Những tiết học sinh động

08:12, 06/12/2018

Hôm nay có tiết Sinh học, các học sinh lớp 6, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương được dõi theo nhịp đập trái tim đang được cô giáo trình chiếu trên màn hình. Thì ra, hiện toàn bộ tám phòng học đều được lắp đặt hệ thống máy chiếu, tivi cỡ lớn và hệ thống máy tính kết nối mạng internet.

Hôm nay có tiết Sinh học, các học sinh lớp 6, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương được dõi theo nhịp đập trái tim đang được cô giáo trình chiếu trên màn hình. Thì ra, hiện toàn bộ tám phòng học đều được lắp đặt hệ thống máy chiếu, tivi cỡ lớn và hệ thống máy tính kết nối mạng internet.
 
Giờ Sinh học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương. Ảnh: M.V.B
Giờ Sinh học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương. Ảnh: M.V.B
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương có 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên; trong đó có 20 giáo viên. Năm học 2018-2019, trường có 195 học sinh đều được tổ chức nội trú. Hiện toàn bộ tám phòng học đều được lắp đặt hệ thống máy chiếu, tivi cỡ lớn và hệ thống máy tính kết nối mạng internet. Hiệu trưởng Hoàng Thị Cúc Huyền cho biết: “Trường bắt đầu triển khai ứng dụng CNTT trong giảng dạy từ năm 2008. Cùng với việc giúp giáo viên nâng cao kiến thức, tính sáng tạo trong những tiết học; giờ đây, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đã rất thích thú với những tiết học sinh động”.
 
Quả thực, từ năm 2008, những bản giáo án điện tử đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong những tiết học, được minh họa bằng các dữ liệu đa phương tiện một cách trực quan, đã tạo sức hút mạnh mẽ với học sinh. Những năm gần đây, đã xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại, như sách giáo khoa điện tử, bài giảng E-learning... đã tạo nên những giờ học chất lượng.
 
Năm học 2017-2018, huyện Lạc Dương có 23 trường học các cấp. Học sinh dân tộc thiểu số hơn 73%. Đến nay, huyện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học qua, ngành giáo dục huyện đã được đầu tư trang thiết bị dạy học, phần mềm quản lý, dạy học, với tổng kinh phí hơn 12,4 tỷ đồng. Bước vào năm học mới, ngành xác định, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương Phạm Hồng Thái cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai hiệu quả một số ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, dạy học, như quản lý trường học online, quản lý thư viện, xét tốt nghiệp THCS, thi học sinh giỏi, bài giảng điện tử... Đã tổ chức tập huấn, khuyến khích giáo viên tiếp cận công nghệ dạy học mới, truyền tải nội dung cuộc cách mạng 4.0 đến giáo viên, từng bước thay đổi tư duy sáng tạo trong dạy và học, tạo ra những tiết học chất lượng, hấp dẫn”.
 
Em Rơ Ông K’Ết cho biết: “Các tiết học ứng dụng CNTT đã giúp chúng em tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn. Như ở môn Anh văn này, sau khi cô giáo trình bày bài giảng, thì hình ảnh minh họa trên máy chiếu kết hợp với hiệu ứng âm thanh sẽ giúp chúng em dễ hình dung hơn, có điều kiện để nghe được tiếng Anh của người bản xứ”. CNTT là công cụ đắc lực, hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng phát triển giáo dục. “Một trong những điều kỳ diệu của thế giới là sự xuất hiện của internet, đã tạo ra một thế giới phẳng. Giờ, giáo viên, học sinh có thể tìm kiếm các bài giảng, những chủ đề liên quan để bổ trợ cho môn học. Những tiết học bây giờ là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo nên sự sống động, thích thú”, cô Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.
 
Năm học này, Trường THPT Lang Biang đón 389 học sinh theo học tại 12 lớp. Hiện trường có 27 giáo viên, tất cả đều đạt chuẩn đào tạo. Có thể nói, đây là ngôi trường khá đặc biệt, bởi có rất nhiều học sinh ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, cách trường từ 20 đến 70 km; 70% học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước vượt qua khó khăn, năm học qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt gần 96%, một học sinh đoạt giải ba cấp tỉnh môn Văn. Đặc biệt hơn, trong Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia, đề tài của học sinh Trường THPT Lang Biang được ngành Giáo dục Lâm Đồng chọn dự thi và đoạt giải nhì. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mậu Pháp cho biết: “Nhận thức tầm quan trọng của CNTT, nhà trường luôn quan tâm việc ứng dụng CNTT trong những tiết học, góp phần nâng cao chất lượng học tập cho học sinh; sự tìm tòi, sáng tạo của giáo viên và tạo môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, chứ không đơn thuần là thầy giảng, trò nghe, thầy đọc, trò chép như trước đây”.
 
MAI VĂN BẢO