Ðạ Tẻh trên đường về đích huyện nông thôn mới

08:04, 10/04/2019

Toàn bộ 10/10 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới, Ðạ Tẻh đang nỗ lực đạt các chỉ tiêu còn lại trong bộ tiêu chí cấp huyện để đạt huyện nông thôn mới trong cuối năm 2019 này.  

Toàn bộ 10/10 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới, Ðạ Tẻh đang nỗ lực đạt các chỉ tiêu còn lại trong bộ tiêu chí cấp huyện để đạt huyện nông thôn mới trong cuối năm 2019 này.  
 
Một cơ sở sản xuất hàng thủ công thu hút người lao động trong lúc nông nhàn tại xã An Nhơn - Đạ Tẻh
Một cơ sở sản xuất hàng thủ công thu hút người lao động trong lúc nông nhàn tại xã An Nhơn - Đạ Tẻh
 
Hoàn thiện các tiêu chí còn lại
 
“Về cơ bản, toàn bộ tất cả 10/10 xã trong huyện đều đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chúng tôi đang nỗ lực hoàn tất 2 nội dung trong bộ 9 tiêu chí để đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2019” - ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đạ Tẻh bắt đầu câu chuyện.
 
Theo ông Tiện, đến cuối năm 2018 vừa qua, Đạ Tẻh đã có 9/10 xã đạt chuẩn NTM và trong tháng 3/2019, Đạ Lây - xã cuối cùng của huyện cũng đã hoàn thành việc xây dựng NTM. 
 
Vì sao xã Đạ Lây đạt chuẩn NTM chậm so với các xã trong huyện? Theo huyện, trong khi hầu hết các tiêu chí xã đều đạt thì vẫn còn vướng 2 điều: hợp tác xã chưa được củng cố và hệ thống thủy lợi chưa đạt.
 
Với sự giúp đỡ tích cực của huyện, trong đầu năm 2019, 2 hợp tác xã tại Đạ Lây vốn được thành lập từ cuối 2018 đã bắt đầu đi vào hoạt động; còn với tiêu chí thủy lợi, trong lúc chờ hệ thống thủy lợi đập Đạ Lây trên địa bàn đang được thi công, xã đã vận động người dân đào ao, hồ nhỏ từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh. Trong 2 năm 2017 - 2018, có 9 ao hồ nhỏ chứa nước tưới cho nông nghiệp được đào tại xã, trung bình mỗi hồ chi phí khoảng 10 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ vốn một nửa.
 
Với cấp huyện, trong 9 tiêu chí để đạt huyện NTM, đến nay Đạ Tẻh đã đạt được 7 tiêu chí, bao gồm: giao thông; thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục; sản xuất; an ninh trật tự; chỉ đạo xây dựng NTM; chỉ còn duy nhất 2 nội dung trong tiêu chí quy hoạch và tiêu chí môi trường chưa đạt, phải hoàn tất trong năm 2019 này. 
 
Cụ thể, với tiêu chí quy hoạch còn chưa đạt này, đến nay, theo ông Tiện, Đạ Tẻh đã lập hồ sơ quy hoạch vùng huyện đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Đạ Tẻh thành vùng kinh tế động lực phía Nam Lâm Đồng, có hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ và ngày càng hiện đại. Hồ sơ quy hoạch vùng huyện đã gửi các ngành chức năng tỉnh thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt.
 
Với nội dung trong tiêu chí môi trường, theo yêu cầu huyện phải có hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, Đạ Tẻh dù đã có bãi rác tập trung và thực hiện rất tốt việc thu gom rác thải sinh hoạt trong toàn huyện, không chỉ trong nội ô thị trấn Đạ Tẻh mà ngay cả ở các vùng nông thôn, nhưng bãi rác tập trung trong huyện đến nay vẫn chỉ xử lý thô.
“Cái khó là huyện không dễ dàng kêu gọi nhà đầu tư vào đây vì lượng rác thải toàn huyện cũng không nhiều, chừng 15 tấn/ngày, nhiều nhà đầu tư đến xem xét nhưng lượng rác ít quá họ cũng ngần ngừ khi lập nhà máy” - ông Tiện cho biết.
 
Giải pháp huyện đưa ra trong lúc chờ có nhà máy xử lý rác tập trung, là vận động các cộng đồng dân cư trong toàn huyện, đặc biệt là các vùng nông thôn xử lý rác ngay tại cộng đồng, tại vườn nhà mình, bằng cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay từ đầu, rác hữu cơ sẽ được chôn lấp, xử lý làm phân vô cơ, còn rác vô cơ cũng được xử lý ngay cộng đồng bằng các lò đốt thủ công. “Lâu nay trên địa bàn các xã trong huyện có rất nhiều mô hình như thế này hoạt động khá hiệu quả” - ông Tiện khẳng định. 
 
Nâng cao thu nhập cho người dân 
 
Nhưng một nhiệm vụ quan trọng khác mà Đạ Tẻh luôn chú ý trong suốt quá trình xây dựng NTM tại địa phương lâu nay, theo ông Tiện, chính là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn, mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. 
 
Điều đáng mừng, như đánh giá của huyện, Đạ Tẻh hiện nay đã hình thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô khá như vùng sản xuất trồng dâu nuôi tằm gần 1.400 ha với doanh thu bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên 1.600 ha với doanh thu từ 90 - 120 triệu đồng/ha; riêng sản xuất lúa Nếp quýt, VĐ 20, nông dân trong huyện đã áp dụng theo quy trình VietGAP, Global GAP, hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Trên địa bàn gần đây cũng xuất hiện những mô hình trồng cây ăn trái như quýt, sầu riêng, bưởi da xanh khá hiệu quả trong cộng đồng dân cư, có doanh thu từ 700 triệu đồng/ha trở lên.
 
Riêng với vùng trồng dâu nuôi tằm đang tăng rất nhanh (trong năm 2018 tăng gần 500 ha), theo ông Tiện hiện trên địa bàn huyện đã có một nhà máy ươm tơ do tư nhân đầu tư trên 10 tỷ đồng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho người dân trong thu mua sản phẩm, liên kết sản xuất.
 
Để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, các xã trong huyện lâu nay cũng vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, thành lập các hợp tác xã, thành lập trang trại. Chỉ trong năm 2018 đã có thêm 4 hợp tác xã dâu tằm đi vào hoạt động tại các xã Đạ Kho, Hà Đông, Quảng Trị và Đạ Pal, nâng tổng số hợp tác xã hoạt động trên địa bàn lên con số 11, đồng thời có thêm 8 trang trại trồng trọt chăn nuôi cũng đi vào hoạt động trong năm. 
 
Huyện cũng đưa kế hoạch trong năm nay vận động người dân chuyển đổi từ 800 - 1.000 ha điều kém hiệu quả sang các cây trồng khác, đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo nghề nông thôn cho người dân.   
 
Ngay đầu năm 2019, Đạ Tẻh đã tổ chức phát động thi đua chung sức xây dựng Đạ Tẻh thành huyện NTM ở tất cả các xã, có ký giao ước thi đua, trong đó yêu cầu các xã nâng cao chất lượng tất cả các tiêu chí đã đạt được lâu nay. Riêng 3 xã Quảng Trị, An Nhơn và Đạ Kho phấn đấu trong năm 2019 đạt chuẩn từ 8 - 10 chỉ tiêu xã NTM nâng cao, làm cơ sở đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu trong năm 2020.
 
VIẾT TRỌNG