
Hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh "Không phát hiện = Không lây truyền" tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng ARV (thuốc kháng HIV), tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị thuốc kháng HIV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = Không lây truyền” tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng ARV (thuốc kháng HIV), tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị thuốc kháng HIV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
 |
Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã cung cấp thuốc điều trị đặc hiệu ARV cho 100% bệnh nhân trẻ em tại 63 tỉnh, thành phố với khoảng 4.800 trẻ em. Ảnh: D.H |
BS Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa Quản lý Điều trị HIV/AIDS thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 1.458 ca nhiễm HIV, 275 bệnh nhân AIDS; đã có 555 bệnh nhân nhiễm HIV tử vong, số người nhiễm HIV còn sống tại địa phương 631 người. Nhóm đối tượng nhiễm HIV cao nhất là nghiện chích ma túy, chiếm 36,2%; đối tượng mại dâm 19% và phụ nữ mang thai 8,1%. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong 9 tháng đầu năm 2018 đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho 24.453 phụ nữ mang thai, chuyển dạ, phát hiện 9 mẫu dương tính với HIV.
Việc điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho đứa trẻ sinh ra không nhiễm HIV dù mẹ bị nhiễm. Nếu một người phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV ở ba tháng đầu của thai kỳ cần được điều trị sớm. Thai phụ sẽ được uống thuốc sớm và tuân thủ điều trị, khi thai phụ đã uống thuốc đúng, cần xét nghiệm máu từ 3 đến 6 tháng/lần, tải lượng vi-rút dưới 200 bản sao/ml máu thì nguy cơ lây sang con sẽ thấp. |
Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh ghi nhận 12 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con. Trong đó, 3 trường hợp đã điều trị ARV trước khi mang thai; 9 trường hợp được phát hiện nhiễm HIV lúc chuyển dạ và cả 9 trường hợp được đưa vào điều trị ARV. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng ARV là 12 trẻ. Trong đó, có 6 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm PCR có kết quả dương tính với HIV (xét nghiệm PCR -Polemerase Chain Reaction phản ứng chuỗi polymerase được thực hiện từ trong giai đoạn sớm, đây là một phương pháp xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao). Tuy nhiên, chỉ có 1 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đang được quản lý điều trị ARV.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Lâm Đồng triển khai từ năm 2010 đến nay. Từ năm 2010, qua phát hiện trên địa bàn có 11 phụ nữ có thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và 11 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng ARV (đạt 100%), trong đó có 2 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV làm xét nghiệm PCR dương tính với HIV và không được điều trị ARV vì mất dấu (y tế không quản lý được).
Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm có từ 29.500 - 36.200 phụ nữ có thai trong tỉnh được xét nghiệm HIV, qua đó phát hiện mỗi năm có từ 10 - 25 phụ nữ có thai nhiễm HIV và đều đưa vào điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 100% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng ARV.
Thống kê từ năm 2010 đến 9 tháng năm 2018, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV trong tỉnh làm xét nghiệm PCR có 15 trẻ dương tính với HIV, trong đó có 5 trẻ được điều trị ARV (1 đã chết, 4 trẻ đang được quản lý điều trị). Có 2 năm (2012 và 2016), chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con không có trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV làm xét nghiệm PCR dương tính với HIV.
Độ tuổi nhiễm HIV cao nhất ở Lâm Đồng từ 25 - 49 tuổi (chiếm 74,7%), thấp nhất là nhóm dưới 15 tuổi (chiếm 3,03%). Phần lớn số trẻ dưới 15 tuổi nhiễm HIV là do lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn từ 2%- 6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính (chiếm từ 25% - 40%) làm lây truyền HIV. Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng chỉ có khoảng 5 trẻ sinh ra bị căn bệnh này từ mẹ. Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có hơn 2,7 triệu phụ nữ có thai, trong đó số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (chiếm 50,2%), phát hiện nhiễm HIV là 1.108 người; tỷ lệ HIV dương tính trong nhóm chẩn đoán sớm trong vòng hai tháng sau sinh là 1,8%. Số tích lũy đã có 1.959 người mẹ được điều trị ARV, trước mang thai là 1.166 người, trong thời kỳ mang thai là 428 người, trong thời kỳ chuyển dạ là 365 người.
Riêng Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hoạt động 16 năm qua - từ năm 2001 đến hết năm 2017, dự án đã hỗ trợ điều trị cho gần 50.000 bệnh nhân HIV/AIDS tại 30 tỉnh, thành phố trong nước và cung cấp thuốc điều trị đặc hiệu ARV cho 100% bệnh nhân trẻ em tại 63 tỉnh, thành phố với khoảng 4.800 trẻ em, đóng góp từ 40% - 48% số bệnh nhân điều trị ARV trên cả nước.
Hiện nay, cả nước tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm HIV trước và trong quá trình mang thai mới chiếm 53% khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, nhờ chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mà tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Chính vì vậy, hàng năm, cả nước triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (vào tháng 6 hàng năm).
Năm 2018 có chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020” đã nhấn mạnh việc tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV - bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Việc xét nghiệm HIV ngay khi biết mình mang thai trong quý đầu của thai kỳ hoặc ngay lần khám thai đầu tiên điều trị thuốc sẽ giảm mức độ nặng của bệnh cho mẹ và phòng lây truyền từ mẹ sang con hiệu quả hơn. Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.
AN NHIÊN