Đảm bảo an toàn thực phẩm ở thành phố du lịch

09:09, 07/09/2018

Một mùa hè du lịch vừa khép lại, thành phố Đà Lạt lại một lần nữa là điểm thu hút khách du lịch bốn phương đến nghỉ mát. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách, có một đội ngũ gồm những người làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố đã tích cực làm việc.

Một mùa hè du lịch vừa khép lại, thành phố Đà Lạt lại một lần nữa là điểm thu hút khách du lịch bốn phương đến nghỉ mát. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách, có một đội ngũ gồm những người làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố đã tích cực làm việc.
 
Ra mắt mô hình ATTP đường phố với 28 hộ kinh doanh ở đường Nhà Chung - Phường 3 ký cam kết đảm bảo ATTP dưới sự chứng kiến của các ban, ngành, đoàn thể. Ảnh: A.Nhiên
Ra mắt mô hình ATTP đường phố với 28 hộ kinh doanh ở đường Nhà Chung - Phường 3 ký cam kết đảm bảo ATTP dưới sự chứng kiến của các ban, ngành, đoàn thể. Ảnh: A.Nhiên
BS Nguyễn Văn Côi - Trưởng Phòng Y tế Đà Lạt cho biết: Công tác vệ sinh ATTP được ngành Y tế Đà Lạt rất quan tâm để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa du lịch hè, lễ 2/9 và dịp Trung thu 2018. Phòng Y tế đã xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP phục vụ nhân dân và du khách. Chúng tôi tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những vùng trọng điểm là những cơ sở sản xuất phục vụ cho số lượng lớn du khách đến ăn uống. Vừa qua, chúng tôi cũng đã ra quân theo chỉ đạo của UBND thành phố thành lập đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh ATTP, thực hiện việc kiểm tra 13 cơ sở, trong đó phối hợp với Chi cục ATTP tỉnh kiểm tra 4 cơ sở nước uống đóng chai, 7 cơ sở sản xuất nước đá, 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng và 1 cơ sở tạp hóa có kinh doanh bán nước đá số lượng nhiều. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn kiểm tra 8 cơ sở phục vụ ăn uống tại khu vực Chợ đêm Đà Lạt là khu vực đông khách nhất. Hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP thành phố cũng đã tiếp tục kiểm tra được 9 đơn vị trọng điểm là những cơ sở năm trước có những vi phạm về ATTP. Qua các đợt kiểm tra nêu trên đã phát hiện 7 cơ sở vi phạm về: khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh; người phục vụ chưa khám sức khỏe đầy đủ; các hồ sơ nguồn gốc thực phẩm có thực hiện nhưng chưa đầy đủ... Qua đó, chúng tôi nhận định rằng công tác kiểm tra ATTP phải thường xuyên duy trì. Đối với ATTP bánh trung thu, chúng tôi đã bắt đầu đợt kiểm tra, bước đầu ghi nhận qua kiểm tra 2 cơ sở đều có hồ sơ nguồn gốc đầy đủ.
 
Thực tế tại TP Đà Lạt, tình hình du khách tập trung vào khu vực Chợ đêm Đà Lạt rất đông, nhu cầu sử dụng các thực phẩm, thức ăn ở đây đang diễn ra một cách “sôi động”. BS Côi cho biết thêm, theo chỉ đạo của UBND thành phố, qua củng cố tình hình an ninh trật tự, việc kiểm tra, giám sát ATTP khu vực Chợ đêm, từ trước lễ 30/4 đã được đơn vị chức năng triển khai. Trong đó có nhiều hoạt động như: tập huấn cho các chủ cơ sở ăn uống về kiến thức ATTP; riêng về mặt pháp lý, đoàn đã đề nghị chính quyền đưa vào quản lý chặt chẽ hơn, tức là cấp phép kinh doanh, thẩm định, cấp phép cơ sở ăn uống đủ điều kiện ATTP (trước đây do một công ty đảm nhiệm nên cấp phép chung, còn vấn đề hộ cá thể hầu như do Chợ Đà Lạt quản lý). Sau dịp lễ 30/4, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đã tập hợp, chỉnh đốn lại khu vực Chợ Đà Lạt, trong đó có Chợ đêm phục vụ ăn uống... Theo BS Côi, riêng khu vực Chợ đêm Đà Lạt luôn quá tải du khách hàng đêm nên thực tế công tác vệ sinh ATTP có đôi lúc đôi nơi vì yếu tố lợi nhuận nên phục vụ kém chất lượng. Do đó, đơn vị chức năng khuyến cáo người dân, du khách cần nhận biết vấn đề ATTP, có những khu vực thông báo số đường dây nóng để thực khách thông tin nhằm kịp thời xử lý những trường hợp vì lợi nhuận mà cung cấp thực phẩm không đảm bảo sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết, lúc đoàn thực hiện kiểm tra thì tốt nhưng khi đoàn kiểm tra rút đi, đâu lại vào đó, có tình trạng khách đông, quá tải, công tác phục vụ lại kém hơn, do đó người dân, du khách cần lựa chọn hợp lý địa chỉ ăn uống để đảm bảo sức khỏe, yên tâm du lịch...
 
Hiện nay, tại khu vực trung tâm Đà Lạt, vào mùa du lịch cao điểm, xe bán rong các loại thực phẩm nướng (que xiên, bánh tráng nướng, bắp, khoai lang nướng...) trở nên tràn lan ở các tuyến đường, loại hình này cần quản lý chặt chẽ về ATTP. Trước tình hình này, BS Côi cho biết: Về hàng ăn vặt, chúng tôi có họp Ban chỉ đạo ATTP thành phố, trong đó có Ban chỉ đạo về ATTP cấp phường, xã, bởi thức ăn đường phố do cấp phường, xã quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Nhìn chung, Đà Lạt hiện có 2 khu vực lớn là khu vực Quảng trường - Công viên Yersin và khu vực Chợ Đà Lạt do Phường 10 và Phường 1 quản lý, cơ bản đã có ổn định hơn do Chủ tịch UBND các phường này đích thân ra quân, chỉ đạo nên đã dẹp được các hàng rong, quán cóc. Vấn đề buôn bán hàng rong không chỉ là vấn đề ATTP mà liên quan đến lập lại trật tự đô thị văn minh, tình hình này so với những năm trước đã có những chuyển biến. Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt đảm bảo ATTP theo phân cấp. Các hội, đoàn thể cũng phối hợp triển khai như Hội Phụ nữ Phường 2, Phường 3 đang xây dựng mô hình tuyến đường ATTP thức ăn đường phố ở đường Phan Đình Phùng và đường Nhà Chung, đây là tín hiệu tốt trong đảm bảo ATTP ở thành phố du lịch. 
 
Khu vực ẩm thực Chợ đêm Đà Lạt. Ảnh: Chính Phong
Khu vực ẩm thực Chợ đêm Đà Lạt. Ảnh: Chính Phong
Ngành Y tế Đà Lạt có 2 đoàn kiểm tra ATTP với nhiệm vụ khác nhau. Một đoàn đi hướng dẫn tuyên truyền vận động các cơ sở thực hiện mà không xử phạt, đó là Đội y tế dự phòng thường xuyên đi kiểm tra ATTP hàng quý, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm, những trường hợp thiếu hiểu biết chưa đảm bảo thực hành đúng ATTP thì được lực lượng này hướng dẫn để đảm bảo đủ các điều kiện về ATTP. Đoàn thứ hai là đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP để tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và các quy định pháp luật về ATTP, đánh giá công tác chỉ đạo triển khai thực hiện ATTP của các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến phường, xã; qua đó phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những sai phạm của các cơ sở. BS Côi nhấn mạnh: “Thực sự, chúng tôi không thể nào thanh tra, kiểm tra toàn thành phố với tổng số gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nên chúng tôi chọn trọng điểm. Khi đoàn kiểm tra căn cứ vào những biên bản đã hướng dẫn rồi mà cơ sở vẫn tiếp tục vi phạm buộc đoàn liên ngành phải xử lý vi phạm. Việc kiểm tra ATTP theo lịch định kỳ đối với các cơ sở do chúng tôi cấp phép, còn kiểm tra dấu hiệu vi phạm thì đoàn kiểm tra đột xuất thực hiện. Thực sự đối với công tác ATTP, khi kiểm tra mà thông báo trước thì chủ cơ sở đã có sự chuẩn bị, ví dụ thực phẩm ôi thiu thì đổ đi chỉ để phần tươi, khu chế biến làm sạch trước khi đoàn kiểm tra; tủ lạnh, lưu mẫu, hồ sơ sổ sách chuẩn bị trước thì không thể nào gọi là đảm bảo ATTP thường xuyên được mà có tính đối phó với đoàn kiểm tra”.
 
Trưởng Phòng Y tế TP Đà Lạt so sánh với điểm mốc trước 30/4/2018, từ khi thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Đà Lạt thì tình hình ATTP tại địa bàn thành phố có sự chuyển biến hơn, nhất là khu Chợ đêm Đà Lạt. Tại các cơ sở trọng điểm, chính những cơ sở năm trước có liên quan đến ngộ độc thực phẩm khi đoàn liên ngành kiểm tra trở lại đã nhận thấy hầu như các cơ sở này có sự đảm bảo ATTP tốt hơn, các quy định về mặt pháp lý, hồ sơ giấy tờ đều tuân thủ tốt hơn so với năm trước.
 
AN NHIÊN