
Việc kết nghĩa chi hội phụ nữ giữa các thôn người Kinh với các thôn đồng bào dân tộc thiểu số là cách làm của xã Mê Linh (Lâm Hà), giúp chị em phụ nữ giữa các thôn có cơ hội cùng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Việc kết nghĩa chi hội phụ nữ giữa các thôn người Kinh với các thôn đồng bào dân tộc thiểu số là cách làm của xã Mê Linh (Lâm Hà), giúp chị em phụ nữ giữa các thôn có cơ hội cùng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
 |
Từ mô hình kết nghĩa, phụ nữ Thôn 3 và phụ nữ thôn Hang Hớt có điều kiện để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế và xây dựng đời sống tinh thần. Ảnh: V.Quỳnh |
Hỗ trợ phát triển kinh tế
Từ hơn một năm nay, ngoài việc trồng cà phê, chị Liêng Hót K’Thơm (thôn Hang Hớt, xã Mê Linh) còn có thêm thu nhập từ việc trồng dâu nuôi tằm. Vốn dĩ, chị chưa hề nghĩ tới việc chuyển đổi giống cây trồng, khi gia đình chị vừa không có vốn để đầu tư, cũng không biết kỹ thuật chăm sóc. Năm 2017, nhờ chị em từ Chi hội phụ nữ Thôn 3 hỗ trợ giống dâu và tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chị K’Thơm mới có điều kiện và mạnh dạn chuyển đổi.
Ngoài chị K’Thơm, còn có thêm 4 chị khác của thôn Hang Hớt nhận được sự hỗ trợ này với diện tích 4 sào dâu giống. Đến nay, các vườn dâu của các chị đều đang phát triển tốt và chị em tiến hành nuôi tằm lứa thứ 2, thứ 3.
Đây là một trong những hoạt động mà chị em phụ nữ Thôn 3 thực hiện nhằm hỗ trợ cho phụ nữ thôn Hang Hớt, trong mô hình kết nghĩa giữa phụ nữ thôn người Kinh với thôn đồng bào dân tộc thiểu số do Hội Phụ nữ xã Mê Linh thực hiện từ tháng 4/2017.
Chia sẻ về lý do đi tiên phong thực hiện mô hình kết nghĩa này, cô Lỗ Thị Thư - nguyên Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thôn 3 cho biết: “Trong rất nhiều lần có dịp lên các thôn Hang Hớt, Cổng Trời; tôi nhận thấy phụ nữ các thôn đồng bào rất thiếu thốn, không chỉ về vật chất, điều kiện kinh tế mà còn về mặt tinh thần khi mà hoạt động hội cũng rất thiếu và yếu”. Với kinh nghiệm 15 năm làm công tác hội phụ nữ, cô Thư nhanh chóng kết nối giữa 2 thôn với mong muốn tạo điều kiện giao lưu, kết nghĩa, từ đó tạo sự đoàn kết để hỗ trợ các chị em về tinh thần và vật chất.
Từ đó đến nay, cứ đều đặn mỗi tháng một lần vào ngày chủ nhật, chị em phụ nữ Thôn 3 lại lên thôn Hang Hớt để cùng nhau giao lưu, sinh hoạt. “Ngoài việc tuyên truyền, vận động chị em thay đổi giống cây trồng, hỗ trợ dâu giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, chúng tôi còn thường xuyên gom quần áo cũ còn tốt, đóng vào bao rồi mang lên cho chị em, các cháu nhỏ ở trên đó. Mình không giúp được bằng tiền bạc thì giúp bằng những việc nhỏ đó. Năm nay, các chị em thôn Hang Hớt bắt đầu nuôi tằm nhưng không có tiền mua nong né, Chi hội phụ nữ Thôn 3 lại vào những nhà bán né đã cũ với giá rẻ để mua giùm người ta, rồi các hộ trong thôn Hang Hớt sẽ lần lượt thay phiên nhau dùng vì không thể nào hỗ trợ mua mỗi nhà một bộ” - cô Thư chia sẻ.
Một việc làm thiết thực nữa của mô hình là việc kết nối tìm người làm công giữa 2 thôn trở nên dễ dàng hơn. Bên cần người, bên cần việc. Chỉ cần khi nào người dân Thôn 3 cần người làm công thì có thể liên hệ với Chi hội trưởng thôn Hang Hớt để tìm được người. Vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho phụ nữ người đồng bào, vừa giải quyết vấn đề nhân công cho địa phương.
Chia sẻ tâm tư
“Qua thời gian, mô hình kết nghĩa giữa Thôn 3 và thôn Hang Hớt đã cho thấy hiệu quả tốt, bằng chứng rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa các chị em người Kinh và người đồng bào thân thiết, gần gũi hơn. Việc tuyên truyền, vận động từ đó cũng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn” - chị Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mê Linh cho biết. Điều này góp phần xây dựng lực lượng nòng cốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ đồng bào dân tộc, phản ánh kịp thời với chính quyền.
Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hang Hớt, chị Liêng Hót K’Chiêm nhận thấy rõ những lợi ích mà mô hình này mang lại: “Nếu như trước đây, các chị em các thôn đồng bào rất ngại tiếp xúc, trò chuyện và tham gia các hoạt động của hội thì bây giờ đã khác. Các đội văn nghệ, đội bóng chuyền được thành lập, giúp các chị có môi trường để giao lưu và làm giàu đời sống tinh thần”.
Đã trải qua nhiều ngày chủ nhật đội mưa, đẩy bộ xe trên những đoạn đường lầy lội để sinh hoạt với các chị em Thôn 3, cô Thư cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết từng ngày giữa phụ nữ 2 thôn. Mỗi dịp được mời lên thôn Hang Hớt dự đám cưới, đám tiệc, các chị em Thôn 3 lại tranh thủ cùng trò chuyện, chia sẻ để nắm bắt tập quán sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ. Những hôm thuê người làm công, trong lúc vừa làm, các chị em vừa tâm sự thân tình với nhau, rồi từ đó mà kết hợp tuyên truyền, khuyên bảo về giữ gìn bảo vệ môi trường sống, về sinh đẻ có kế hoạch,... Nhờ đó mà trong 6 tháng đầu năm, thôn Hang Hớt không xảy ra trường hợp sinh con thứ 3; không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Mô hình không thách cưới đã vận động, tuyên truyền 5 hộ gia đình thành công.
Từ hiệu quả mà mô hình kết nghĩa tại Thôn 3 và thôn Hang Hớt mang lại, tháng 7 vừa qua, mô hình giao lưu kết nghĩa tiếp tục được nhân rộng tại Thôn 1 và thôn Thực Nghiệm. Theo chị Nguyễn Thị Xuân, việc kết nối giữa chị em phụ nữ trong xã nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, xây dựng và nhân rộng mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững.
VIỆT QUỲNH