Ðẩy nhanh tiến độ trồng rừng

08:12, 05/12/2018

Năm 2017, một trong hai chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Ðồng không hoàn thành là nhiệm vụ trồng rừng. Trong đó, việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cũng đã được Quốc hội khóa XIII ban hành trước đó (Nghị quyết số 62/2013/QH13, ngày 27/11/2013).   
 

Năm 2017, một trong hai chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Ðồng không hoàn thành là nhiệm vụ trồng rừng. Trong đó, việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cũng đã được Quốc hội khóa XIII ban hành trước đó (Nghị quyết số 62/2013/QH13, ngày 27/11/2013).   
 
Thông ba lá được trồng phủ xanh đất trống. Ảnh: M.Đ
Thông ba lá được trồng phủ xanh đất trống. Ảnh: M.Đ

Vì vậy, năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các địa phương cấp huyện và đơn vị chủ rừng khẩn trương rà soát, tổng hợp diện tích đất lâm nghiệp để xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế đảm bảo kịp thời vụ. Trong tháng 5/2018, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 2758 đánh giá: “Việc triển khai thực hiện rà soát quỹ đất, thẩm định hồ sơ, phương án trồng rừng rất chậm và còn lúng túng; nhiều đơn vị chủ rừng chưa chuẩn bị đầy đủ cây giống, quỹ đất để phục vụ trồng rừng thay thế”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm S đã tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương, đơn vị chủ rừng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng của mỗi đơn vị, địa phương. Và ngày 1/11/2018, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 9344/VPCP-NN ngày 27/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có Văn bản số 7160 giao Sở NN&PTNT “Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, chủ dự án đầu tư khẩn trương thực hiện việc trồng rừng thay thế theo hồ sơ, phương án được phê duyệt”. Cùng đó, tổng hợp tình hình, tiến độ toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát, tháo gỡ vướng mắc…   
 
Chúng tôi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng rừng thay thế theo hồ sơ thiết kế và thẩm định là 192,41 ha và thực hiện được 154,34 ha. Đáng lưu ý, tính đến tháng 11/2018, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sêrêpôk đã thẩm định 18.000 ha và BQLRPH Nam Ban đã thẩm định 3,10 ha nhưng đều chưa thực hiện. Đối với trồng rừng trên diện tích sau giải tỏa, thẩm định toàn tỉnh có tổng diện tích là 88,23 ha, thực hiện 85,28 ha, tuy nhiên, trồng rừng trên diện tích đất trống, đã thẩm định 56,72 ha nhưng mới thực hiện 27,80 ha; đặc biệt đơn vị BQLRPH Nam Huoai thẩm định 24,93 ha nhưng chưa thực hiện. 
 
Trong lúc đó, tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Tháng 11, tổng diện tích lấn chiếm 5,527 ha; trong đó, đã giải tỏa chưa trồng rừng 0,665 ha; chưa giải tỏa 4,862 ha. Còn diện tích tái lấn chiếm 23,976 ha (đã giải tỏa chưa trồng rừng 15,690 ha và chưa giải tỏa 8,286 ha). Tính lũy kế cả 11 tháng, tổng diện tích lấn chiếm 162,18 ha; trong đó, đã giải tỏa chưa trồng rừng 133,20 ha; chưa giải tỏa 28,99 ha và tái lấn chiếm 152,01 ha,… 
 
Nêu những con số cụ thể như trên để muốn nhấn mạnh, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng song song với phát triển rừng đang còn nhiều khó khăn, cần tích cực, quyết liệt trong thực thi của cả hệ thống chính trị các cấp như Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Ðồng chỉ đạo và quán triệt.  
 
Cũng cần ghi nhận là đến đầu tháng 11/2018, bộ phận chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm đã thẩm định xong kế hoạch trồng rừng năm 2018 tổng số 24 hồ sơ với 498,46 ha. Bên cạnh đó, đã cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống 142,5 kg hạt giống thông ba lá cho Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên; cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống lô cây con năm 2018 là 1.540.000 cây; thông ba lá 1.280.000 cây với 11 đơn vị; keo tai tượng 260.000 cây cho 1 đơn vị… 
 
Việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định cả hồ sơ trồng rừng và cả nguồn kinh phí rất cần các sở, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ và khẩn trương mới hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng như đặt ra. Theo kết quả thực hiện việc rà soát, điều chỉnh đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 596.476 ha, trong đó 71.214 ha đất chưa có rừng… Đây là căn cứ pháp lý để cụ thể hóa những kế hoạch trồng rừng theo từng giai đoạn. Vì vậy, Sở NN&PTNT và Sở TN&MT phối hợp các UBND huyện, thành phố, các đơn vị quản lý rừng rà soát, điều chỉnh ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp để giao cho từng đơn vị quản lý rừng theo quy hoạch điều chỉnh này. 
 
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, việc quỹ đất trống để trồng rừng rất hạn chế, nhiều đơn vị đã hết quỹ đất trồng rừng; diện tích đất còn lại manh mún, nhỏ lẻ, phân bố trong vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, về mặt chủ quan, cần thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thực sự có hiệu quả hơn. Đó là, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ thực thi công vụ trong lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Mặt khác, đó còn là sự phối hợp tốt giữa Kiểm lâm - chủ rừng - chính quyền địa phương cấp xã… Thực tế còn tồn tại những đơn vị chủ rừng chưa chủ động, thiếu tích cực rà soát lập hồ sơ thiết kế trồng rừng theo hướng dẫn của Sở NN & PTNT; chậm hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ thiết kế trồng rừng theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, thẩm định mặc dù đã chủ động đôn đốc nhiều lần. 
 
MINH ÐẠO