
Trong nhiều năm nay, Bảo hiểm Xã hội Lâm Ðồng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại đơn vị.
Trong nhiều năm nay, Bảo hiểm Xã hội Lâm Ðồng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại đơn vị.
 |
Tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa BHXH tỉnh. Ảnh: G.Khánh |
Không để trễ hạn
Một trong những điểm nổi bật trong cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy - cán bộ phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (hay bộ phận một cửa) của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Lâm Đồng, chính là việc bộ phận một cửa tại BHXH tỉnh cũng như của hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều hoạt động rất ổn định, không để xảy ra chậm trễ, ách tắc. Từ đó hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đến giao dịch.
Tại tất cả các bộ phận một cửa từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành, theo yêu cầu của tỉnh, đều phải làm tốt việc công khai hóa toàn bộ TTHC để mọi người đến đều có thể dễ dàng tra cứu khi cần. Người dân, các tổ chức cũng có thể tra cứu bộ TTHC này trên cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh.
BHXH tỉnh trong nhiều năm nay đã vận hành rất hiệu quả phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ” để trực tiếp theo dõi việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC của tất cả các đơn vị trong ngành của tỉnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh việc rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC, BHXH Lâm Đồng lâu nay còn thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC, đảm bảo không phát sinh thêm các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ nằm ngoài quy định của nhà nước và của BHXH Việt Nam. Từ 32 thủ tục như trước đây, theo bà Thủy, hiện BHXH chỉ còn áp dụng 28 thủ tục.
Theo yêu cầu, tất cả các cấp BHXH trong tỉnh phải nghiêm túc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC của ngành.
BHXH tỉnh cũng không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ viên chức làm công tác tư vấn, hướng dẫn và tiếp nhận, trả kết quả TTHC tại bộ phận một cửa từ cấp tỉnh đến cấp huyện - thành. Ngành quán triệt đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành về quy tắc ứng xử, giữ gìn kỷ cương hành chính và đạo đức trong thực thi công vụ.
Trong giải quyết TTHC, từ năm 2014 đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ qua hệ thống bưu điện trong toàn tỉnh và khuyến khích mọi người sử dụng dịch vụ này.
Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay, BHXH tỉnh và các huyện - thành phố đã tư vấn, hướng dẫn về thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho trên 12.600 lượt người; tiếp nhận 131.777 hồ sơ TTHC, trong đó qua bưu điện 62.485 hồ sơ, qua giao dịch điện tử 30.720 hồ sơ. Ngành đã giải quyết đúng hạn 132.047 hồ sơ (cả số hồ sơ còn lại từ năm trước chuyển sang), trong đó riêng qua dịch vụ bưu chính là 92.307 hồ sơ. “Số hồ sơ giải quyết quá thời hạn chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chừng 0,001%” - bà Thủy cho biết.
Kết nối dữ liệu toàn tỉnh
Theo ông Huỳnh Tấn Chỉ, Phó Giám đốc BHXH Lâm Đồng, đơn vị lâu nay luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý ngành cùng đẩy mạnh CCHC của toàn đơn vị.
Hiện BHXH tỉnh đang quản lý và sử dụng 19 máy chủ nhằm vận hành hiệu quả việc kết nối mạng thông qua các phần mềm hiện có, đảm bảo an toàn dữ liệu. Tất cả các công chức, viên chức trong ngành đều được trang bị máy tính với cấu hình đủ mạnh để xử lý công việc hằng ngày. Đơn vị đến nay đã dùng hệ thống thư điện tử trong chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ từ cấp tỉnh đến cấp huyện - thành.
Thông qua hệ thống mạng máy tính này, đến nay, BHXH Lâm Đồng đã kết nối dữ liệu của toàn bộ 173/173 cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh qua Cổng tiếp nhận thông tin hệ thống giám định của BHXH Việt Nam.
173 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên bao gồm 21 cơ sở tuyến tỉnh, tuyến huyện - thành phố, các cơ sở y tế tư nhân cùng các cơ sở khám bệnh tuyến xã - phường - thị trấn được hợp đồng thông qua các trung tâm y tế cấp huyện - thành phố. Toàn bộ dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh này chuyển đến sẽ được giám định bằng phần mềm chuyên dụng của BHXH Việt Nam nhằm kiểm soát, phát hiện các thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT bất hợp lý tại các cơ sở này.
BHXH tỉnh và các huyện - thành phố cũng thực hiện chữ ký số đối với các văn bản gửi đi; BHXH tỉnh yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường việc gửi, nhận văn bản bằng hộp thư điện tử công vụ, hạn chế thấp nhất việc dùng giấy, trừ những văn bản được yêu cầu phải ký và gửi đi bằng giấy.
Theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh cùng các huyện, thành đang chỉnh sửa, điều chỉnh bộ quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay, đảm bảo tuân thủ thời gian giải quyết theo quy định.
Theo ông Huỳnh Tấn Chỉ, ngành cũng đẩy mạnh việc thực hiện giao dịch điện tử trong đăng ký tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời từng bước triển khai hồ sơ điện tử trong giải quyết hưởng chế độ BHXH. Tính đến nay đã có gần 99% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với cơ quan BHXH khi có phát sinh; chỉ tính trong những tháng đầu năm nay, số lượng hồ sơ điện tử đã tăng hơn 3% so với năm trước đó.
BHXH tỉnh cho biết cũng đang phối hợp với VNPT Lâm Đồng triển khai việc nhắn tin qua điện thoại cho các trường hợp đến thời điểm đóng BHXH tự nguyện và thời điểm hết hạn sử dụng thẻ BHYT hộ gia đình trong tỉnh.
GIA KHÁNH