44 năm, những điều chưa từng có ở trong mơ

08:04, 29/04/2019

Năm 2011, tôi được Hội Nhà báo Việt Nam khu vực phía Nam giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Hội Nhà báo tỉnh Lâm Ðồng và một số tỉnh phía Nam thăm và làm việc với Hội Nhà báo các địa phương Thái Lan. Chuyến đi kéo dài 7 ngày, trong đó việc thăm và làm việc với tỷ phú Baan Sukhawadee tại tòa lâu đài tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 26 ha, cạnh bờ biển Pattaya là một bất ngờ không có trong lịch trình...

Năm 2011, tôi được Hội Nhà báo Việt Nam khu vực phía Nam giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Hội Nhà báo tỉnh Lâm Ðồng và một số tỉnh phía Nam thăm và làm việc với Hội Nhà báo các địa phương Thái Lan. Chuyến đi kéo dài 7 ngày, trong đó việc thăm và làm việc với tỷ phú Baan Sukhawadee tại tòa lâu đài tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 26 ha, cạnh bờ biển Pattaya là một bất ngờ không có trong lịch trình.
 
Một góc Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Một góc Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
 
Tiếp chúng tôi trong phòng khánh tiết khá sang trọng, toàn bộ ghế, bàn đều được mạ vàng óng ánh, tỷ phú Baan Sukhawadee, “vua gà” xứ chùa vàng, người giàu có nằm trong tốp 3 của Thái Lan tỏ ra rất thân thiện. Tỷ phú bắt đầu câu chuyện không hề mang ý nghĩa xã giao: 
 
- Tôi xin cám ơn ngài Trưởng đoàn và quý ông, quý bà nhà báo Việt Nam đã đến thăm. Tôi rất vinh dự! Tôi đã tìm hiểu về Việt Nam của quý ngài và tôi vô cùng khâm phục. Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh, người Việt Nam đã trải qua nhiều đau thương, mất mát. Đất nước của quý ngài đã thống nhất, đó là kỳ tích. Và chỉ sau hơn 30 năm hòa bình (thời điểm năm 2007), đất nước của quý ngài đã phát triển khó tin. Tôi đến thăm Việt Nam 2 lần; Việt Nam rất đẹp, người Việt Nam rất thân thiện, mến khách. Tôi rất ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam.
 
Trước lời chào thịnh tình đó, tôi đáp lời: 
 
- Thay mặt anh em trong đoàn, tôi cám ơn ngài đã đón tiếp và đã dành cho đất nước chúng tôi những tình cảm và sự trân trọng! Ngài nói đúng, Việt Nam chúng tôi đã trải qua những cuộc chiến triền miên và sự thống nhất đất nước là một kỳ tích phi thường như ngài đánh giá. Sự phát triển sau hơn 30 năm hòa bình cũng là một thành tựu. Rất cám ơn ngài đã hiểu khá rõ về lịch sử Việt Nam và tôi cũng xin được bày tỏ với ngài rằng người Việt Nam cũng rất ngưỡng mộ đất nước Thái Lan, đất nước của những nụ cười. Người dân Thái Lan gần gũi, dễ mến! Thưa ngài, những năm gần đây đã có rất nhiều người Việt Nam du lịch sang Thái Lan; báo chí Việt Nam cũng đã có rất nhiều bài viết ngợi ca về đất nước của ngài. Nhiều người Việt Nam rất yêu thích đất nước Thái Lan và học được rất nhiều điều hay từ đất nước của ngài.
 
Tỷ phú Baan Sukhawadee đáp lời: 
 
- Thưa ngài, hiện tại kinh tế Thái Lan phát triển hơn Việt Nam, điều đó là hiển nhiên, vì đất nước chúng tôi không có nhiều chiến tranh. Chúng tôi xây dựng đất nước trên cái nền rất thuận lợi, thuận lợi hơn rất nhiều so với đất nước của quý ngài. Người dân đất nước quý ngài có bản lĩnh và giàu nghị lực; có ý chí và giàu khát vọng, chỉ sau hơn 30 năm thống nhất, đất nước quý ngài đã gần tiệm cận với Thái Lan, tôi rất khâm phục. Tôi nghĩ sẽ không còn lâu nữa đất nước quý ngài sẽ vượt qua Thái Lan, người dân Việt Nam sẽ giàu có không hề thua kém Thái Lan. Nếu người Thái không học theo gương người Việt thì chắc chắn người Thái sẽ thua kém người Việt trong tương lai không xa. 
 
Cuộc gặp với những lời đối thoại bất ngờ và thú vị không hề có một sự chuẩn bị theo kịch bản ngoại giao. Phong thái đĩnh đạc, điềm tĩnh, thân thiện của tỷ phú Baan Sukhawadee chứng tỏ rằng, tỷ phú hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Những lời khen ngợi dành cho đất nước, con người Việt Nam xuất phát từ sự ngưỡng mộ chân thành. Tỷ phú Baan Sukhawadee vốn xuất thân từ một gia đình không phải giàu có, ông trân trọng dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp của ông được gầy dựng cũng bằng nghị lực và khát vọng làm giàu để hôm nay ông trở thành tỷ phú đa ngành mà nổi trội nhất là những trang trại gà “cực lớn” ở Pattaya, giúp ông trở thành người nổi tiếng giàu có ở Thái Lan. 
 
Sau 8 năm kể từ cuộc đối thoại thú vị đó, tôi vẫn nhớ như in lời “tiên tri” của tỷ phú Baan và tự hào rằng kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt, trong đó rất nhiều điều chưa từng có ở trong mơ. Hơn 35 năm trước, ngày tôi còn mài đũng quần ở ghế trường trung học, tôi chỉ mơ ước điều duy nhất là chỉ cần có những “bữa cơm độn khoai, độn củ” đủ no là hạnh phúc lắm rồi! Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi bước chân vào làm công chức, tôi cũng chỉ mơ có được bữa cơm đàng hoàng; mơ một ngày không còn phải ăn gạo mốc, gạo sâu, gạo sạn; mơ một chiếc xe đạp... Rồi những năm sau đó không chỉ tôi mà cả nước đã rộ lên phong trào “cả làng tập xe đạp”. Đầu thập niên 90, cuộc sống đã có phần khá hơn, nhưng ngày đó, tôi cũng chỉ dám mơ có được chiếc ti vi để xem thời sự! Rồi cũng chỉ vài năm sau đó, “ti vi màu nội địa” - cái mà ở nước Nhật xa xôi người ta vứt ngoài bãi rác công nghiệp được tuồn về Việt Nam, trở thành thứ mà tôi và rất nhiều người dân Việt Nam thèm mua với giá ba, bốn chỉ vàng. Đến giữa thập niên 90, tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam ước mơ có được chiếc xe máy, thế rồi điều mơ ước đó thành hiện thực, phong trào “xe máy nội địa” (cũng là thứ nhặt về từ bãi rác ở Nhật) lan tràn khắp phố thị cùng những cái tên “Cúp cánh én”; “Kim vàng giọt lệ” nổi đình, nổi đám một thời. Vài năm sau đó, vô vàn xe máy giá rẻ, chất lượng kém mang thương hiệu các nhà sản xuất không tên tuổi ở Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, biến “giấc mơ xe máy” trở thành hiện thực. Khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, vùng sâu, vùng xa; từ người khá giả đến người có mức thu nhập dưới mức trung bình cũng sắm được xe máy. Ngày đó “nhà nhà xe máy”, “người người xe máy”; đô thị nườm nượp xe máy; thôn quê cả làng tập xe máy. Là nhà báo, tôi may mắn được đi rất nhiều nơi, gặp gỡ được nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, từ nông dân đến công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, tất cả chỉ mong sao cuộc sống được no ấm, không ai dám mơ chuyện làm giàu. Vì vậy, ngày đó, nhà nào chỉ cần có được chiếc xe đạp, chiếc xe máy, ti vi màu nội địa cũng đã là “đỉnh” lắm rồi. 
 
Nhưng cuộc sống vốn dĩ không thể đoán định, từ nửa cuối thập niên 90 trở về sau, đời sống người dân bắt đầu đi lên với những đột phá từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là giai đoạn cả nước “vươn vai Phù Đổng”, chuyển động mạnh mẽ, không ngừng. Rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện làm giàu và từ 10 năm đầu của thế kỷ XXI, toàn bộ “phế phẩm” từng một thời hoàng kim đã được thay thế, xe đạp phần lớn chỉ còn dùng để rèn luyện thân thể; ti vi màu nội địa đã mất dạng, xe máy giá rẻ thành phế liệu; nhiều tỷ phú đã xuất hiện và đến nay hiện hữu nhiều điều chưa từng có trong mơ. Bây giờ, không ít người dân Việt Nam đã ăn ngon, mặc đẹp; nhà cửa xây dựng khang trang và có tính thẩm mỹ; tiện nghi sinh hoạt gia đình đủ đầy. Bây giờ không còn chuyện mỗi nhà một chiếc xe máy mà là mỗi người một chiếc xe máy; có không ít gia đình đã sắm xe hơi; nhiều ô tô sang trọng đời mới đã “cư ngụ” tận miệt vườn. Ti vi không còn chuyện màn hình 14 hay 21 in mà phải trên 30 in, trong mỗi gia đình đều có ti vi mỏng, siêu mỏng; màn hình cong. Ngày trước, gia đình nào có được chiếc điện thoại bàn cũng được coi là “oách”; nay điện thoại bàn hầu như không còn tồn tại mà thay vào đó là những chiếc điện thoại thông minh, mỗi người từ một đến hai chiếc; internet có mặt ở phần lớn các gia đình; máy tính bàn, máy tính xách tay hầu như nhà nào cũng có. Nông thôn bây giờ đường sá đã được nhựa hóa, bê tông hóa to rộng; điện lưới đã về tận rừng sâu, núi thẳm; biệt thự miệt vườn không đâu mà không có. Nhiều nông dân đã bắt đầu áp dụng công nghiệp 4.0; tự động hóa và vận hành sản xuất từ xa; các thiết bị, dụng cụ phục vụ sinh hoạt cuộc sống hàng ngày cũng được ứng dụng công nghệ thông minh. Ở bất cứ đâu, người ta cũng có thể quản lý sản xuất, điều hành kinh doanh; chỉ cần “ấn nút” ra lệnh, các thiết bị gia đình sẽ tự động thực hiện những công việc hàng này kể cả việc giám sát an ninh, an toàn trong gia đình... Đó là điều chưa từng có ở trong mơ và chắc rằng còn rất nhiều điều bất ngờ thú vị nữa đang đợi chờ phía trước.
 
44 năm sau giải phóng, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài. Bạn tôi từ Mỹ và một số quốc gia khác khi về thăm lại Việt Nam, họ đều rất ngỡ ngàng. Một Việt Nam khi họ ra đi còn nghèo xơ xác, ngày họ trở về đã khác rất xa. 
 
Trở lại câu chuyện với tỷ phú Baan Sukhawadee Thái Lan, tôi muốn nói lời cám ơn những dự đoán của tỷ phú về đất nước, con người Việt Nam, và rằng: Việt Nam chưa thể bằng Thái Lan nhưng khoảng cách đã rút ngắn khá nhiều, trong đó có một vài chỉ số Việt Nam đã vượt trội. Với đà phát triển như hiện nay cộng với sự bứt phá trên cơ sở thiên thời địa lợi, chắc chắn rằng Việt Nam, đất nước chúng tôi sẽ tiếp tục có bước tiến dài như dự đoán của tỷ phú từ 8 năm trước.
 
VĂN TÒA