
Vào Ðạ Sar (Lạc Dương) hôm nay, những vườn rau, hoa công nghệ cao đã "khoác" lên xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một "tấm áo" mới. Diện mạo này phần lớn là từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Hội Phụ nữ xã triển khai hơn một năm qua.
Vào Ðạ Sar (Lạc Dương) hôm nay, những vườn rau, hoa công nghệ cao đã “khoác” lên xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) một “tấm áo” mới. Diện mạo này phần lớn là từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Hội Phụ nữ xã triển khai hơn một năm qua.
 |
Những vườn atiso sản xuất theo chuỗi giá trị đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho phụ nữ Đạ Sar. Ảnh: T.H |
Trồng atiso 1:1:2
Đây đã là lần thứ tám vườn atiso của gia đình chị Lơ Mu K’Rim - Thôn 1 cho thu hoạch lá tươi sau 3 tháng xuống giống. Mỗi đợt từ 8 - 9 tạ với giá 2 ngàn đồng/kg, gia đình chị K’Rim cũng thu về được gần 2 triệu đồng. Là một trong 10 hội viên được chọn tham gia vào tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây atiso, chị K’Rim quyết định phá bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi để trồng loại cây mới. Sau 3 tháng xuống giống, vườn atiso của chị phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch lá. “Từ ngày trồng atiso, mình có thu nhập đều đặn từ mỗi lần hái lá. Vườn atiso nhà mình đang bắt đầu trổ bông, chắc sang năm 2019 sẽ thu được. Có thêm vốn, mình sẽ mở rộng diện tích trồng atiso vì thấy có hiệu quả kinh tế”, chị K’Rim vui vẻ.
Tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây atiso được Hội Phụ nữ xã Đạ Sar triển khai từ cuối năm 2017. Đây là mô hình được Hội LHPN tỉnh thành lập từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, với mục đích củng cố vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả của liên kết chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy giá trị gia tăng của nông sản và đảm bảo đầu ra cho nông sản địa phương. Khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây atiso, các hội viên phải tuân thủ sản xuất an toàn theo hướng công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu VietGAP. Các thành viên phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để tiếp cận khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; thực hiện đóng tiết kiệm hàng tháng để hỗ trợ các thành viên trong tổ.
Với diện tích mỗi hộ hội viên trồng 1 sào, các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc... “Mô hình trồng atiso theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi đang thực hiện theo hình thức 1:1:2 - nghĩa là 1 hộ trong dự án sẽ giúp cây giống cho 1 đến 2 hộ có nhu cầu trồng atiso. Và bắt đầu khi thu hoạch lá, mỗi hộ sẽ đóng 100 ngàn đồng/tháng để tạo quỹ cho những hội viên được giúp giống có vốn chăm sóc cây atiso. Vì thấy atiso là loại cây dễ trồng ngoài trời, cũng không tốn nhiều công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả cao nên Hội đã tiến hành nhân rộng hộ trồng. Hiện từ 10 hộ chúng tôi đã nhân rộng lên thêm 3 hộ, thời gian tới, Hội sẽ cố gắng nhân rộng lên 20 đến 30 hộ”, chị Liêng Jrang K’Đom - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Sar cho hay.
Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Cũng theo chị K’Đom, hàng năm, Hội Phụ nữ xã Đạ Sar đã triển khai cho các chi hội tổ chức rà soát, lập danh sách hộ hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tại địa phương để có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình có các nguồn hỗ trợ đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Một trong những giải pháp giúp hội viên thoát nghèo được Hội Phụ nữ xã Đạ Sar triển khai hiệu quả là cuộc vận động phụ nữ DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Phong trào thường xuyên được duy trì bằng nhiều hình thức: vận động, hướng dẫn hội viên trồng rau, hoa; giúp nhau ngày công lao động, giúp nhau cây và con giống, giúp nhau bằng tiền mặt cho vay không lấy lãi... Hiện toàn xã có 126 hội viên phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với hơn 30 ha rau, hoa công nghệ cao.
Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em vay có điều kiện sản xuất, kinh doanh, Hội đã tăng cường hoạt động khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có 94 hộ vay với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ của các nguồn vốn thông qua Hội Phụ nữ quản lý gần 19 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.
Không những vậy, Hội Phụ nữ xã Đạ Sar tiếp tục duy trì các mô hình giúp nhau thoát nghèo có địa chỉ cụ thể, mỗi chi hội đăng ký giúp ít nhất 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững trong năm.
“Với tổng số hội viên hơn 1.000 người, chỉ mới 10% hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nguyên nhân do hội viên không có vốn sản xuất, nguồn vốn vay cũng còn hạn chế nên nhiều chị chưa có điều kiện chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế, trong khi nhu cầu và mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của hội viên rất lớn”, chị K’Đom băn khoăn.
Còn bà Liêng Jrang K’Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar khẳng định: “Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Hội Phụ nữ xã mang lại hiệu quả cao trên cùng một đơn vị diện tích. Hội Nông dân cũng đang triển khai nhân rộng tại các hộ trên địa bàn xã để người dân được tiếp cận với phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập”.
TUẤN HƯƠNG