
Có rất nhiều điều mà một giáo viên Nhật Bản rất muốn chia sẻ với sinh viên Việt về cách học ngoại ngữ hiện nay, cụ thể là với việc học tiếng Nhật.
Có rất nhiều điều mà một giáo viên Nhật Bản rất muốn chia sẻ với sinh viên Việt về cách học ngoại ngữ hiện nay, cụ thể là với việc học tiếng Nhật.
 |
Cô giáo Yumi Koshishu (hàng trước, ôm hoa) cùng các sinh viên trong một lớp học |
Yêu Ðà Lạt
Theo một hợp đồng với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency - JICA), cô giáo Yumi Koshishu, 59 tuổi, người Nhật, đã đến dạy tiếng Nhật 2 năm cho các sinh viên Đại học Đà Lạt.
Rất tình cờ chọn Đà Lạt vì khi cô Yumi lên mạng để tìm hiểu về thành phố này thì thấy toàn hoa với phong cảnh đẹp, nhưng khi lần đầu tiên đặt chân đến, cô giáo người Nhật này đã phải ngạc nhiên vì mưa: “Tôi không nghĩ là Đà Lạt lại mưa nhiều đến thế”.
Đó là dịp tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu gõ nhịp ở thành phố này khi cô bắt đầu đi dạy ở đây, mưa kéo dài cho đến tháng 9, tháng 10 trong năm mới ngớt. “Mưa nhiều đến nỗi chồng tôi nghĩ rằng ông đã thấy mưa Đà Lạt còn nhiều hơn cả 20 năm khi gia đình tôi sống ở California - Mỹ”, cô vui cười.
Chồng cô là một nhà khoa học người Mỹ, ông làm việc tại tiểu bang này, cô Yumi cũng làm việc ở đó, đến khi chồng về hưu, cô muốn chuyển về châu Á dạy học và cô chọn Việt Nam, chồng cô đã đi cùng cô đến Đà Lạt. Khi cô dạy tiếng Nhật tại các lớp dạy của mình, ông cũng trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ giao tiếp cho các sinh viên học tiếng Anh trong trường.
Tại Đà Lạt, cô giáo Yumi thuê một căn hộ nhỏ gần Đại học Đà Lạt và cùng chồng đi bộ vào trường để dạy học hằng ngày. Theo thời gian, cô rất thích khí hậu Đà Lạt vì sự ôn hòa, đồng thời, cô giáo Yumi cũng cảm mến con người Đà Lạt bởi sự thân thiện, cởi mở, hiếu khách, dễ tiếp xúc; rất thiện cảm với sự lễ phép của sinh viên. “Thành phố này thật thanh bình, chắc chắn khi đi xa sẽ nhớ lắm”, cô bày tỏ.
Ðể học tiếng Nhật tốt
Cũng như nhiều giáo viên nước ngoài đang dạy ngoại ngữ tại Đại học Đà Lạt, cô Yumi Koshishu cho biết, để dạy tiếng Nhật cho sinh viên đạt hiệu quả cao không hề dễ dàng chút nào.
Vì đơn giản, số lượng sinh viên mỗi lớp tại Đại học Đà Lạt hiện khá đông, có lớp lên đến hàng trăm. Sĩ số đông như thế dẫn đến việc thiếu thời gian cho sinh viên thực hành giao tiếp tại lớp với giáo viên bản ngữ.
Trong khi đó, việc bất đồng ngôn ngữ giữa cô với sinh viên cũng cản trở ít nhiều việc học sao cho hiệu quả, nhất là trong việc giải thích từ mới, cách dùng mới cho sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất và năm hai. Với sinh viên năm ba, khả năng sử dụng tiếng Nhật có tiến bộ hơn, tuy nhiên theo cô Yumi, cũng chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp cơ bản, khá hạn chế khi đề cập đến những vấn đề rộng hơn.
Một điểm mà cô giáo lưu ý là trong lớp có không ít sinh viên học rất thụ động. Điều này với một giáo viên dạy học ở các quốc gia tiên tiến như cô là rất khó chấp nhận, khó đánh giá được đâu là năng lực thật sự của từng sinh viên, đâu là điểm mạnh, điểm yếu để hỗ trợ các sinh viên này cải thiện khả năng ngôn ngữ.
Để sinh viên hứng thú hơn với các giờ học, nhất là học ngoại ngữ, theo cô Yumi, nhà trường và giáo viên cũng nên sử dụng nhiều hơn các công nghệ hỗ trợ như máy chiếu, phim ảnh; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, các sinh hoạt học đường vui nhộn, trong đó yêu cầu sinh viên chỉ giao tiếp bằng thứ tiếng mình học, trong lớp cần tăng cường các hoạt động nhóm...
Nhằm khuyến khích sử dụng tiếng Nhật, cô yêu cầu sinh viên trong các lớp cô dạy dạy lại cho cô cách dùng tiếng Việt, rồi từng bước dùng các từ tiếng Nhật thay thế dần: “Nhiều em sẽ tự tin hơn khi dùng tiếng mẹ đẻ của mình để diễn tả một sự việc nào đó, sau đó khuyến khích các em thay thế bằng các từ tiếng Nhật”.
Cô giáo Yumi cũng khuyên sinh viên khi học bất kỳ ngoại ngữ nào, trong đó có tiếng Nhật rằng “nên cố gắng giao tiếp với người bản ngữ nếu có cơ hội, dùng thuần thục các câu ngắn, sau đó mới đến các câu dài, phức tạp hơn”. Trong lớp, cô khuyến khích toàn bộ sinh viên trong giờ học chỉ nói bằng tiếng Nhật, chỉ dùng tiếng Việt khi thật sự cần thiết.
Với những sinh viên rụt rè, cô thường yêu cầu giới thiệu về bản thân mình, gia đình mình, mong ước của mình, từ đó giúp các sinh viên này tự tin dần khi nói trước lớp.
“Tôi biết quan hệ giữa 2 đất nước Việt Nam và Nhật Bản hiện nay phát triển rất tốt, các sinh viên ở Đà Lạt cũng như ở Việt Nam nếu có một vốn tiếng Nhật vững vàng, các em có thể tìm cơ hội học tập và việc làm trên đất nước có nhiều sự phát triển như Nhật Bản” - cô giáo Yumi mong muốn.
GIA KHÁNH - VIỆT THUẬN