt và nghiên cứu học tập trong CNVCLĐ về sắp xếp bộ máy cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, từ đó nâng cao nhận thức cá nhân trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Mặt khác, công đoàn chủ động trong tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chính quyền cùng cấp xây dựng đề án vị trí việc làm, rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ, xác định lộ trình tinh giản biên chế hàng năm phù hợp, đảm bảo mục tiêu đề ra. Đồng thời, phát huy vai trò của công đoàn trong giám sát thực hiện chủ trương tinh giản biên chế ngay từ ở cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công chức, viên chức, người lao động thuộc diện tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động thuộc diện tinh giản biên chế chủ động trong tham gia đào tạo và đào tạo lại nghề để sớm có điều kiện tham gia vào thị trường lao động.
 
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng đề xuất với các cấp chính quyền trong quá trình tinh giản biên chế cần thực hiện đảm bảo khách quan, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật về quy trình và thời gian thông báo trước; ngoài việc thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách đối với người thuộc diện tinh giản biên chế cần quan tâm hơn nữa, có các chính sách động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, nhất là học nghề và tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống và tham gia thị trường lao động.
 
PV: Tháng năm hàng năm được chọn là “Tháng Công nhân” nhằm hướng tới chăm lo tốt hơn đời sống của người lao động, vậy trong năm nay, LĐLĐ tỉnh và các CĐCS đã chuẩn bị gì cho “Tháng Công nhân”, thưa bà?
 
Bà Phạm Thị Phúc: Năm nay, kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân được triển khai rất sớm. Ngoài các nội dung đã làm các năm trước như, thăm hỏi tặng quà, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân lao động, hoạt động tư vấn pháp luật, thì năm 2019 này, LĐLĐ tỉnh quan tâm đặc biệt đến các chương trình phúc lợi đoàn viên. Ngoài lễ phát động Tháng Công nhân được tổ chức tại Đức Trọng, các LĐLĐ huyện, thành phố, CĐ ngành, CĐ Viên chức tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, địa phương để tổ chức lễ phát động gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động… Và ngay sau lễ phát động tùy điều kiện các đơn vị có thể kết hợp tổ chức Ngày hội công nhân để người lao động có diễn đàn tham gia các hoạt văn hóa thể thao, vui chơi giải trí… Song song với đó, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ; tổ chức tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS...
 
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
 
THY VŨ (thực hiện)