
Nông thôn mới không chỉ là vùng nông thôn giàu có, no ấm; NTM còn là địa bàn có chất lượng sống tốt, tạo một môi trường sống vui tươi cho cư dân. Bởi vậy, xây dựng các thiết chế văn hóa tại vùng NTM, vận hành các thiết chế một cách hiệu quả cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là tiêu chí không thể thiếu trên con đường xây dựng NTM.
Nông thôn mới (NTM) không chỉ là vùng nông thôn giàu có, no ấm; NTM còn là địa bàn có chất lượng sống tốt, tạo một môi trường sống vui tươi cho cư dân. Bởi vậy, xây dựng các thiết chế văn hóa tại vùng NTM, vận hành các thiết chế một cách hiệu quả cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là tiêu chí không thể thiếu trên con đường xây dựng NTM.
 |
Xây dựng sân bóng cho học sinh từ công tác xã hội hóa. Ảnh: D.Quỳnh |
Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, yêu cầu mỗi xã phải có nhà văn hóa, thôn phải có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là những thiết chế văn hóa cơ bản giúp cư dân có nơi để tham gia sinh hoạt tập thể; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao; tiếp cận thông tin đa chiều.
Tính tới tháng 8/2018, toàn tỉnh đã có 109/117 xã có nhà văn hóa (đạt 93,16%), trong đó có 95/109 xã có nhà văn hóa cơ bản đạt theo quy định. Với nhà sinh hoạt cộng đồng, có 886/988 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (đạt 89,6%), trong đó có 627/886 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn cơ bản đạt tiêu chuẩn cơ bản. Để có được các thiết chế văn hóa thôn, xã, Lâm Đồng đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển để bố trí khoảng trên 750 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hóa văn hóa cũng nhận được sự tham gia tích cực của nhân dân, đặc biệt là trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bà con đã hiến hàng nghìn m
2 đất, đóng góp trên 44 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng mới và sửa chữa nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, buôn; từ đó các hoạt động văn hóa ở cơ sở ngày càng phát triển. Cụ thể như thành phố Đà Lạt đã cấp trên 3.000 m
2 đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, tổng kinh phí 5 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhân dân đóng góp trên 3,5 tỷ đồng, nhiều gia đình ở Lạc Dương hiến 3-400 m
2 đất để xây dựng nhà cộng đồng.
Sự hỗ trợ của Nhà nước đã cộng hưởng với sự tích cực của cư dân các xã NTM. Khắp các xã trên địa bàn Lâm Đồng, phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao được duy trì đều đặn. Hàng trăm CLB thơ, dân ca, âm nhạc, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông sinh hoạt thường xuyên, tạo sân chơi cho cư dân nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất. Từ sự vận động của toàn thể cộng đồng, nhiều thay đổi tích cực đã và đang diễn ra trong đời sống của nông thôn. Nhiều địa phương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới như giảm tục thách cưới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Hà, Đơn Dương. Huyện Đạ Tẻh vận động thân nhân không rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang khi có người qua đời. Đạ Tẻh, Cát Tiên xây dựng tuyến đường kiểu mẫu bằng việc trồng hoa cỏ lạc tại các tuyến đường và nhà văn hóa xã, thôn... Điều khá đặc biệt với Lâm Đồng là duy trì được sự đa dạng bản sắc văn hóa. Với đặc thù một tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, Lâm Đồng phát triển và duy trì được những nét đặc trưng của mỗi dịa phương, mỗi dân tộc. Đó là các nhóm cồng chiêng K’Ho, Châu Mạ ; là những CLB dân ca quan họ miền Bắc, cải lương miền Tây Nam Bộ, những CLB đàn tính hát then của người Tày, Thái... Đời sống nông thôn đã có bước chuyển tích cực, ngoài phát triển kinh tế, đời sống văn hóa cũng ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu của cư dân.
Từ việc phát triển các phong trào văn hóa trong thôn, xã; hiện trên địa bàn tỉnh đã có 899/988 thôn được công nhận và công nhận lại danh hiệu thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 90,9%. Về số xã, đã có 77/117 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia. Đây cũng là con số khẳng định Lâm Đồng đang tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng NTM.
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn trong việc phát triển đời sống văn hóa ở vùng nông thôn. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, một trong những điểm yếu là công tác xã hội hóa cho hoạt động, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn chưa huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Kinh phí dành cho công tác văn hóa cũng còn thấp, hoạt động nhiều khi vẫn mang tính phong trào, bề nổi. Bà Nguyễn Thị Nguyên dẫn chứng cụ thể như con số người luyện tập thể thao thường xuyên của Lâm Đồng mới đạt xấp xỉ 29%, trong khi số liệu trung bình của quốc gia là 32%. Chỉ khi công tác xã hội hóa văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần tại vùng nông thôn mới thực sự bền vững.
DIỆP QUỲNH