
Suốt 25 năm hình thành và phát triển, VOV Tây Nguyên đã bền bỉ đưa thông tin đến buôn làng. Và cũng chừng ấy năm, VOV Tây Nguyên đã gây dựng lòng tin bền chặt trong bà con các dân tộc khu vực Tây Nguyên.
Suốt 25 năm hình thành và phát triển, VOV Tây Nguyên đã bền bỉ đưa thông tin đến buôn làng. Và cũng chừng ấy năm, VOV Tây Nguyên đã gây dựng lòng tin bền chặt trong bà con các dân tộc khu vực Tây Nguyên.
 |
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên VOV Tây Nguyên, nhân dịp cơ quan này tròn 25 tuổi, lãnh đạo Đài TNVN đã trao tặng bức trướng “25 năm Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển” |
Chặng đường phát triển
Tây Nguyên là vị trí trọng yếu, đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả nước. Năm 1993, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã quyết định thành lập Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên tại thị xã (nay là thành phố) Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhằm tuyên truyền, phản ánh tình hình mọi mặt của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Năm 1994, VOV Tây Nguyên đã chính thức phát sóng chương trình phát thanh tiếng Ê Đê. Đồng thời, tổ chức sản xuất và truyền dẫn phát sóng trực tiếp các chương trình phát thanh tại chỗ. Và hiện tại, VOV Tây Nguyên thực hiện sản xuất và phát sóng chương trình hàng ngày bằng 6 thứ tiếng: Ê Đê, J’rai, Bahnar, Xơ Đăng, K’Ho, M’Nông và chương trình Thời sự Tây Nguyên bằng tiếng phổ thông ở khu vực Tây Nguyên; tiếp sóng hai tiếng dân tộc Thái và Hmông. Theo thông tin từ lãnh đạo VOV Tây Nguyên, hiện cơ quan này có đội ngũ đông đảo phóng viên, BTV là người dân tộc thiểu số (DTTS) các dân tộc gốc Tây Nguyên. Họ là những chuyên gia về biên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng DTTS và ngược lại. Sản xuất các chương trình phát thanh bằng tiếng các dân tộc Tây Nguyên phục vụ bà con là nhiệm vụ trọng tâm của VOV Tây Nguyên. Các sản phẩm báo chí của VOV Tây Nguyên không chỉ đảm bảo các yếu tố về thông tin tuyên truyền mà còn giàu hàm lượng văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu của bà con nghe đài ở các thôn, buôn. Bởi vậy, những người làm công tác phát thanh dân tộc ở VOV Tây Nguyên không chỉ là các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên mà còn làm việc như những người sưu tầm văn hóa. Sau 25 năm sưu tầm, lưu trữ; VOV đã góp phần giữ gìn hàng ngàn bài dân ca, bản diễn tấu, các truyện cổ Tây Nguyên, sử dụng thường xuyên trong các chương trình phát thanh hằng ngày và đăng trên trang thông tin điện tử của VOV Tây Nguyên. Điều này góp phần tạo điều kiện để các biên tập viên cập nhật thêm tiếng nói hằng ngày của bà con các buôn làng, đảm bảo các chương trình phát thanh gần gũi với ngôn ngữ thực tế của bà con; vừa phát huy cao nhất năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ để cho ra đời những bài báo phát thanh có giá trị, nhất là các bài về văn hóa truyền thống. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Từ một trụ sở chính ở thành phố Buôn Ma Thuột vào 25 năm trước, đến nay, VOV Tây Nguyên có văn phòng đại diện ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên. Mỗi tỉnh có từ 1 - 2 phóng viên phụ trách địa bàn.
Anh Quang Sáng - phóng viên VOV Tây Nguyên thường trú tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong nhiều trường hợp khó khăn, nguy hiểm; phóng viên VOV thường trú các tỉnh Tây Nguyên cũng không ngại để tác nghiệp. Có lần tác nghiệp ở vùng sâu huyện Cát Tiên, đường lầy lội xe không di chuyển vào những buôn xa được nên chúng tôi nhờ bà con chở vào. Những chiếc xe máy gần như còn trụi mỗi “bộ xương” được quấn xích vào bánh. Trước khi xe nổ máy, bà con bảo “giữa đường nếu bị đứt xích và xích cứa vào chân thì cũng ráng chịu nhé”, lòng hơi lo lắng nhưng vẫn quyết lên xe vì mục đích cuối cùng là mang thông tin thực tế đến với bà con. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các mô hình làm kinh tế giỏi, các chủ trương lớn của Nhà Nước như xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ rừng... được phóng viên VOV Tây Nguyên thông tin dày dặn, sản xuất chương trình hấp dẫn, lôi cuốn, dễ hiểu, góp phần tạo chuyển biến lớn từ nhận thức đến hành động trong nhân dân. Qua đó, tạo ra những bước phát triển nhất định trong đời sóng KT - XH khu vực Tây Nguyên”.
Gây dựng niềm tin
25 năm hoạt động, VOV Tây Nguyên chinh phục niềm tin của công chúng bằng những sản phẩm báo chí nhanh nhạy, đa âm sắc, giàu tính vùng miền, và bằng cách làm báo trách nhiệm, năng động, hướng về cơ sở.
Là một thính giả thường xuyên của Đài TNVN, ông Bon Niêng Ha Sào, Thôn 2, xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) nhận xét: “Từ 5 giờ sáng đến hơn 10 giờ khuya, mở radio lúc nào cũng có chương trình phát sóng dành cho bà con Tây Nguyên. Nghe đài phát thanh giúp bà con hiểu được tình hình ở những buôn làng trên khắp Tây Nguyên. Đài tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng đến tận người dân để họ rút ra những kinh nghiệm trong làm ăn, trong đời sống sinh hoạt, trong tổ chức cuộc sống gia đình”.
Trong 10 năm (từ 2007 đến 2017), đội ngũ phóng viên của VOV Tây Nguyên đã có 11 tác phẩm đoạt giải báo chí Quốc gia và hàng chục tác phẩm đoạt giải các kỳ Liên hoan phát thanh toàn quốc, Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam và giải báo chí ngành, địa phương. Với những thành tích đạt được, Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Nguyên đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất vào các năm 2004, 2008 và 2015; được Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc nhiều năm liền.
Trung bình hàng tháng, các phóng viên VOV Tây Nguyên sản xuất trên dưới 200 tác phẩm báo chí các thể loại để phát sóng trên đài phát thanh quốc gia, các tin, bài do VOV Tây Nguyên sản xuất còn được đăng trên báo điện tử VOV.vn, kênh truyền hình VOV, chương trình Thời sự Tây Nguyên và 6 chương trình tiếng dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ - UVTW Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, “hoạt động của VOV Tây Nguyên suốt 25 năm qua đảm bảo cho Đài TNVN theo sát các diễn biến ở cơ sở, thông tin chính xác, có chiều sâu. Trong giai đoạn mới, báo chí phát triển theo hướng đa phương tiện, cạnh tranh rất gay gắt, những phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan thường trú của Đài càng phải tích cực gắn bó với cơ sở và không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện về chuyên môn. Trong giai đoạn mới, anh em không chỉ làm phát thanh mà còn làm cho cả truyền hình, làm cho cả báo điện tử, báo in. Không những biết làm mà anh em còn phải làm thành thạo, làm giỏi. Không chỉ phát thanh trực tiếp, tại chỗ, mà còn phải truyền hình trực tiếp, tại chỗ. Ở trên địa bàn Tây Nguyên thì phải hiểu rõ về vùng đất và con người Tây Nguyên - một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc, và đưa được chiều sâu văn hóa ấy vào trong tác phẩm báo chí”.
N.NGÀ - H.YÊN