
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Lâm Đồng luôn bám sát chủ trương của Trung ương Hội CCB Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Lâm Đồng luôn bám sát chủ trương của Trung ương Hội CCB Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới.
 |
CCB xã Đạ Ròn (Đơn Dương) chuyển đổi từ nuôi bò vàng lấy thịt sang nuôi bò sữa giúp nâng cao thu nhập. Ảnh: Đ.T |
Năm 2017, Hội CCB tỉnh đã vận động thành lập mới 3 HTX, 17 THT, 5 câu lạc bộ do CCB làm chủ, vận động hỗ trợ xóa 18 nhà tạm (trị giá 690 triệu đồng) và 10 dự án giảm nghèo cho hội viên trị giá 230 triệu đồng. Tính đến tháng 12 năm 2017, Hội CCB tỉnh còn 391 hộ nghèo (chiếm 1,42%), hộ cần nghèo còn 537 hộ (chiếm 1,92%) trong tổng số hội viên.
Để thực hiện việc phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng đã đề ra 6 chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2018 - 2020, trong đó, hàng năm mỗi hội CCB huyện, thành phố vận động hội viên có điều kiện thành lập 2 đến 3 DN, HTX, THT sản xuất, kinh doanh. Giảm 1% - 1,5% hộ hội viên CCB là hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020 không còn hội viên là hộ nghèo, xóa cơ bản số nhà tạm. Xây dựng và phát triển các mô hình trong giảm nghèo và phát triển kinh tế, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm kinh tế, khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm…
Giải pháp để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên được Hội CCB tỉnh cụ thể hóa bằng các hình thức như: chủ động phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, đa ngành nghề; nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, THT, HTX, DN. Tích cực thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, các tổ chức hội tập trung chăm lo, cải thiện, đời sống hội viên…
Đến vùng đất Hiệp An (Đức Trọng), được chứng kiến nghị lực của CCB Phạm Ngọc Tổng (sinh năm 1961), mới thấy rõ sự quyết tâm thoát nghèo, phát triển kinh tế để xây dựng quê hương đất nước giàu, đẹp.
Bằng số tiền tích cóp và các nguồn vốn vay, CCB Phạm Ngọc Tổng đã đầu tư 0,5 ha nhà kính và sau đó nâng dần lên 1 ha để trồng các loại rau, hoa và thành lập vườn ươm tạo việc làm cho khoảng 20 lao động tại địa phương.
Ông Tổng cho biết: Với đặc điểm của địa phương là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn trình độ dân trí thấp nên khó có khả năng ra bên ngoài xin việc làm. Vì vậy, tôi đã tạo điều kiện để họ làm việc cho gia đình mình để giúp đỡ bà con từng bước ổn định cuộc sống.
Hay, Hội CCB xã Đạ Ròn (Đơn Dương) đã tích cực vận động hội viên và người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vận động hội viên chuyển đổi từ nuôi bò vàng lấy thịt sang nuôi bò sữa. Qua đó giúp số hội viên khá, giàu tăng lên 60%, nhiều hội viên có nhà cửa khang trang, sắm được nhiều vật dụng và phương tiện hiện đại, là gương sáng cho người dân học hỏi.
Mặt khác, để giảm nghèo nhanh và bền vững; Hội CCB tỉnh và các cấp Hội đã chủ động tổ chức điều tra, phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có hướng tháo gỡ, giúp đỡ các hội viên. Đặc biệt là các hội viên hội CCB vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để có biện pháp giúp đỡ cụ thể về nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất hay vấn đề dạy nghề cho con em.
Ông Phạm Duy Bình - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Thực hiện việc phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững được Hội CCB tỉnh xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tư vấn hội viên Hội CCB có điều kiện thành lập DN, HTX, THT sản xuất - kinh doanh, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ về cơ chế chính sách cho HTX, THT, DN do CCB làm chủ. Bên cạnh đó, các cấp hội, hội viên phải nhận thức sâu sắc, gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, CCB gương mẫu; đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
ĐỨC TÚ