
Vấn đề trật tự xây dựng nói chung, trật tự đô thị nói riêng được Chủ tịch UBND tỉnh Ðoàn Văn Việt nhắc lại tại kỳ họp thứ 6, HÐND tỉnh khóa IX vừa qua như là một trong những tồn tại để các ngành liên quan và địa phương tiếp tục chấn chỉnh.
Vấn đề trật tự xây dựng (XD) nói chung, trật tự đô thị nói riêng được Chủ tịch UBND tỉnh Ðoàn Văn Việt nhắc lại tại kỳ họp thứ 6, HÐND tỉnh khóa IX vừa qua như là một trong những tồn tại để các ngành liên quan và địa phương tiếp tục chấn chỉnh. Một trong ba đô thị của tỉnh Lâm Ðồng cần quan tâm nhiều nhất là thành phố (TP) Ðà Lạt, đặc biệt khi TP này đang tiến tới xây dựng TP thông minh khi tròn 125 năm hình thành và phát triển.
 |
Vỉa hè đường Yersin - cửa ngõ vào Quảng trường bị lấn chiếm gần như toàn bộ. Ảnh: M.Đ |
Những căn cứ pháp lý
Trước hết, căn cứ pháp lí là Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ XD. Đối với việc cấp phép XD các công trình XD, căn cứ Điều 8, Thông tư này quy định hồ sơ thiết kế có sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông; cấp nước; thoát nước mưa, nước bẩn; xử lý nước thải; cấp điện; thông tin liên lạc; các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan đến công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200, trường hợp XD mới, sửa chữa cải tạo, phải bổ sung trong nội dung bản vẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật về cấp nước và phải thể hiện rõ vị trí đặt bồn nước và hệ thống năng lượng nung nóng nước. Cụ thể, các công trình có thiết kế mái dốc thì vị trí bồn chứa nước cần đặt trong không gian mái, hệ thống năng lượng nung nóng nước đặt áp sát theo góc nghiêng của mái dốc; các công trình có thiết kế là mái bằng thì vị trí bồn chứa nước và hệ thống năng lượng nung nóng nước cần đặt có chiều cao < 1m so với cao độ của mái. Các trường hợp khác tùy theo nhu cầu sử dụng, vị trí lắp đặt bồn chứa nước, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời phải thuộc không gian bên trong công trình, đảm bảo an toàn sử dụng cũng như mĩ quan chung đô thị. Đối với các công trình XD đã XD có lắp đặt các hệ thống bồn chứa nước, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời như hiện trạng trên địa bàn theo TCVN 4319:2012 tại mục 3.1: các thiết bị kỹ thuật trên mái (gồm: cột ăng ten, cột thu sét, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, bể nước kim loại...) không tính vào chiều cao công trình. Do vậy, để xử lý các hạng mục lắp đặt nêu trên cần có hướng dẫn cho người dân về tiềm ẩn nguy cơ an toàn cũng như mĩ quan chung cho TP du lịch để khi có điều kiện sửa chữa hoặc thay đổi thiết bị (bồn chứa, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời) phải tuân thủ các yêu cầu về vị trí lắp đặt bồn nước và hệ thống năng lượng nung nóng nước. Về quản lý trật tự XD, lưu ý các nội dung vị trí lắp đặt bồn chứa nước và hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời theo thiết kế được phê duyệt để đảm bảo an toàn sử dụng cũng như mĩ quan đô thị. Những nội dung này đã được Sở XD tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo. Văn bản số 2019 của UBND tỉnh, tháng 4/2017, đã thống nhất các nội dung trên. UBND tỉnh giao UBND TP Đà Lạt “có kế hoạch, lộ trình hợp lý để xử lý các trường hợp bồn chứa nước, hệ thống nung nước nóng đã lắp đặt trên các công trình ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị theo hướng khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình đưa vào trong mái che của công trình hoặc có giải pháp phù hợp khác để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Trước khi cấp phép XD mới hoặc cải tạo công trình, nhà ở… yêu cầu làm rõ vị trí lắp đặt bồn nước và hệ thống nung nước nóng”.
“Ðường quy hoạch không nhỏ mà tư duy của người sử dụng nhỏ”
Làm việc với Phòng Kiến trúc - Quy hoạch, Sở Xây dựng, Trưởng phòng Phan Văn Trung vốn là cán bộ tâm huyết và phụ trách lĩnh vực đô thị của UBND TP Đà Lạt không giấu sự tiếc nuối tình hình trật tự đô thị của TP từ chỗ là “bức tranh sáng sủa” trước đây nay đang ngày càng bất cập. “Anh cứ đi dọc các tuyến phố của TP sẽ thấy được những thực trạng đáng buồn này”, ông Trung thẳng thắn nói với chúng tôi.
Mặc dù đô thị Đà Lạt được quan tâm đến môi trường xanh - sạch - đẹp, tuy nhiên sự nhếch nhác, bừa bộn là hiện hữu ở nhiều nơi. Ngoài vấn đề lắp đặt hệ thống nước trên cao không đảm bảo như quy định nêu trên, các phố còn đầy những vi phạm về trật tự đô thị. Đó là việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bằng cơi nới mái che, bày các bảng hiệu, bàn ghế, hàng hóa và các dịch vụ...
Còn rất nhiều công trình XD vi phạm khoảng lùi; các ki-ốt, bãi đậu xe đã nằm gần trọn vỉa hè. Hệ thống thùng chứa rác thải đặt không đúng chỗ, rác thải vung vãi lòng đường…
Đó còn là những hố ga thoát nước bị cố tình lấp lại để lấn chiếm; các chậu cây cảnh chiếm lối đi… Tình trạng trên dẫn đến tắc nghẽn giao thông cục bộ; người đi bộ lưu thông giữa lòng đường; khó khăn trong chữa cháy; ngập nước cục bộ; ô nhiễm môi trường v.v…
Nhận xét của ông Phan Văn Trung rất chí lí: “Đường quy hoạch không nhỏ mà tư duy của người sử dụng nhỏ”. Có hai nguyên nhân: khách quan là do công tác quản lý buông lỏng và chủ quan là ý thức chấp hành của mỗi người, từ người dân đến du khách. Vì vậy, rất cần đến hiệu lực quản lý, từ chính quyền, đơn vị chức năng và trách nhiệm chung tay của các tổ chức, các đoàn thể, nhất là cấp phường. Cùng đó là ý thức từ các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn TP trong việc chấp hành nghiêm các quy định về trật tự đô thị. Bài học đắt giá từ thực tiễn cho thấy, sự buông lỏng trong quản lý, thiếu giám sát và áp dụng chế tài không nghiêm từ các cơ quan chức năng sẽ dẫn đến ngày càng hết sức khó khăn trong lập lại trật tự đô thị, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và xử lí các tình huống về trật tự - an toàn xã hội.
TP Đà Lạt đang triển khai xây dựng TP thông minh, trước mắt đón chào 125 tuổi, hy vọng bộ mặt đô thị Đà Lạt sẽ khang trang, văn minh hơn. Được biết, UBND TP vừa phê duyệt gần 400 triệu đồng để chỉnh trang đô thị là một khởi đầu kết quả như mong đợi.
MINH ÐẠO