Nốt nhạc "tình" giữa lòng phố thị

08:12, 13/12/2018

Nói anh là niềm hy vọng với những mảnh đời bất hạnh cũng không ngoa, nói anh là "Bồ Tát hiện thân" như một bình luận nào đó để lại trong facebook anh thì có lẽ, cũng không có gì quá đáng...

Nói anh là niềm hy vọng với những mảnh đời bất hạnh cũng không ngoa, nói anh là “Bồ Tát hiện thân” như một bình luận nào đó để lại trong facebook anh thì có lẽ, cũng không có gì quá đáng...
 
Anh Lê Huy Cầm. Ảnh: MPK
Anh Lê Huy Cầm. Ảnh: MPK
Với riêng tôi, anh là một người đặc biệt! Chia sẻ điều này với anh, anh chỉ cười xòa và bảo “Nói quá... Ngại”. Anh là Lê Huy Cầm, người Đà Lạt - thầy giáo dạy nhạc, sáng tác nhạc, vẽ tranh... Là người nghệ sĩ đúng nghĩa với vẻ ngoài giản dị, chân thành mà thật đáng trân trọng...
 
Có chút gì nghèn nghẹn, rưng rưng khi đọc những dòng anh viết: “Đà Lạt sau mấy ngày mưa, tối nay là một tối đầy sương mù và gió lạnh. Lang thang trên phố gặp hai sinh linh bé nhỏ ngồi thu lu nơi góc phố. Hỏi: Con ở đâu? Lạnh không?... Chỉ có một tí gì đó cho hai đứa, chú không đủ vòng tay để ôm hết mọi người...”.
 
“Chú không đủ vòng tay để ôm hết mọi người”, nhưng tận nơi sâu thẳm nhất, trái tim nhân ái ấy vẫn đủ ấm áp để sưởi ấm những phận người côi cút, vẫn đủ thương yêu để gần hơn với sự thống khổ, khốn khó, để mỗi ngày “tôi chọn một niềm vui” như ca từ trong bài hát của Trịnh.
 
Anh làm thiện nguyện, lặng lẽ. Giữa dòng đời tất bật hối hả bon chen, khi con người luôn muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất hay hư danh phù phiếm, thì với riêng anh, anh chỉ muốn mình là một gạch nối nhỏ nhoi, một sứ giả mang “tin lành”...
 
Không náo nhiệt, ồn ào như các hoạt động từ thiện được quảng bá rầm rộ mang thêm mục đích nào đó. Anh nảy sinh ý tưởng, tập hợp những anh chị em nghệ sĩ - những người con của Đà Lạt thành một nhóm thiện nguyện, tự tìm hiểu và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
 
Hỏi anh: “Làm từ thiện theo cách thức chẳng giống ai như vậy, anh có sợ người khác hiểu lầm về mục đích của mình?”.
 
Anh cười, và chia sẻ: “Anh thường cho các cụ già tiền mặt, vì nghĩ người già hay để dành tiền phòng khi mưa gió, bệnh nặng... Vì đi bộ (anh không biết đi xe máy) nên chở theo cả đống quà mà tới nhà từng người thì không kham nổi và tiện lúc nào thì đi lúc đó, khi rảnh. Cách làm từ thiện không giống ai nên có thể nói ra nói vào, nhưng anh tin là những người bạn hay giúp anh không thắc mắc vì anh sống như thế nào thì bạn anh biết rồi...”.
 
Và thường xuyên, người ta thấy anh trên phố, đang chuyện trò trìu mến với những cụ già bán vé số dạo, để trao chút quà, chút tiền... Có khi lại thấy anh tìm đến tận nơi những hoàn cảnh bệnh tật, bi kịch của bi kịch để nhen nhóm niềm hy vọng... Khi là người nghệ sĩ trăn trở với những đam mê... khi lại là người thầy dạy nhạc tận tụy... Ở vai trò nào, họ đều bắt gặp ở anh nét mộc mạc, thẳng thắn, chân tình...
 
Ở một căn nhà đơn sơ nơi xóm nhỏ nằm khuất trong một con hẻm gần trung tâm thành phố, Lê Huy Cầm - người đàn ông Đà Lạt, với chiều sâu nội tâm cùng nỗi cô đơn thường trực đã trải lòng với những nốt nhạc, cọ vẽ.
 
Sinh năm 1960, trải qua bao thăng trầm biến cố của cuộc sống riêng, anh đã làm bạn với cô đơn - như cách anh tự nhận. Cách anh viết, cách anh vẽ, cũng chính là cách viết nhật kí bằng những nỗi niềm... Trong những bức họa, những bản nhạc là dáng dấp của một Đà Lạt hiền hòa thơ mộng. Cuộc sống chầm chậm, ôn hòa nơi phố núi cũng từng ngày bồi đắp nét văn hóa của con người Đà Lạt trong anh.
 
Đà Lạt, xứ sở mộng mơ, xứ sở tình yêu... Tình yêu trong anh cũng giản dị, chan hòa với cỏ cây, thiên nhiên, con người, xứ sở... Như anh tâm sự “Mỗi điều đến với anh đều hết sức tự nhiên, lúc muốn viết gì đều không có chủ định trước, muốn viết một bài nhạc, giai điệu cũng đến như đã có từ tiềm thức, nó vào tác phẩm. Ngay cả thú vẽ tranh, tự nhiên cảm xúc tới, nó nhập vào trong tiềm thức của mình, tới lúc vẽ, những hình ảnh lại hiện ra lúc nào không biết...”. Và có lẽ, sự thương quý, sẻ chia với mọi người cũng xuất phát từ những điều tự nhiên như thế, giản dị và lặng lẽ. “Anh là phật tử Phật giáo, nên trong mười hai điều hạnh nguyện của Bồ Tát (là Phật nhưng không muốn về trời mà tại thế để giúp đỡ chúng sinh), có một điều cần phải làm là bố thí, giúp đỡ người khác. Anh thiếu điều này vì hàng ngày lo chạy gạo kiếm cơm, nay có cơ hội là người ở Đà Lạt lâu năm nên bạn bè anh em tín nhiệm để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình thì tội gì không làm? Khi làm lại thấy những đối tượng mà trước đây mình không tiếp cận, giờ được gần họ thì thấy họ dễ thương... Những đứa trẻ mồ côi thì coi anh như là cha là thầy, những cụ già bán vé số thì coi mình như là con... Sống một mình anh thiếu những thứ đó nên coi như việc làm thiện nguyện là một trao đổi tình thân...” - một chút tình thân, trao đi để nhận lại... Nghe anh nói, hiểu anh vẫn lặng giấu một tiếng thở dài.
 
Từng theo học Trường Kỹ thuật Lasan - một trường nổi tiếng của Đà Lạt trước năm 1975, anh đã không làm kỹ sư như kì vọng của bậc sinh thành. “Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”, anh ví von “con đường sự nghiệp” của mình như vậy. Từ chàng “học sinh kỹ thuật” thành nhạc công, rồi thành thầy giáo dạy nhạc...” và khi đi dạy thiếu nhi, chính bọn nhỏ giáo dục lại mình - vì tâm hồn chúng trong sáng, chỉ biết trao yêu thương...” - anh khiêm tốn chia sẻ.
 
Từng học qua về đạo diễn ở Trường Sân khấu Nghệ thuật, nên chính anh cũng là người đứng ra tổ chức đêm nhạc “Tình” - đêm nhạc quyên góp ủng hộ người nghèo, người già neo đơn mỗi dịp tết đến, xuân về.
 
“Với người nghèo, tiền ít tiền nhiều không phải là quan trọng, cái quan trọng hơn là những vòng tay, những câu nói làm họ thấy ấm áp, thấy mình không bị bỏ rơi giữa xã hội hỗn tạp này...” - anh giãi bày. 
 
Vạn sự tùy duyên, nốt nhạc “Tình” ấm áp anh đã viết nên trong lòng phố thị, nó sâu lắng và thân thương biết bao... Nốt nhạc “Tình” ấy đã lay động, chạm vào trái tim bao người, để họ cùng anh chung sức thắp lửa thương yêu...
 
Lê Huy Cầm - người nghệ sĩ đa tài với tấm lòng trắc ẩn vẫn ngày ngày làm sứ giả trao gửi thông điệp của hy vọng bằng những việc làm thiện nguyện, lặng lẽ thôi, như những mạch ngầm... Và tôi tin, mạch ngầm kiên nhẫn, bền bỉ ấy sẽ không bao giờ vơi cạn...
 
HỒNG THỦY TIÊN