
(LĐ online) - Con tàu Amtrack California khởi hành từ Los Angeles đưa tôi và con gái đến ga Fresno C.A vào lúc 12.15' giờ địa phương. Trang Phan, tên cô gái Việt theo giờ hẹn đã đến đón. Sau khi chụp lưu niệm vài tấm hình tại sân ga cùng con tàu giữa cái nắng chang chang ở Cali, cũng đã trưa nên Trang Phan đưa chúng tôi đến một nhà hàng Việt để dùng bữa, lâu lắm rồi nay mới được ăn những món thuần Việt thật là ngon và đậm đà hương vị quê nhà.
(LĐ online) - Con tàu Amtrack California khởi hành từ Los Angeles đưa tôi và con gái đến ga Fresno C.A vào lúc 12.15’ giờ địa phương. Trang Phan, tên cô gái Việt theo giờ hẹn đã đến đón. Sau khi chụp lưu niệm vài tấm hình tại sân ga cùng con tàu giữa cái nắng chang chang ở Cali, cũng đã trưa nên Trang Phan đưa chúng tôi đến một nhà hàng Việt để dùng bữa, lâu lắm rồi nay mới được ăn những món thuần Việt thật là ngon và đậm đà hương vị quê nhà. Tôi qua Mỹ một mình ở tại thành phố Palm Bay bang Florida thăm gia đình cô con gái đã hơn tháng. Hôm kia hai cha con vừa bay qua Cali và hôm nay đáp tàu hỏa đến thành phố Fresno cách Anaheim Little Saigon khoảng 450km.
 |
Hình ảnh Trang Phan khi được trao văn bằng Tiến sĩ (bìa phải) |
Trang Phan và con gái tôi Thanh Allman là đôi bạn thân từ thuở còn học đại học Ngoại ngữ Huế. Sau một hai năm làm việc tại Việt Nam cả hai lại có cơ hội cùng học tại Trường Đại học bang Texas, USA. (The University of Texas – Pan American). Trang Phan trước Thanh Allman một khóa. Lấy bằng Master xong, nhờ tốt nghiệp xuất sắc cô được một vị giáo sư đỡ đầu tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Mỹ. Thỉnh thoảng hai bạn vẫn gặp gỡ vào những sự kiện lớn trong cuộc sống của nhau, tuy hiện tại hai cô ở hai bang khác nhau. Trang Phan ở Fresno C.A cách nhau 6 giờ bay.
Trang Phan là tên sau khi nhập quốc tịch Mỹ, còn tên cúng cơm cha mẹ đặt khi còn ở Việt Nam là Phan Thị Thùy Trang. Cô có dáng người nho nhỏ, ăn nói nhẹ nhàng truyền cảm, tính tình chất phát, hiền lành có lẽ do ảnh hưởng của cuộc sống nơi thôn dã từ thuở ấu thơ, khi còn là cô bé "lọ lem" cấp 1 học trường làng - Trường Tiểu học Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thùy Trang vẫn nhớ những ngày mùa đông, mưa nhiều, lũ lụt thường sớm gây ngập các lối đi lớn nhỏ đến trường. Hằng ngày để đến lớp, cô và các bạn phải đi bộ trên những con đường làng quanh co năm bảy cây số giữa cái nắng chói chang của miền Trung. Lên cấp ba thấy con đi học quá xa và lắm vất vả, cha mẹ mới dành dụm mua cho chiếc xe đạp cũ để bốn chị em thay nhau đến trường.
Tốt nghiệp phổ thông, cô bé trường làng thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ khoa tiếng Anh. Cả gia đình và nhất là cha mẹ mừng lắm. Gia đình làm nông, nhà lại còn ba đứa em nhỏ, kinh tế chỉ nhờ vào mấy sào ruộng lúa và chú lợn nái trong chuồng, cha mẹ sao kham nổi. Hồi ấy sinh viên học ngành sư phạm được miễn học phí toàn khóa cho nên nỗi lo của những bậc làm cha, làm mẹ vơi bớt phần nào.
Sau bốn năm cần cù, nhẫn nại chịu thương chịu khó thì Trang tốt nghiệp đại học. Cầm mảnh bằng trong tay cô vui mừng khôn xiết, dòng nước mắt ấm nóng tự dưng chảy dài trên khuôn mặt nhỏ nhắn đen sạm vì nắng gió gian nan. Cô xúc động thực sự khi biết mình đã vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai và thử thách.
Là phận nữ nhi lại là chị cả trong một gia đình đông con nhưng Trang Phan luôn mang trong mình khát khao vươn lên cùng với một tấm lòng hướng thiện mạnh mẽ. Cô quyết tâm thực hiện hoài bão và ước mơ của mình mong thoát khỏi lũy tre làng, bờ ao, tiến ra “Trên đường băng” như những lời nhắn nhủ và động viên với lứa tuổi thanh xuân trong những tác phẩm của Tony Buổi Sáng mà cô đã có dịp đọc. Tuổi trẻ cần như vậy! Dám đi, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, biển rộng trời cao, ta cứ vẫy vùng.
Ở lại cố đô, thành phố Huế cổ kính, tự nhủ với lòng mình kiếm tạm một công việc nào đó phù hợp phụ giúp kinh tế gia đình mong sao cha mẹ đỡ nhọc nhằn khi tuổi cao sức yếu, mặt khác cô còn nghĩ đến các em đang độ tuổi ăn tuổi học. Một thời gian ngắn sau đó vận may bất chợt đã đến với Trang Phan, trường đại học UTPA, Texas Hoa kỳ đã nhận cô vào học bậc cao học. Cô gái trường làng có dịp thực hiện ước mơ và hoài bão ấp ủ từ bấy lâu nay. Sau một thời gian nỗ lực học tập tại UTPA Hoa Kỳ, cô tốt nghiệp loại giỏi và được một vị giáo sư đỡ đầu động viên tiếp tục làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ.
Đây có lẽ là giai đoạn gian lao nhất từ trước đến nay với Trang Phan, cô phải đối mặt và tự giải quyết một số lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian nhất định. Hệ thống giáo dục ở Mỹ đòi hỏi nghiên cứu sinh không những giỏi về lý thuyết chuyên sâu mà ngay cả thực hành, tư duy làm việc phải sáng tạo. Nghiên cứu sinh cần phải nỗ lực hết mình, mang tất cả sở trường làm sở dụng, siêng năng làm việc bất kể ngày hay đêm để hoàn tất các chương trình về chuyên đề và nghiên cứu khoa học một cách chuẩn xác. Muốn làm được điều này, nghiên cứu sinh phải thông thạo ngoại ngữ bao gồm cả bốn kỹ năng như một ngôn ngữ chính thứ hai của mình để có thể giao tiếp hằng ngày, tham gia giảng dạy, làm trợ giảng cho giáo sư, tham khảo sách tại thư viện hoặc tranh luận, thuyết trình đề tài với hội đồng nhà trường.
Nơi đất khách quê người, xứ lạ Trang Phan đã đôi lần nản chí trước áp lực công việc kèm nỗi cô đơn kinh hoàng khi thiếu thốn tình cảm của những người thân trong gia đình, bạn bè… Có lúc cô cũng muốn bỏ cuộc chơi, buông xuôi cho dòng đời trôi chảy. Sau những đêm trăn trở, sáng mai thức dậy khi vươn vai hít thở luồng không khí trong lành mát mẻ đã giúp cô tỉnh táo cũng cố niềm tin yêu hy vọng. Nguồn nghị lực vốn có trong bản chất Trang Phan lại một lần nữa chiến thắng cái bản ngã yếu hèn vốn thỉnh thoảng xuất hiện trong những lúc cô đơn, trống vắng, không có điểm tựa. Một lần nữa, không biết là lần thứ bao nhiêu Trang Phan tự nhủ: “- Không cho phép bản thân nản chí, phải vượt lên chính mình, Trang ơi”.
Cuối cùng Trang Phan cũng về đích, cô đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào năm 2016. Trong ngày lễ nhận văn bằng, người cha thân yêu lần đầu tiên trong suốt cả cuộc đời gian truân nay mới có dịp bước lên con chim sắt khổng lồ vượt trùng dương ngàn dặm với tâm trạng bỡ ngỡ, hồi hộp đan xen, mong thấy được thành đạt của con mình. Sau sự kiện quan trọng đó Trang Phan chính thức tham gia giảng dạy tại Đại học Houston – Texas đúng một năm, đến tháng 6 năm 2017 cô chuyển sang bang California.
Hiện nay Trang Phan giảng dạy tại Trường Đại học Fresno bang California, đồng thời phụ trách một dãy lab chuyên ngành và đặc biệt dưới cô còn có dăm bảy nhân viên người Mỹ cùng làm việc. Hiện tại theo tôi được biết trường có đến hơn 40.000 sinh viên từ nhiều nước trên thế giới đến đây học tập với nhiều chuyên ngành khác nhau, trong số đó có rất ít du học sinh Việt Nam. Tôi đã có dịp đến đây và được cô Trang Phan dẫn đi giới thiệu với các nhân viên của cô và được tận mục sở thị một số phòng làm việc, giảng đường, thư viện, phòng ăn, phòng giải trí dành cho sinh viên cùng một số cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, tất cả đều nhằm mục đích duy nhất là tạo mọi thuận lợi tối đa cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.
Khi tôi viết những dòng này thì cô Trang Phan vừa trở về Việt Nam thăm gia đình trong kỳ nghỉ hè ba tháng. Mỗi khi có dịp trở về quê hương điều trăn trở lớn nhất của cô khi tâm sự cùng tôi là làm thế nào giúp đỡ, động viên, tìm con đường ngắn nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện hòa nhập cộng đồng quốc tế, có cơ hội du học nước ngoài thông qua các tổ chức giáo dục, học bổng... Điều cô băn khoăn và muốn làm ngay là được địa phương, trường cũ quan tâm để Phan Trang có cơ hội, có tiếng nói động viên các thế hệ học sinh, sinh viên nhìn vào tương lai với cái nhìn đầy lạc quan tin tưởng.
Ts. Hoàng Công Long