"Ngỡ ngàng" môn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục!?

08:09, 11/09/2018

Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do một nhóm đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Ðại nghiên cứu từ năm 1978 và áp dụng dạy-học thí điểm trong 40 năm qua. Nhưng đầu năm học 2018-2019 lại "bùng nổ" tranh cãi, thậm chí gay gắt và phản ứng thái quá từ một bộ phận cộng đồng.

Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) do một nhóm đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Ðại nghiên cứu từ năm 1978 và áp dụng dạy-học thí điểm trong 40 năm qua. Nhưng đầu năm học 2018-2019 lại “bùng nổ” tranh cãi, thậm chí gay gắt và phản ứng thái quá từ một bộ phận cộng đồng. Chúng tôi đã từng phỏng vấn GS Hồ Ngọc Ðại về GDCN, từng tham gia đào tạo giáo viên (GV) phổ thông, bài báo này có lời trao đổi về TV1-CNGD và liên hệ với địa phương. 
 
Tiết học TV1-GDCN. Ảnh: M.Đạo
Tiết học TV1-GDCN. Ảnh: M.Đạo

Tính khoa học và tính pháp lý 
 
Chương trình sách học của lớp 1 theo CNGD có 18 đầu sách, trong đó, 3 cuốn về TV1: tập 1 (âm/chữ), tập 2 (vần) và tập 3 (tự học). Mục đích của GS Đại là: “Học sinh (HS) của tôi học có 2 cái quan trọng nhất là vật thật và vật thay thế, vật thật là tiếng nói, âm nghe. Chữ chỉ là vật thay thế”. Về khoa học, phần đông các nhà ngôn ngữ học nhận định cách đánh vần của TV1-CNGD không sai; việc phân biệt chữ cái và âm (vị), quy ước kết hợp chữ trong các phụ âm với âm đệm, âm đôi với âm cuối cũng chuẩn xác. So với TV1 chương trình đại trà, TV1-CNGD hướng tiết dạy-học về quy luật chính tả, nghiêng về mặt ngữ âm học. Chính phương pháp tiếp cận mới này đã dẫn đến “ngỡ ngàng” và “lạ” đối với nhiều phụ huynh. Kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia: “Tài liệu TV1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh (HS) hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho HS; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học”.
 
Phía Bộ GDĐT, ngày 8/9/2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chính thức nêu quan điểm của Bộ về việc triển khai tài liệu TV1-CNGD: “Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn, nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với HS vùng khó, vùng dân tộc thiểu số”. 
 
Hiện nay, các trường tiểu học trên cả nước đều thực hiện một Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Do vậy, dạy theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 hiện hành hay tài liệu TV1- CNGD đều phải đạt được mục tiêu môn học đã được quy định trong chương trình. Năm học 2018-2019, toàn quốc có 48/63 tỉnh, thành áp dụng tài liệu TV1-CNGD (tỉ lệ 76,1%) với 469 huyện, 7.872 trường, 27.981 lớp và 50,64% tổng số HS lớp 1 của cả nước theo học.
 
Lâm Ðồng có 71,4% HS tham gia TV1-CNGD
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, Trường Tiểu học Thực nghiệm Lê Quý Đôn thành phố Đà Lạt áp dụng dạy học TV1-CNGD từ năm học 1993. Sở GDĐT cho biết, năm học 2012-2013, tài liệu này được áp dụng dạy học tại 60 trường tiểu học tham gia Chương trình SEQAP. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 208/255 trường áp dụng tài liệu TV1-CNGD với 676 lớp, 20.635/28.894 HS tham gia, tỉ lệ 71,4% HS lớp 1 toàn tỉnh.
 
Phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở đánh giá TV1-CNGD: Về kiến thức, đa số HS nắm chắc cấu tạo ngữ âm tiếng Việt nên đều đọc được và đọc tốt; nắm chắc các quy tắc chính tả, học đến đâu chắc đến đó, không bị nhầm lẫn khi viết chính tả; đặc biệt HS được rèn nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu vào lớp 1. Về kỹ năng, HS thành thạo các thao tác; hiểu và thực hiện tương đối tốt các lệnh trong quá trình học; được tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, HS có kĩ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt. Về thái độ, HS hứng thú học, yêu thích môn học. Về năng lực, phẩm chất, HS chủ động, tự tin tham gia các hoạt động học tập; thông qua việc làm, các thao tác học, tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của bản thân một cách nhẹ nhàng, hứng thú.
 
Ngày 7/9, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo Sở GDĐT Lâm Đồng, Phó Giám đốc Huỳnh Quang Long nêu về quan điểm của Sở GDĐT như sau: Phương pháp dạy học theo tài liệu của TV1-CNGD qua thực tế đã áp dụng cho thấy, tài liệu này đã giúp HS phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu TV1-CNGD. Trong những năm qua, việc áp dụng dạy học theo tài liệu TV1-CNGD, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, học xong lớp 1 HS đã biết đọc, biết viết và nắm chắc luật chính tả. Đặc biệt, đối với HS khó khăn về ngôn ngữ, HS dân tộc đã đọc, viết thành thạo khi lên lớp 2. 
 
Nhìn chung, việc triển khai tài liệu TV1-CNGD đã đạt được một số kết quả, nhiều trường tiểu học vận dụng linh hoạt trong quá trình triển khai, GV nắm chắc nội dung, phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng mới, HS đọc thông viết thạo, nắm chắc ngữ âm, kĩ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt. Các trường học đã có nhiều sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong công tác chuyên môn, giám sát và hỗ trợ tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng GV, có nhiều cố gắng nỗ lực, khắc phục khó khăn đặc thù của địa phương và kết quả học tập cuối năm của HS lớp 1 rất đáng ghi nhận. Đây cũng là sự gặp gỡ với nhận xét của những người đã kinh qua nhiều năm đối với chương trình CNGD ở Lâm Đồng như cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực nghiệm Lê Quý Đôn Nguyễn Văn Thức, cựu Phó phòng Giáo dục thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Uông... 
 
Mấy điều cần bàn 
 
Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi chỉ nêu một vài nhận xét chung sau. Câu chuyện về phương pháp dạy học “vuông, tròn” đang lan rộng theo hướng châm biếm, tệ hơn là không ít thái độ cực đoan và thiếu kiềm chế của một bộ phận phụ huynh. Nguyên nhân có thể chưa hiểu đúng về phương pháp sử dụng ô vuông là để giúp HS hiểu về “tiếng” (âm tiết) trước khi nhận mặt chữ; cũng có cả nguyên nhân ai đó đang cố tình bóp méo bản chất. Các ô vuông này cũng chỉ được dạy trong một vài buổi đầu, sau đó sẽ được áp dụng vào bảng chữ Quốc ngữ như bình thường, để hỗ trợ cách đánh vần của HS. Nghĩa là HS nắm vững khái niệm về âm thanh trước rồi mới bắt đầu học về từ, nghĩa và chữ viết. 
 
Cũng do chưa hiểu và bức xúc, một số người đã đánh đồng tài liệu TV1-CNGD với “Bản đề xuất cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền” mà Viện Ngôn ngữ đã chính thức công bố không áp dụng trước đó. Tuy nhiên, TV1-CNGD do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên cũng chưa phải đã hoàn thiện như mong muốn. Ví dụ, một số ngữ liệu trong sách không phù hợp với lứa tuổi về mặt học thuật hoặc về tính nhân văn, chưa đảm bảo giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt; các hướng dẫn, hoạt động giúp HS đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng nhiều; kĩ năng đọc - hiểu và kĩ năng nói - nghe chưa thực sự được chú ý nhiều. Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả GV và HS có thể hạn chế sự sáng tạo của GV và hứng thú của HS. GV và HS phải bỏ nhiều công sức hơn so với chương trình đại trà. Hoạt động dạy - học lặp đi lặp lại, dễ tạo cảm giác đơn điệu...
 
Như đã nêu, phương pháp dạy học TV1-CNGD có phần “lạ” đối với phụ huynh, do đó việc chuẩn bị tinh thần cho phụ huynh trước là điều rất quan trọng. Hầu hết các trường đã không có bước phối hợp để tháo gỡ vấn đề này dẫn đến càng tạo nên áp lực lớn lên GV và HS. Bên cạnh đó, việc cung cấp tài liệu TV1-CNGD chỉ độc quyền cũng là vấn đề rất cần nghiêm túc xem xét lại từ cơ quan chức năng. Những câu hỏi khác cũng khó trả lời là: tại sao chương trình GDCN đã áp dụng 40 năm vẫn là “thí điểm”; vì sao đầu năm học 2018-2019 lại “bùng nổ” từ phía xã hội, trong lúc từ năm học 2016-2017, cả nước đã có 48 tỉnh, thành phố triển khai TV1-CNGD với 7.857 trường tham gia? Những nội dung này rất cần sự vào cuộc từ Chính phủ, đặc biệt sắp tới sẽ thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. 
 
PHAN MINH ÐẠO