
Việc đánh số và tổng hợp, lưu trữ thông tin một cách khoa học đã tạo nên sự thuận lợi cho quá trình kiểm tra và quản lý cây xanh. Ðồng thời, đây là bước đầu cho sự chuẩn bị số hóa cây xanh trong tương lai.
Việc đánh số và tổng hợp, lưu trữ thông tin một cách khoa học đã tạo nên sự thuận lợi cho quá trình kiểm tra và quản lý cây xanh. Ðồng thời, đây là bước đầu cho sự chuẩn bị số hóa cây xanh trong tương lai.
 |
Từ việc gắn mã số, công tác quản lý cây xanh trở nên thuận tiện hơn. Ảnh: H.Thắm |
Đã hơn 2 năm qua, gần 4.000 cây xanh trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) đã được gắn một mã số cố định. Đây là số cây xanh do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng (QL&KTCTCC) quản lý. Theo ông Hồ Hữu Hiếu, Giám đốc Trung tâm, việc triển khai gắn mã số giúp công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như quản lý cây xanh thuận tiện hơn. Mô hình này bước đầu đã mang lại kết quả tích cực trong công tác chăm sóc và quản lý cây xanh, đồng thời nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân.
Cụ thể, mỗi cây được gắn một mã số trên một tấm biển nhỏ bằng chất liệu mica, số thứ tự được thống nhất cùng với tên đường được quy định trước đó. Toàn bộ dữ liệu, cả về chủng loại, phân loại cây... cũng được tổng hợp một cách chi tiết trên máy tính để có thể dễ dàng kiểm tra, trích xuất khi cần thiết.
Nhờ đó, nhiều lần Trung tâm QL&KTCTCC nhận được phản ánh từ phía người dân trên địa bàn khi phát hiện sự cố đối với cây xanh. Trong nhiều trường hợp khi có đối tượng lạ cưa, cắt cành cây trái phép hay cây đổ, gãy cành trong mùa mưa bão thì khi nhận được thông tin, bộ phận kiểm tra cây xanh, vỉa hè nhanh chóng xác định được vị trí và kịp thời xử lý vấn đề. Trên cơ sở đó nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng trong việc xử lý kịp thời các thông báo sự cố từ người dân. Đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chăm sóc, gìn giữ cây xanh, bảo vệ cảnh quan đô thị.
Theo các cán bộ phòng kỹ thuật và quản lý chất lượng công trình, từ khi quản lý bằng mã số đã rút ngắn thời gian kiểm kê cây xanh cũng như thuận lợi cho việc lên kế hoạch duy trì, chăm sóc hằng năm. Trước đây, nếu muốn kiểm tra số lượng cây xanh theo định kỳ thì đơn vị này cần trực tiếp đếm, ghi chép… Địa bàn rộng, số lượng cây khá lớn nên đã xảy ra nhiều trường hợp nhầm lẫn, thiếu chính xác.
Ông Hồ Hữu Hiếu cho biết thêm, quản lý bằng mã số và tổng hợp dữ liệu là bước đầu để tiến tới việc số hóa cây xanh. Từ lâu Nhà nước đã có quy định quản lý cây xanh thông qua đánh số trên các tuyến phố đô thị để lập hồ sơ và định kỳ kiểm tra theo quy trình kỹ thuật quy định. Đồng thời, việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng trên đường phố phải phù hợp với từng loại đường phố, đặc thù của mỗi đô thị và phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trong tương lai, nếu quản lý bằng phần mềm thì có thể góp phần nâng cao năng suất lao động từ việc quản lý chặt chẽ, cung cấp nhanh, kịp thời thông tin phục vụ kiểm tra, lập kế hoạch duy trì, chăm sóc hệ thống cây xanh và công tác phòng chống cây bị gãy đổ trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, từ việc quản lý chặt chẽ lý lịch cây xanh, lịch sử kiểm tra sẽ giảm thiểu chi phí duy trì, chăm sóc cây xanh.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành quản lý toàn bộ cây xanh trên hệ thống thông tin địa lý (phần mềm GIS) để theo dõi và xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, cắt tỉa cành cây. Trong đó có việc lập danh sách chủng loại cây thuộc diện bảo tồn cần theo dõi đặc biệt để đề xuất hướng xử lý phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho người dân. Phần mềm cho phép thu thập dữ liệu tài sản cây xanh tại thực địa (vị trí, hình ảnh, thông tin) bằng thiết bị di động (máy tính bảng, điện thoại thông minh) với khả năng hiệu chỉnh vị trí chính xác trên bản đồ nền tại thực địa. Theo thời gian, khi có thêm cây xanh được trồng mới thì cũng dễ dàng cập nhật, thêm mới dữ liệu nhanh, dễ sử dụng với nhiều công cụ chuyên biệt được thiết kế riêng cho lĩnh vực cây xanh...
HỒNG THẮM