
Ngày 5/9, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 5659 chỉ đạo các sở liên quan, Kho bạc và các chủ rừng khẩn trương thực hiện công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và giải ngân kinh phí về nhiệm vụ này theo kế hoạch năm 2018 đã được phê duyệt...
Ngày 5/9, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 5659 chỉ đạo các sở liên quan, Kho bạc và các chủ rừng khẩn trương thực hiện công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và giải ngân kinh phí về nhiệm vụ này theo kế hoạch năm 2018 đã được phê duyệt. Căn cứ báo cáo, đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc từ Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đồng thời thống nhất không điều chuyển vốn đầu tư đối với các hạng mục trồng rừng, chăm sóc rừng trồng các năm cho các dự án khác, địa bàn khác.
Từ năm 2019 trở đi, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ rừng lập dự án trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và tiến hành thẩm định, phê duyệt trước ngày 31/10 để làm cơ sở bố trí vốn cho các năm tiếp theo. Căn cứ kế hoạch phát triển rừng hàng năm và cả giai đoạn, các đơn vị chủ rừng chủ động lập dự án đầu tư trồng rừng, chăm sóc rừng trồng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, không phải thực hiện bước đề xuất chủ trương đầu tư như các năm trước.
Được biết, năm 2017, công tác trồng rừng của tỉnh đã không hoàn thành mục tiêu đề ra. Về nguồn vốn để thực hiện trồng rừng, trồng cây phân tán bao gồm nguồn trồng rừng thay thế, nguồn dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ngân sách nhà nước… Trong đó, riêng từ vốn của DVMTR, lũy kế từ năm 2014 đến 2017 toàn tỉnh có tổng diện tích 1.744,26 ha với kinh phí 147,596 tỷ đồng. Năm 2018, từ nguồn thu DVMTR về du lịch là 938,4 triệu đồng và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ trồng mới 1.105,49 ha với hơn 93,6 tỷ đồng, chăm sóc rừng trồng các năm gần 23 tỷ đồng với diện tích 1.609,75 ha.
MINH ĐẠO